Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ quan, cá nhân nào được quyền chứng thực?

10:08, 05/08/2020

Theo quy định của pháp luật, tùy theo chức năng, nhiệm vụ mà UBND cấp huyện, cấp xã; công chứng viên; cơ quan chức năng khác được thực hiện quyền chứng thực các loại giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam ban hành.

Theo quy định của pháp luật, tùy theo chức năng, nhiệm vụ mà UBND cấp huyện, cấp xã; công chứng viên; cơ quan chức năng khác được thực hiện quyền chứng thực các loại giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam ban hành.

Công chức tư pháp - hộ tịch xã Đồi 61 (H.Trảng Bom) thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký cho người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại xã. Ảnh: Đ.Phú
Công chức tư pháp - hộ tịch xã Đồi 61 (H.Trảng Bom) thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký cho người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại xã. Ảnh: Đ.Phú

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn xảy ra trường hợp cá nhân, tổ chức không được Nhà nước giao thẩm quyền chứng thực vẫn thực hiện việc chứng thực như cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Hành vi này gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tranh chấp, gây nhầm lẫn cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và các vấn đề khác.

* Luật sư có được chứng thực?

Giữa bà N.T.V. và bà H.T.H., cùng ngụ P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) chuyển nhượng cho nhau 400m2 đất nông nghiệp. Do việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) của 2 bà không đúng quy định pháp luật nên khi đến một số văn phòng công chứng, UBND phường trên địa bàn TP.Biên Hòa đều bị các cơ quan này từ chối chứng thực hợp đồng giao dịch này. Một số người đã hướng dẫn bà V. và bà H. làm giấy chuyển nhượng bằng giấy tay và đến văn phòng luật sư để nhờ làm chứng cho an tâm. Bà V. lo lắng không biết luật sư có được làm chứng như vậy hay không.

Hay như trường hợp ông T.V.A. (ngụ xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) chuyển nhượng cho ông V.V.B. (ngụ cùng địa phương) 200m2 đất nông nghiệp. Hai bên được một luật sư hướng dẫn lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và luật sư ký làm chứng cho giao dịch đó. Ông A. bày tỏ lo lắng vì không biết việc luật sư làm chứng cho giao dịch liên quan đến QSDĐ như vậy có được không?

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, việc giao dịch chuyển nhượng QSDĐ giữa bà V. với bà H., giữa ông A. và ông B. đều trái với quy định của pháp luật nên giao dịch đó sẽ vô hiệu. Vì các văn phòng luật sư, luật sư không có thẩm quyền chứng thực theo Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn.

Cũng theo luật sư Định, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rất rõ, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Nếu giao dịch không đúng trình tự như vậy thì hợp đồng giao dịch sẽ vô hiệu và các bên phải chịu trách nhiệm về sự giao dịch vô hiệu đó.

* Cá nhân, tổ chức được trao quyền công chứng, chứng thực

Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lê Triết Như Vũ cho biết, Nghị định 23/2015/Đ-CP ngày 16-2-2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch; Thông tư 01/2020/TT-BTP ngày 3-3-2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định thẩm quyền chứng thực như sau: phòng tư pháp cấp huyện có thẩm quyền chứng thực các nội dung sau: bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận.

Ngoài ra, phòng tư pháp cấp huyện còn có thẩm quyền chứng thực: chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;  chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản; văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản.

Cũng theo ông Vũ,  đối với UBND cấp xã thì có thẩm quyền chứng thực: bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch.

Ngoài ra, theo quy định, UBND cấp xã còn có thẩm quyền chứng thực: hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản; hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014; di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là QSDĐ và tài sản gắn liền với đất; động sản, nhà ở.

Công chứng viên thì có quyền: chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận. Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch.

Do đó, theo ông Lê Triết Như Vũ: “Việc chứng thực nếu không được các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền thực hiện thì kết quả chứng thực đó sẽ không có giá trị pháp lý. Cá nhân, tổ chức nào thực hiện hành vi chứng thực không đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật ”.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Lê Triết Như Vũ hướng dẫn, việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại UBND cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại UBND cấp xã nơi có nhà.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều