Báo Đồng Nai điện tử
En

Chia tài sản sau ly hôn

09:08, 06/08/2020

Sau ly hôn, việc phân chia tài sản chung của vợ chồng do hai bên thỏa thuận và thỏa thuận đó không trái pháp luật. Còn nếu vợ chồng không thỏa thuận được thì hai bên yêu cầu tòa án giải quyết.

Sau ly hôn, việc phân chia tài sản chung của vợ chồng do hai bên thỏa thuận và thỏa thuận đó không trái pháp luật. Còn nếu vợ chồng không thỏa thuận được thì hai bên yêu cầu tòa án giải quyết.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) tư vấn cho người dân về vấn đề phân chia tài sản. Ảnh minh họa: Đ.Phú
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) tư vấn cho người dân về vấn đề phân chia tài sản. Ảnh minh họa: Đ.Phú

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) cho hay, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân (trừ trường hợp được quy định tại Khoản 1, Điều 40, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014); tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

* Không phải tài sản chung nào cũng chia đôi sau ly hôn

Sau lễ cưới, chị  A. và anh K. (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) có dư một số tiền. Cả hai thống nhất gộp tài sản riêng của mỗi người trước hôn nhân thành tài sản chung để mở công ty. Anh K. làm giám đốc, chị A. làm thủ quỹ và kiêm luôn việc quán xuyến chung công ty do vợ chồng góp vốn thành lập.

Trong quá trình kinh doanh, vợ chồng chị A. đã mua được một căn nhà ở P.Bửu Long, một thửa đất tại xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) và cho người khác vay 1,3 tỷ đồng. “Nay vợ chồng tôi ly hôn thì tài sản này chia như thế nào?” - chị A. hỏi.

Luật gia Phạm Đình Đức cho hay, việc nhập tài sản riêng của vợ chồng chị A. vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng chị.  Nếu vợ chồng chị không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

Về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cũng cho biết, trong trường hợp chị A. không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng chị đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

“Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, việc chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh như sau: vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác” - luật gia Đức cho biết.

Đặc biệt, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như: hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

* Liên quan tới người thứ 3

Bà T.L. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, trong quá trình hôn nhân, vợ chồng bà tạo dựng được khu rẫy trên 5 sào và cả hai xây nhà trên đó sinh sống. Khi vợ chồng lục đục, bà bỏ ra ngoài ở riêng và khi đi bà để nhà, rẫy cho chồng quản lý. Nay bà hay tin chồng bà có vay nợ tiền bên ngoài. Vậy khi ly hôn bà có trách nhiệm cùng chồng trả số nợ đó không?

Luật gia Phạm Đình Đức cho hay, vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các luật khác có liên quan. Trong thời kỳ hôn nhân hoặc ly thân, chồng hay vợ tự ý vay mượn nợ của người khác mà mục đích vay mượn không phải để chăm lo gia đình thì người chồng hoặc vợ không phải chịu trách nhiệm trả nợ cho người kia.

“Do đó, nếu việc vay mượn nợ của chồng mà bà L. không biết, không ký xác nhận vào giấy vay mượn nợ đó thì bà không phải chịu trách nhiệm trả phần nợ mà chồng bà tự ý vay mượn bên ngoài” - luật gia Đức nói.

Theo luật gia Đức, việc giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba (chủ nợ) khi ly hôn  như sau: quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, nếu không thỏa thuận được thì các bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) lưu ý, trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều