Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao

10:09, 14/09/2020

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các vụ đối tượng tội phạm sử dụng mạng viễn thông, mạng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại lớn cho nhiều người dân.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các vụ đối tượng tội phạm sử dụng mạng viễn thông, mạng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại lớn cho nhiều người dân.

Công an TP.Biên Hòa phối hợp với một ngân hàng thương mại đặt bảng cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao. Ảnh: Khắc Thiết
Công an TP.Biên Hòa phối hợp với một ngân hàng thương mại đặt bảng cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao. Ảnh: Khắc Thiết

Chỉ tính từ tháng 3-2020 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã tiếp nhận 16 trường hợp trình báo bị kẻ gian lừa đảo bằng thủ đoạn trên, chiếm đoạt số tiền hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, công an các địa phương cũng đã tiếp nhận hàng chục vụ việc tương tự.

* Phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến

Từ xác minh của cơ quan công an cho thấy, phương thức, thủ đoạn phổ biến của tội phạm công nghệ cao là: kết bạn qua mạng xã hội (MXH), mạo danh nhân viên bưu điện, cơ quan thực thi pháp luật, giả giao dịch mua bán online để lừa đảo...

Cụ thể, với chiêu thức kết bạn qua MXH (Zalo, Facebook, WhatsApp...), với mác “lính Mỹ chiến đấu ở Afghanistan, Iraq”, “doanh nhân thành đạt tại nước ngoài”..., các đối tượng tội phạm chủ động kết bạn với nhiều người Việt Nam. Trong đó, đối tượng chủ yếu mà nhóm này hướng đến là phụ nữ. Sau khi kết bạn, các đối tượng thường hứa hẹn sẽ đầu tư mua nhà, đất tại Việt Nam; gửi tặng quà có giá trị bằng USD, vàng và thậm chí là hứa hẹn sẽ sang Việt Nam để kết hôn, lập nghiệp, đầu tư kinh doanh.

Từ những lời hứa hẹn “có cánh” đó, các đối tượng bắt đầu xin thông tin cá nhân để thực hiện “kịch bản” lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của những người này.

Trước những thông tin về các vụ việc lừa đảo nói trên, Công an tỉnh đề nghị người dân khi gặp những trường hợp tương tự thì phải nhanh chóng trình báo cho cơ quan chức năng để xác minh, xử lý. Theo đó, người dân có thể báo cho công an các địa phương hoặc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh (địa chỉ số 42, đường Nguyễn Ái Quốc, KP.2, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, số điện thoại: 0693.480.182).

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo công nghệ cao còn sử dụng chiêu thức giả danh cán bộ thực thi pháp luật (công an, viện kiểm sát, tòa án), nhân viên bưu điện để thông báo cho nạn nhân là có liên quan đến các đường dây tội phạm, buộc họ phải thông báo số tài khoản hoặc nạp tiền vào “tài khoản cơ quan chức năng” để “kiểm tra” rồi chiếm đoạt. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 6 nạn nhân bị lừa hơn 10 tỷ đồng.

Một trong những chiêu thức lừa đảo khác được tội phạm công nghệ cao thường sử dụng là lợi dụng việc mua bán hàng và thanh toán online để giả các giao dịch nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Đối tượng lợi dụng việc thông qua mua bán online trên các trang mạng như: Chotot, Lazada, Amazon, Shopee, Tiki... dùng các trang MXH cá nhân để liên lạc với người bán hàng, thực hiện các thỏa thuận về giá cả rồi tiến hành giao dịch mua bán.

Sau đó, đối tượng tìm mọi cách yêu cầu nạn nhân đăng nhập thông tin vào đường dẫn do đối tượng cung cấp để kiểm tra thông tin việc chuyển tiền. Thông qua trang web, đối tượng tội phạm thu nhập được toàn bộ thông tin tài khoản ngân hàng của các nạn nhân và chuyển hết tiền của nạn nhân vào tài khoản khác rồi chiếm đoạt. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 2 nạn nhân bị lừa bởi chiêu thức này, thiệt hại số tiền lên đến 548 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các đối tượng tội phạm còn giả mạo các trang web, tài khoản Facebook mua bán hàng trên internet để lừa bị hại chuyển tiền mua hàng trước, sau đó chiếm đoạt mà không giao hàng. Cụ thể như vào ngày 7-8, anh N.K.T. (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) lên internet để tìm mua sắt thép và tìm được trang “Khothepxaydung...com” rao bán thép cây sỉ. Liên hệ số điện thoại trên trang web này, anh T. được yêu cầu chuyển 77,2 triệu đồng để đặt cọc đến tài khoản ngân hàng VietinBank mang tên Pham Cong Dai. Sau khi anh T. chuyển tiền theo yêu cầu thì đối tượng cắt mọi liên hệ và chiếm đoạt số tiền trên.

* Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân

Theo các cơ quan chức năng, tội phạm sử dụng MXH, internet và các hoạt động giao dịch trên không gian mạng để lừa đảo ngày càng tinh vi. Các đối tượng đã nhằm vào xu hướng hiện nay của người dân, phần lớn sử dụng thiết bị công nghệ trong giao dịch, mua bán và trao đổi hàng hóa, thông tin để lừa đảo. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn lợi dụng tâm lý hám lợi khi có người tặng quà, hứa hẹn “hợp tác làm ăn” của nhiều người để đưa họ vào “kịch bản” đã bày sẵn nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, trước các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, người dân cần nêu cao cảnh giác để phòng tránh “sập bẫy” kẻ xấu. Theo đó, người dân cần đặc biệt chú ý đến một số vấn đề như: luôn phải biết bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Không chia sẻ các thông tin cá nhân như: tên, họ, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... Đây chính là những kẽ hở ban đầu để các đối tượng xây dựng “kịch bản” để đưa người dân vào bẫy của chúng.

Đối với những người sử dụng các tài khoản MXH, không nên kết giao với người lạ, nhất là đối tượng là người nước ngoài khi chưa có mối quen biết. Đặc biệt, không cung cấp bất kỳ thông tin gì từ những số điện thoại lạ gọi đến mình. Người dân cũng không trao đổi và thực hiện theo các yêu cầu từ những số điện thoại không quen biết hay giới thiệu là nhân viên giao hàng, nhân viên bưu điện...

Đối với việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng cũng cần phải chú ý trong việc đăng nhập, truy cập, nhập mã pin, mã OTP, số tài khoản... trên các trang web. Người dân cũng phải thận trọng khi nhập vào các đường link có nghi vấn từ người lạ gửi đến.

Theo đại tá Nguyễn Ngọc Quang,  cơ quan thực thi pháp luật như: công an, Viện KSND, tòa án... không liên hệ làm việc qua điện thoại hoặc yêu cầu gửi hình ảnh, tin nhắn qua điện thoại hoặc trên MXH. Đặc biệt, các cơ quan thực thi pháp luật không bao giờ yêu cầu người dân phải nạp bất kỳ khoản tiền nào vào tài khoản cá nhân để phục vụ điều tra.       

Trần Danh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích