Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần bảo vệ quyền lợi của người mua tài sản bán đấu giá

09:01, 31/01/2020

Theo Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, trong năm 2019, toàn tỉnh hiện có 12 vụ việc (tương đương số tiền trên 4 tỷ đồng) bán đấu giá thành công nhưng chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá. Nguyên nhân là do quá trình thực hiện còn "vướng" các quy định của pháp luật.

Theo Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, trong năm 2019, toàn tỉnh hiện có 12 vụ việc (tương đương số tiền trên 4 tỷ đồng) bán đấu giá thành công nhưng chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá. Nguyên nhân là do quá trình thực hiện còn “vướng” các quy định của pháp luật.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiến hành cưỡng chế giao tài sản cho một đương sự mua trúng đấu giá. Ảnh minh họa: Đ.Phú
Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiến hành cưỡng chế giao tài sản cho một đương sự mua trúng đấu giá. Ảnh minh họa: Đ.Phú

Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Văn Châu cho hay, qua phương thức bán đấu giá tài sản, giá trị của tài sản được phát huy cao nhất mà người bán tài sản mong muốn đạt được. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác THADS, quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn còn nhiều “lỗ hổng” nên quyền lợi của người mua tài sản bán đấu giá chưa được bảo vệ một cách trọn vẹn, tối ưu nhất.

* “Vướng” do không hủy được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Văn Châu cho biết, phần lớn vụ việc bán đấu giá thành mà cơ quan THADS tỉnh, huyện chậm giao hoặc không giao được tài sản cho người mua đấu giá tài sản thành đều liên quan tới việc không thu hồi được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cũ để cấp mới cho người mua trúng đấu giá. Để tháo gỡ vấn đề này, cơ quan THADS tỉnh, huyện đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn.

Cụ thể như thi hành Bản án số 14/2013/DSST ngày 21-3-2013 của Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đối với ông Đ.V.M. và bà N.B. (KP.1, phường Tam Hòa), Chi cục THADS TP.Biên Hòa đã kê biên và hợp đồng bán đấu giá tài sản là căn nhà tại KP.1, phường Tam Hòa do ông M. và bà B. đứng tên. Ngày 12-11-2014, tài sản trên đã được bán đấu giá thành và Chi cục THADS TP.Biên Hòa đã cưỡng chế giao cho người mua trúng đấu giá.

Ngày 17-4-2015, Tòa án nhân dân tỉnh có Quyết định giám đốc thẩm số 07/2015, tuyên hủy Bản án số 14/2013/DSST của Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, thời điểm này Chi cục THADS TP.Biên Hòa đã thi hành xong bản án trên và kết quả bán đấu giá tài sản này không bị hủy. Do đó, Chi cục THADS TP.Biên Hòa đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh TP.Biên Hòa lập thủ tục hủy giấy chứng nhận QSDĐ trên của ông M. và bà B. để cấp cho người mua trúng đấu giá nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Tương tự, theo hồ sơ thi hành án của Chi cục THADS huyện Tân Phú buộc ông N. V.T. và bà N.T.N. (ngụ ấp 4, xã Phú Thịnh, huyện Tân Phú) phải giao tài sản là QSDĐ cho người mua đấu giá thành. Tuy nhiên, ông T. và bà N. không chấp hành. Cơ quan THADS huyện Tân Phú kiến nghị với Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh huyện Tân Phú thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ của ông T. và bà N. nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết nên không bàn giao tài sản được cho người mua trúng đấu giá.

* Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Cục phó Cục THADS tỉnh Nguyễn Công Phúc phân tích, để bảo vệ quyền của người mua được tài sản bán đấu giá, Luật THADS sửa đổi năm 2014 đã dành một điều luật (Điều 103) quy định cụ thể người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó; trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan THADS tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác...

Ngoài ra, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS sửa đổi năm 2014 đã khẳng định: Khi người mua được tài sản bán đấu giá thực hiện xong nghĩa vụ nộp tiền theo hợp đồng đấu giá tài sản thì trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan THADS phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng; tổ chức bán đấu giá tài sản có trách nhiệm phối hợp với cơ quan THADS trong việc giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá; tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp trái pháp luật dẫn đến việc chậm giao tài sản bán đấu giá thành mà gây thiệt hại cho người mua được tài sản bán đấu giá thì phải bồi thường.

Mặc dù pháp luật THADS đã có các quy định về bảo vệ quyền của người mua được tài sản bán đấu giá, tạo hành lang pháp lý giúp cho việc áp dụng pháp luật được thực hiện dễ dàng. Tuy nhiên, thực tế vẫn có trường hợp người mua tài sản đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản và đã nhận tài sản nhưng lại “khóc dở, mếu dở” vì chưa làm được thủ tục hợp thức hóa quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định.

Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Văn Châu cho hay, nguyên nhân của tình trạng này là do quyền của người mua được tài sản bán đấu giá chưa được bảo vệ triệt để, ngoài vướng mắc trong thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ chưa được tháo gỡ như đã nói ở trên, hiện nay pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể trong việc thanh toán tiền thi hành án... Ngoài ra, quyền của người mua được tài sản bán đấu giá chưa được đảm bảo trong trường hợp xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Cụ thể như theo quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và pháp luật về thuế thì trường hợp xử lý nợ xấu không phải là trường hợp được miễn, giảm thuế.  

Theo ông Phan Văn Châu, những khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản sau đấu giá nêu trên cần được quan tâm, tháo gỡ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua tài sản đấu giá và tạo thuận lợi hơn trong công tác THADS.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều