Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó cho giải quyết tranh chấp môi trường

11:10, 15/10/2020

Tại hội thảo 'Đánh giá  thực trạng pháp luật và triển vọng áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng trong lĩnh vực môi trường' tại tỉnh Đồng Nai do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp với Sở Tư pháp Đồng Nai tổ chức mới đây, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, các quy định pháp luật bước đầu tạo cơ sở pháp lý để người dân bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường yêu cầu đơn vị gây ô nhiễm bồi thường thiệt hại.

Tại hội thảo ‘Đánh giá  thực trạng pháp luật và triển vọng áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng trong lĩnh vực môi trường’ tại tỉnh Đồng Nai do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp với Sở Tư pháp Đồng Nai tổ chức mới đây, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, các quy định pháp luật bước đầu tạo cơ sở pháp lý để người dân bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường yêu cầu đơn vị gây ô nhiễm bồi thường thiệt hại.

Luật sư Nguyễn Đình Hải, Đoàn Luật sư tỉnh trình bày tham luận về tình hình giải quyết tranh chấp môi trường tại hội thảo. Ảnh: Đoàn Phú
Luật sư Nguyễn Đình Hải, Đoàn Luật sư tỉnh trình bày tham luận về tình hình giải quyết tranh chấp môi trường tại hội thảo. Ảnh: Đoàn Phú

Tuy nhiên, thực tế mặc dù người dân và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường xác định đơn vị gây ô nhiễm môi trường là có thật nhưng lại thiếu phương tiện, cơ sở pháp lý chứng minh thiệt hại để đòi bồi thường.

* Khó tìm chứng cứ đòi bồi thường

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, do đó, sức ép từ hoạt động công nghiệp đối với môi trường là khó tránh khỏi. Theo Sở TN-MT, việc giải quyết tranh chấp về môi trường được xem là tranh chấp dân sự ngoài hợp đồng và được giải quyết theo các quy định pháp luật có liên quan.

Hiện tại, việc quản lý công tác bảo vệ môi trường tại địa phương của tỉnh được giao cho các cơ quan như: Sở TN-MT (quản lý chung), Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (được ủy quyền quản lý trong phạm vi quản lý), lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh và công an các địa phương, Phòng TN-MT cấp huyện. Các cơ quan này đồng thời được giao cả việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phản ảnh của tổ chức, cá nhân về môi trường.

Thời gian qua, các phát sinh liên quan tới tranh chấp môi trường trên địa bàn tỉnh xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau và có những vụ việc kéo dài. Thanh tra Sở TN-MT cho hay, từ năm 2015 đến tháng 9-2020 đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 273 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường với tổng số tiền 53,6 tỷ đồng. Chỉ riêng 9 tháng của năm 2020 đã xử phạt 45 trường hợp với số tiền 9,6 tỷ đồng.

Cũng theo Sở TN-MT, tranh chấp môi trường đặc trưng cơ bản nhất là tranh chấp môi trường sống. Thể hiện qua lợi ích chung là chất lượng môi trường sống  như: không khí, đất, nước, âm thanh… bị ảnh hưởng. Tranh chấp môi trường xảy ra thường có quy mô lớn, liên quan tới nhiều chủ thể khác nhau. Sự đa dạng về chủ thể dẫn đến việc khó xác định số lượng cụ thể các đương sự trong một vụ tranh chấp môi trường.

Trong khi đó, Sở Tư pháp đánh giá, giá trị thiệt hại trong tranh chấp môi trường thông thường rất lớn, lâu dài và khó xác định hay định giá về mặt thực tế. Do vậy, có tình trạng người bị thiệt hại kê “khống” giá trị bị thiệt hại (số lượng cá chết) để nhận tiền đền bù, hỗ trợ. Thậm chí, lợi dụng sự không định lượng được thiệt hại, chủ thể trong tranh chấp môi trường cố tình gây ra các cuộc khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng tới các chủ thể khác trong tranh chấp, bất ổn xã hội và ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư.

* Chọn phương thức hòa giải trong tranh chấp

Theo trợ giúp viên Lê Minh Tuấn (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, Sở Tư pháp), việc nhận diện một đơn vị có hành vi gây ô nhiễm môi trường là rất khó đối với người dân, vì đòi hỏi phải có sự trợ giúp của phương tiện khoa học kỹ thuật, phải có sự đánh giá của các cơ quan chuyên ngành, có sự định tính và định lượng cụ thể mới có thể xác định đó là một hành vi vi phạm về môi trường. Từ đó người dân có cơ sở chứng minh khi yêu cầu đòi bồi thường. Chính vì người dân không đủ khả năng và khó chứng minh thiệt hại nên lựa chọn phương thức hòa giải, trọng tài để giải quyết tranh chấp là hợp lý.

Đồng quan điểm với ông Tuấn, luật sư Nguyễn Đình Hải (Đoàn Luật sư tỉnh) nêu quan điểm, phương thức hòa giải, đối thoại trong xung đột môi trường là thân thiện, ưu việt, góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, những bất đồng về quyền lợi. Việc hòa giải, đối thoại trong tranh chấp môi trường thành công sẽ giúp giải quyết triệt để vấn đề. Do đó, Chính phủ nên thành lập cơ quan giải quyết tranh chấp môi trường ở 2 cấp: Trung ương và tỉnh.

Tương tự, thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Chánh Tòa Dân sự (TAND tỉnh) bày tỏ quan điểm, việc giải quyết tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường bằng con đường tòa án của người dân hầu như không đạt được hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân chính là do khi đã khởi kiện ra tòa án thì đương sự phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh thiệt hại tài sản, cung cấp chứng cứ theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng theo luật định. Trong một số vụ việc, không xác định được nguyên nhân, thủ phạm chính gây ra nên người dân không biết kiện ai. Hoặc việc tìm ra nguyên nhân mất khá nhiều thời gian  dẫn tới việc xác định thiệt hại cụ thể đối với từng hộ dân là rất khó khăn.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, hòa giải luôn là giải pháp hiệu quả, thiết thực, giá trị cao cả về thời gian lẫn công sức, tiền bạc cho các bên khi xảy ra tranh chấp trong hầu hết các tranh chấp dân sự. Luật sư Nguyễn Đức, Giám đốc Chi nhánh Đông Nam bộ thuộc Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM cho biết, giải quyết tranh chấp môi trường theo phương thức trọng tài có ưu điểm là các bên thoải mái hòa giải, thỏa thuận, không bị gò bó, đảm bảo bí mật. Giải quyết tranh chấp môi trường theo phương thức trọng tài tiết kiệm được thời gian, lẫn chi phí. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua việc giải quyết tranh chấp môi trường theo phương thức trọng tài chưa được thực hiện.

Theo Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), để giải quyết hiệu quả những tranh chấp về môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cần: hoàn thiện hệ thống pháp luật, thành lập cơ quan chuyên về giải quyết tranh chấp môi trường (hoặc hỗ trợ giải quyết), xác định quy chế hòa giải tại cơ quan bảo vệ môi trường các cấp, đặc biệt, cần tạo khung hành lang pháp lý cho việc áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng trong giải quyết tranh chấp về môi trường thông qua thương lượng, hòa giải, có sự hỗ trợ của trung gian là cơ quan, tổ chức, những người có kiến thức chuyên môn nhất định.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều