Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh rắc rối khi cha mẹ cho con tài sản

09:03, 20/03/2020

Trong thời gian qua, có không ít vụ tranh chấp tài sản liên quan tới di chúc, di tặng, hợp đồng tặng cho tài sản. Nếu không suy nghĩ thấu đáo, kỹ càng trước khi làm các thủ tục liên quan tới di chúc, di tặng, hợp đồng tặng cho tài sản giữa cha mẹ và con cái sẽ dễ dẫn tới tranh chấp, kiện tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình cảm gia đình.

Trong thời gian qua, có không ít vụ tranh chấp tài sản liên quan tới di chúc, di tặng, hợp đồng tặng cho tài sản. Nếu không suy nghĩ thấu đáo, kỹ càng trước khi làm các thủ tục liên quan tới di chúc, di tặng, hợp đồng tặng cho tài sản giữa cha mẹ và con cái sẽ dễ dẫn tới tranh chấp, kiện tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình cảm gia đình.

Luật sư Ngô Văn Định (bìa phải), Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh trao đổi với người dân về vấn đề di chúc, di tặng, hợp đồng tặng cho tài sản. Ảnh: Đ.Phú
Luật sư Ngô Văn Định (bìa phải), Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh trao đổi với người dân về vấn đề di chúc, di tặng, hợp đồng tặng cho tài sản. Ảnh: Đ.Phú

Trên thực tế đã có không ít những câu chuyện buồn xung quanh việc cha mẹ lập di chúc, di tặng để lại tài sản hay làm hợp đồng tặng cho tài sản cho con khi còn sống.

* Bút sa... ngậm đắng

Ông T.T. (ngụ xã Phú Lâm, H.Tân Phú) trình bày, mẹ ông bàn bạc (miệng) với ông và em trai là sẽ cho em trai ông được quyền sở hữu, sử dụng căn nhà cấp 4 và diện tích đất hơn 4 ngàn m2, với điều kiện là em trai ông phải đưa cho ông số tiền tương ứng 1/3 giá trị của mảnh đất và nuôi dưỡng bà đến cuối đời. Tuy nhiên, khi mẹ ông làm thủ tục cho tặng tài sản này cho em trai của ông lại không ghi rõ điều kiện đã thỏa thuận miệng trong hợp đồng.

Sau đó, em trai của ông T.T. chuyển toàn bộ quyền sử dụng đất (QSDĐ) của mẹ ông sang tên mình nhưng không thực hiện những gì đã thỏa thuận (đưa ông số tiền tương ứng 1/3 giá trị mảnh đất và nuôi dưỡng mẹ). Do đó, ông T. muốn khởi kiện em trai để lấy lại tài sản này cho mẹ. 

Tương tự, ông V.V.K. (ngụ xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc) cho hay, vì ở với vợ chồng em gái út, mẹ của ông là bà D.T.L. muốn lập di chúc cho em gái của ông khu đất rộng trên 500m2, trên đó có căn nhà cấp 4.

Tuy nhiên, vì cần tiền làm ăn và dễ dàng thế chấp nhà, đất để vay vốn ngân hàng nên người em bàn bạc với ông và bà L. làm thủ tục tặng cho nhà đất nói trên cho người em với điều kiện người em sẽ chăm sóc mẹ và chỉ được bán khi mẹ qua đời (chỉ thỏa thuận miệng, không ghi văn bản). Khi bà L. làm hợp đồng tặng cho tài sản cho con gái cũng không ghi rõ điều kiện mà các bên đã thỏa thuận miệng trước đó. Nay do làm ăn thua lỗ, người con gái muốn bán đất và nhà để trả nợ nhưng bà L. không đồng ý.

Trường hợp của ông L.V.B. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cũng rất éo le. Sau khi vợ cả qua đời, ông B. làm hợp đồng tặng cho toàn bộ quyền sở hữu nhà ở, QSDĐ cho con gái. Sau này khi ông tái giá với người phụ nữ khác thì con gái nhất quyết không cho ông và vợ mới chung sống trong ngôi nhà này. 

* Chú ý tặng cho phải có điều kiện

Luật sư Lưu Hồng Khanh, Hội Luật gia tỉnh giải thích, hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, được xem là hợp pháp phải được công chứng, chứng thực. Trường hợp của em trai ông T. và em gái ông K. được mẹ tặng cho QSDĐ và đã thực hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, sau đó đã đăng ký quyền sở hữu, QSDĐ. Trong trường hợp tặng cho hoàn tất, việc chuyển QSDĐ đã xong thì tài sản đã thuộc về người được tặng cho là em trai ông T. và em gái ông  K. Do đó, mẹ của các ông không thể đòi lại vì trong hợp đồng tặng cho tài sản không thể hiện nội dung nếu các con vi phạm thỏa thuận thì hợp đồng vô hiệu.

“Trừ trường hợp, hợp đồng tặng cho đó là hợp đồng tặng cho có điều kiện và em trai, em gái ông T., ông K. vi phạm Điều 120, Bộ luật Dân sự năm 2015 về giao dịch dân sự có điều kiện thì người mẹ có thể lấy đó làm căn cứ chấm dứt hợp đồng. Như vậy, mẹ của ông T., ông K. chỉ có thể đòi lại tài sản đã tặng cho con trong trường hợp là tặng cho tài sản có điều kiện và bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ sau khi được tặng cho” - luật sư Khanh nói.

Riêng trường hợp của ông L.V.B., luật sư Ngô Văn Định - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh - cũng cho rằng, việc ông B. đã tặng cho con gái tài sản vô điều kiện thì nay ông không có quyền đòi lại tài sản. Bởi lẽ, trước khi tặng cho con tài sản, ông không suy xét thấu đáo, lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra để chọn hình thức tặng cho tài sản cho con phù hợp.

Theo luật sư Định, hiện có nhiều hình thức để cho tài sản bằng di chúc, di tặng hoặc hợp đồng tặng cho tài sản. Theo đó, di chúc thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác (việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc). Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

Theo luật sư Định, để tránh những tranh chấp, rắc rối, phiền toái xảy ra, người lập di chúc, di tặng, hợp đồng tặng cho tài sản phải ghi rõ điều kiện thực hiện, không nên thỏa thuận miệng với người nhận tài sản. Điều kiện này phải được xác lập bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực. Có như vậy quyền lợi, ý chí của người lập di chúc, di tặng, hợp đồng tặng cho tài sản mới được pháp luật bảo vệ, tránh những rắc rối, tranh chấp phát sinh sau khi cha mẹ cho con tài sản.              

Đoàn Phú

Tin xem nhiều