Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẫn chưa thể hoàn thành thu phí không dừng

09:06, 04/06/2020

Được đánh giá có nhiều tiện ích, nhưng do còn một số khó khăn, bất cập, nên đến nay dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) đối với vận tải bằng ô tô vẫn chưa hoàn thành theo đúng tiến độ...

 

Khi sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC), ô tô sẽ được dán thẻ thu phí không dừng (Etag) định danh trên kính hoặc đèn xe. Khi xe đi vào làn không dừng, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí BOT sẽ trừ tiền của chủ xe trong tài khoản giao thông. Việc này giúp giảm ùn tắc tại trạm thu phí, tăng tính minh bạch cũng như nhằm xóa bỏ việc phải dừng trả tiền mặt khi qua các trạm thu phí.

Tại làn thu phí tự động không dừng của Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai vẫn sử dụng cả 2 hình thức mua vé giấy và vé điện tử. Ảnh: T.Hải
Tại làn thu phí tự động không dừng của Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai vẫn sử dụng cả 2 hình thức mua vé giấy và vé điện tử. Ảnh: T.Hải

Được đánh giá có nhiều tiện ích nhưng do còn một số khó khăn, bất cập trong cách thức thực hiện nên đến nay hoạt động ETC đối với các phương tiện vận tải bằng ô tô chưa hoàn thành theo đúng tiến độ.

* “Ách tắc” thu phí không dừng

Dự án dịch vụ ETC được triển khai từ năm 2015. Tại Đồng Nai, dịch vụ ETC đã được thực hiện ở Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai, cùng với 28 trạm thu phí khác trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây nguyên) thuộc giai đoạn 1 của dự án theo yêu cầu của Bộ GT-VT. Ngoài ra, chủ đầu tư các trạm thu phí trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trạm thu phí tuyến tránh TP.Biên Hòa (đoạn qua H.Trảng Bom) cũng đã đầu tư và triển khai thực hiện dịch vụ ETC.

Theo thống kê của Sở GT-VT, Đồng Nai đã có trên 20 ngàn phương tiện giao thông đăng ký sử dụng dịch vụ ETC. Việc người dân không mặn mà với dịch vụ này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, không có sự liên thông giữa các trạm thu phí khi sử dụng dịch vụ ETC.

Ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) đã dán Etag cho xe ô tô của mình được gần 1 năm nay khi bắt đầu chạy xe công nghệ. Tuy nhiên, ông chỉ sử dụng dịch vụ này qua Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai, còn lại ở những trạm thu phí khác phải dùng tiền mặt. Do số lần dùng ít nhưng vẫn nộp tiền vào tài khoản để duy trì dịch vụ nên đã phát sinh chi phí. Dù vậy ông không dám hủy, bởi nếu sau này đi đăng ký mở tài khoản sử dụng lại thì ông phải trả 120 ngàn đồng.

“Cùng một cách thức thu phí nhưng nhiều trạm thu phí lại thực hiện khác nhau, bởi không nhiều doanh nghiệp triển khai lắp đặt ETC. Điều này gây lãng phí và mất thời gian cho người dân” - ông Hòa nói.

Tương tự, ông Đỗ Duy Thành (Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Thành Phương, TP.Biên Hòa) cho biết, doanh nghiệp có khoảng 50 đầu xe chở hàng. Theo quy định, chủ xe phải trả phí qua tài khoản giao thông trước khi xe chạy. Với số lượng xe nhiều, hoạt động rộng khắp các địa phương nên số tiền nộp vào tài khoản cũng không hề nhỏ.

Ông Thành cho biết thêm, mỗi tài khoản lúc nào cũng phải duy trì số tiền 500-700 ngàn đồng là rất lớn, hàng tháng còn bị trừ tiền dù không sử dụng. Đây chính là trở ngại mà nhiều người chưa mặn mà dùng dịch vụ ETC. Vì vậy, đơn vị thu phí cần có hình thức trả sau như tài khoản điện thoại di động. Đến cuối tháng, đơn vị thu phí thông báo và doanh nghiệp sẽ trả tiền.

* Nhiều giải pháp tháo gỡ

Theo Quyết định 07/2017/QĐ-TTg vào ngày 23-7-2017 và Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 27-2-2018 của Chính phủ đến ngày 31-12-2019, tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc sẽ chuyển sang dịch vụ ETC, đồng thời với các nhà đầu tư dự án BOT có trạm thu phí nhưng không chuyển sang hình thức ETC sẽ bị dừng hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn dở dang do không đạt được số lượng trạm thu phí lắp đặt dịch vụ ETC cũng như số người dùng quá ít.

Là đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng ngay từ những ngày đầu thực hiện, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty VETC cho biết, hiện nay đơn vị đã dán Etag trên 830 ngàn trong số 3,5 triệu ô tô của cả nước. Trong quá trình triển khai, các vấn đề như: vay vốn, kết nối thẻ, chủ phương tiện trả tiền trước hay sau khi qua trạm thu phí… đang gặp vướng mắc khiến dự án không về đích đúng tiến độ.

Theo phía Công ty VETC, đơn vị đang tính toán lại phương án có thể trả trước và trả sau tại tài khoản giao thông. Việc trừ tiền thẳng từ tài khoản ngân hàng khó triển khai do ngân hàng không cho phép doanh nghiệp thu phí truy cập vào tài khoản của khách hàng. Đơn vị thu phí đang liên kết với ngân hàng để có chính sách giảm phí chuyển tiền.

Ngoài ra, các ngành liên quan cũng kiến nghị giải pháp xe qua làn không dừng thì tiền phí trừ thẳng vào tài khoản ngân hàng của chủ xe, không nên có tài khoản giao thông; cần bổ sung chế tài phạt chủ xe chậm trả phí sử dụng cũng như phạt nghiêm phương tiện không dán Etag nhưng cố tình đi vào làn thu phí tự động gây ách tắc giao thông.

Trước những khó khăn trong việc triển khai dịch vụ ETC, mới đây Bộ GT-VT đã trình cấp có thẩm quyền quy định lùi đến đầu năm 2021; đồng thời xác định quyền, nghĩa vụ các chủ thể liên quan khi thực hiện hệ thống thu phí tự động, quy định rõ các làn thu phí tại dự án đường bộ và chi phí liên quan. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng lộ trình triển khai, đảm bảo mục tiêu “cơ bản hoàn thành hệ thống ETC trong năm 2020”.

Tại Đồng Nai có 7 trạm thu phí đang hoạt động. Trong đó, 6 trạm do Bộ GT-VT quản lý (gồm các trạm: cầu Đồng Nai, quốc lộ 51, quốc lộ 1 đường tránh TP.Biên Hòa, quốc lộ 20, quốc lộ 1K và trạm đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây); 1 trạm do Sở GT-VT quản lý là trạm đường tỉnh 768.

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích