Báo Đồng Nai điện tử
En

Đất thờ tự không thuộc về sở hữu cá nhân

08:06, 21/06/2020

Đất thờ tự (nhà thờ họ, am, miếu, từ đường...) được pháp luật cho phép cá nhân thay mặt đại diện tập thể đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Tuy nhiên, cá nhân đứng tên không có quyền phân chia tài sản chung này.

Đất thờ tự (nhà thờ họ, am, miếu, từ đường...) được pháp luật cho phép cá nhân thay mặt đại diện tập thể đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Tuy nhiên, cá nhân đứng tên không có quyền phân chia tài sản chung này.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) truyên truyền pháp luật về đất đai cho người dân xã Phú Thạnh (H.Nhơn Trạch)
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) truyên truyền pháp luật về đất đai cho người dân xã Phú Thạnh (H.Nhơn Trạch)

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, theo quy định việc đứng tên này chỉ là đại diện cho tập thể hoặc một nhóm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Do đó, khi phát sinh tranh chấp nếu các bên không tự thỏa thuận được thì khởi kiện ra tòa để được giải quyết.

* Của tập thể để cá nhân đứng tên

Bà N.T.P. (ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) trình bày, chị ruột của bà là bà P.T.T. đại diện cho nhóm phật tử đứng tên chủ sở hữu QSDĐ khu thờ tự tại P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) có diện tích trên 259m2. Sau khi chị của bà mất để lại di nguyện giao cho bà quản lý nơi thờ tự với sự chứng kiến và đồng thuận của những người cùng góp sức, vật chất để tạo lập nơi thờ tự này. Nay 2 người con của bà T. đòi quyền thừa kế khu đất này dẫn đến tranh chấp.

Còn ông H.V. K. (ngụ xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) thắc mắc, khi cha mẹ ông mất có để lại cho ông trông coi mảnh đất rộng 150m2. Theo ý nguyện của cha mẹ ông khi còn sống (không lập di chúc chỉ nói miệng với ông), khu đất này dành để lập từ đường thờ cúng ông bà. Nay ông làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ khu đất trên (do ông đại diện đứng tên) nhưng các em của ông không đồng ý, đòi phân chia thừa kế.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, chủ sở hữu đất hương hỏa có thể là cá nhân hoặc một nhóm người tùy thuộc vào di chúc hoặc sự thống nhất của những người thừa kế. Việc tranh chấp đất hương hỏa do người lập di chúc để lại thì đất hương hỏa đó sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 645, Bộ luật Dân sự năm 2015 (di sản dùng vào việc thờ cúng). Nếu đất hương hỏa là do những người thừa kế thống nhất phân chia thì thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 623, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức phân tích, tại Điều 100, Luật Đất đai năm 2013 quy định, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Ngoài ra, tại Điều 211, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định, sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.

Luật sư Đức nhấn mạnh, căn cứ vào quy định trên thì nơi thờ tự theo phản ảnh của bà T. thuộc sở hữu chung của cộng đồng, bà T. chỉ là người đại diện cho nhóm phật tử đứng tên trong giấy chứng nhận QSSĐ, chứ không thuộc quyền sở hữu riêng của cá nhân bà. Do đó, các con của bà không có quyền đòi phân chia tài sản chung của cộng đồng khi bà mất.

Riêng trường hợp của ông K., ông hoặc các thành viên trong gia đình được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ khu đất dành lập từ đường theo đúng ý nguyện của cha mẹ còn sống hoặc có quyền yêu cầu phân chia tài sản này nếu các thành viên trong gia đình thống nhất phân chia hoặc cử người đại diện đứng ra quản lý khu đất này.

* Di sản dùng vào việc thờ cúng ai quản lý?

Trong trường hợp, chủ sở hữu tài sản trước khi mất có lập di chúc tài sản phải dùng vào việc thờ cúng thì về nguyên tắc sẽ không phân chia theo quy định tại Điều 645, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh phân tích, theo Điều 645, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

“Riêng trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật” - luật sư Định nói.

Cụ thể như trường hợp của ông L.V.M. (ngụ xã Phú Thanh, H.Tân Phú), theo di chúc của cha mẹ ông để lại thể hiện, khu đất 100m2 dành vào việc thờ cúng, làm từ đường nên pháp luật không cho phép thực hiện phân chia theo thừa kế. Chỉ trừ trường hợp, toàn bộ di sản của cha mẹ ông khi chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản khi còn sống thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều