Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghiêm cấm mọi hành vi quảng cáo, mua bán tiền giả

09:09, 13/09/2020

Việc rao bán tiền giả, hủy hoại tiền (đốt, cắt), sao chụp tiền Việt Nam để làm hàng mã, đồ chơi, hàng lưu niệm... là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, chế tài nghiêm khắc...

Hiện nay, việc rao bán tiền giả, hủy hoại tiền (đốt, cắt), sao chụp tiền Việt Nam để làm hàng mã, đồ chơi, hàng lưu niệm... được giới thiệu quảng bá khá công khai trên mạng xã hội (MXH) và bày bán ở chợ, quầy hàng lưu niệm. Các hành vi này đều bị pháp luật nghiêm cấm, chế tài nghiêm, ngoài xử phạt hành chính còn có thể bị xử lý hình sự.

Một số tài khoản Facebook công khai rao bán tiền giả. Ảnh: Chụp màn hình
Một số tài khoản Facebook công khai rao bán tiền giả. Ảnh: Chụp màn hình

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) giải thích, tiền giả là những loại tiền được làm giống như tiền Việt Nam nhưng không do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức in, đúc, phát hành. Do đó, pháp luật nghiêm cấm hành vi: làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả; hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào; sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

* Công khai rao bán tiền giả

Chỉ cần gõ từ khóa “Tiền giả”, trên Facebook xuất hiện nhiều địa chỉ giới thiệu, chào mời như: Tiền Giả Giống Thật 99%, Tiền Giả Không Cọc 98%, Tiền Giả (Không cọc uy tín), Shop Tiền Giả Không Cọc - nhận hàng thanh toán... Trong đó có những tài khoản công khai giới thiệu, tiền giả đảm bảo giống từ 96-99% làm bằng chất liệu polymer Thái Lan đảm bảo không màu không mùi, vò không nhàu, tiền có vân nhám đầy đủ, bao kiểm tra, test hàng trước khi nhận, đảm bảo an toàn cho khách hàng khi sử dụng hàng của shop. Tỷ lệ đổi: 1 triệu đồng tiền thật = 10 triệu đồng tiền giả; 2 triệu đồng tiền thật = 20 triệu đồng tiền giả; 3 triệu đồng tiền thật = 30 triệu đồng tiền giả; 5 triệu đồng tiền thật = 55 triệu đồng tiền giả...

Tuy nhiên, khi khách hàng có nhu cầu thì các tài khoản này đều chuyển sang giao dịch kín qua số Zalo hoặc số điện thoại của “shop” bán tiền giả online này để được tư vấn rõ ràng về phương thức giao dịch và cách sử dụng tiền giả không bị phát hiện.

Luật sư Ngô Văn Định cho hay, hành vi rao bán tiền giả của chủ các tài khoản MXH nói trên là vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị chế tài về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo Điều 207, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5-12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân.

“Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” - luật sư Định nhấn mạnh.

* Không nên xem thường pháp luật

Ngày 9-3, Công an tỉnh triệt phá đường dây tàng trữ mua bán lưu hành tiền giả qua MXH ở TP.Biên Hòa. Cơ quan công an bắt giữ N.H.T. (17 tuổi, TP.Biên Hòa) và H.N.N. (17 tuổi, H.Nhơn Trạch) để điều tra về hành vi mua bán tiền giả qua MXH.

Qua khai thác, T. và N. khai nhận, mỗi người đặt mua 4 triệu đồng tiền giả của L.H.M. (18 tuổi, tỉnh Bến Tre) trên MXH. Sau đó, M. chuyển gửi hàng qua đường bưu điện cho T. và N. Trước đó, ngày 28-2, công an bắt giữ M. và thu 16 tờ tiền giả mệnh giá 500 ngàn đồng cùng nhiều tang vật có liên quan.

Luật sư Định cho rằng, hành vi của T., N., M. là vi phạm pháp luật hình sự và pháp luật về tiền tệ Việt Nam. Hành vi này có thể có nhiều người liên quan như: vận chuyển, tàng trữ, làm giả, giúp sức... khi cơ quan công an mở rộng điều tra, làm rõ vụ án.

Cũng theo luật sư Định, hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào (cắt, đốt, chôn...); sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước (làm hàng mã, đồ lưu niệm, đồ chơi...) sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. 

Theo Nghị định 97/2014/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật. Phạt tiền từ 40-80 triệu đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) cho biết, thực tế không phải người dân nào cũng biết, hiểu, thể hiện cao tinh thần trách nhiệm khi phát hiện tiền giả. Chính vì vậy từ nạn nhân, vì tiếc của họ trở thành người tàng trữ, lưu hành, vi phạm pháp luật. Theo quy định của pháp luật, khi cá nhân có tiền giả phải kịp thời giao nộp cho cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước, bộ đội biên phòng hoặc cơ quan hải quan nơi thuận tiện nhất.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều