Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểm họa từ xe kém chất lượng đưa đón học sinh

09:12, 15/12/2019

Thời gian qua, dịch vụ xe đưa đón học sinh phát triển mạnh đã góp phần tạo thuận lợi cho học sinh trong di chuyển...Tuy nhiên, dịch vụ này hiện vẫn còn đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế đáng quan tâm...

Trong thời gian qua, xuất phát từ nhu cầu thực tế, tại nhiều trường học trên địa bàn Đồng Nai đã phát triển mạnh dịch vụ xe đưa đón học sinh, góp phần tạo thuận lợi cho học sinh trong di chuyển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì dịch vụ xe đưa đón học sinh đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế đáng quan tâm.

Bài 1: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Từ đầu năm học 2019-2020 đến nay, trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng liên tục xảy ra các sự cố liên quan đến xe đưa đón học sinh. Có trường hợp học sinh bị ngã văng xuống đường khi xe đang chạy; thậm chí có học sinh tử vong hoặc nguy kịch vì bị bỏ quên trên xe đưa đón suốt nhiều giờ liền...

Một xe đưa đón học sinh Trường THCS Long Bình (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) không đóng cửa trong quá trình di chuyển (ảnh chụp ngày 14-12 sau sự cố xe đưa đón làm ngã văng học sinh xuống đường ở TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom). Ảnh: D.Ngọc
Một xe đưa đón học sinh Trường THCS Long Bình (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) không đóng cửa trong quá trình di chuyển (ảnh chụp ngày 14-12 sau sự cố xe đưa đón làm ngã văng học sinh xuống đường ở TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom). Ảnh: D.Ngọc

TP.Biên Hòa là nơi tập trung nhiều trường tiểu học nhất trong tỉnh, do đó, nhu cầu xe đưa đón học sinh hiện tại rất lớn. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia vào dịch vụ đưa đón học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, việc hợp đồng xe đưa rước học sinh mỗi nơi làm một kiểu, chưa có sự thống nhất chung.

* Nhồi nhét trong xe đưa đón ở đô thị

Sau 2 sự cố xe đưa đón học sinh ở TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom làm ngã văng học sinh xuống đường vào cuối tháng 11-2019, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện những xe đưa đón học sinh đã cũ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn.

Tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), sau giờ tan học luôn có 10-15 chiếc xe từ 16-30 chỗ đậu trước cổng trường chờ đón học sinh. Theo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, đây là trường có số lượng xe đưa đón học sinh nhiều nhất, nhì của thành phố với hơn 70 chiếc (bao gồm cả xe của công ty, hợp tác xã và xe tư nhân).

Cũng theo thông tin từ Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, phần lớn xe đưa đón học sinh tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học là loại 16 chỗ với hình dạng cũ kỹ, được thiết kế cửa kéo bên hông và cửa sau để thuận lợi cho học sinh lên xuống xe. Đa số các phương tiện này đều có “tuổi thọ” từ 15 năm trở lên, niên hạn sử dụng thấp, thậm chí có xe chỉ còn khoảng 2-3 năm nữa là “hết đát”. Số xe mới sản xuất từ năm 2015 trở lại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay, điều này cho thấy chất lượng của loại phương tiện này hết sức đáng lo ngại.

Giờ tan học buổi trưa 10-12, chúng tôi theo đuôi chiếc xe 16 chỗ biển số 53S-34...  dừng trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học. Dù xe 16 chỗ ngồi nhưng được chủ xe thay đổi kết cấu ghế ngồi để chở nhiều học sinh hơn; các thiết bị bảo đảm an toàn cho người như dây an toàn, bình chữa cháy… hầu như không có.

Trong khi đó, giờ tan học buổi sáng hoặc giờ đi học buổi chiều tại Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), những chiếc xe biển số TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai xếp hàng dài để chờ học sinh. Có nhiều trường hợp, xe ô tô 16 chỗ nhưng tài xế nhồi nhét nhiều học sinh hơn so với số ghế quy định khiến bên trong xe chật chội, ngột ngạt. Một số học sinh phải đứng lên để khỏi mỏi chân.

* Lộn xộn xe đưa đón ở vùng ven

Không chỉ TP.Biên Hòa mà các địa phương khác như: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành… dịch vụ xe đưa đón học sinh cũng phát triển khá mạnh. Đây vốn là những khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, nhà máy nên các gia đình công nhân, lao động phổ thông có nhu cầu sử dụng loại hình dịch vụ này rất lớn.

Chiếc xe đưa đón học sinh của Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) dù đang lưu thông nhưng các học sinh chui đầu qua cửa sổ rất nguy hiểm (ảnh chụp ngày 1-12). Ảnh: D.Ngọc
Chiếc xe đưa đón học sinh của Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) dù đang lưu thông nhưng các học sinh chui đầu qua cửa sổ rất nguy hiểm (ảnh chụp ngày 1-12). Ảnh: D.Ngọc

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Long Thành Nguyễn Văn Toàn cho hay, trên địa bàn huyện hiện có 51 xe ô tô tham gia vào dịch vụ đưa đón học sinh. Số xe này tập trung tại thị trấn Long Thành và các xã như: Long Đức, Phước Thái, An Phước, Long An… Đa số chủ xe tự thỏa thuận với phụ huynh và giáo viên (chủ yếu là giáo viên tiểu học) mà ít khi thông qua nhà trường. Sau khi đón các em ở trường, lái xe sẽ đưa về nhà giáo viên và ở lại đến khi phụ huynh tới đưa về nhà.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom Lưu Thị Ngọc Quế cho biết, toàn huyện có trên 4,4 ngàn học sinh được phụ huynh đăng ký với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường sử dụng dịch vụ xe đưa đón. Ngoài ra, còn một số phụ huynh đăng ký trực tiếp với chủ xe đưa đón mà không thông báo với nhà trường. Việc phụ huynh đăng ký trực tiếp với chủ xe tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi không có bất cứ ràng buộc về pháp lý, chủ yếu là thỏa thuận miệng.

Trong khi đó, chất lượng của các xe đưa đón học sinh ở vùng ven rất kém, không đảm bảo an toàn nhưng vẫn được dùng để đưa đón học sinh hằng ngày.

Ông V.V.H. làm dịch vụ đưa đón học sinh tại một trường tiểu học ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) cho hay, ông mua chiếc xe 16 chỗ ngồi của một hộ dân ở huyện Long Thành với giá 40 triệu đồng. Chiếc xe này được mua đi bán lại hết người này đến người khác. Đặc biệt, còn chưa đầy 3 năm nữa là phương tiện “hết đát”. Thân xe nhìn bên ngoài màu sơn vẫn giữ nguyên, nhưng bên trong, các ghế ngang được “chế” thành những băng ghế dài, không có chỗ bám tay.

Để qua mặt lực lượng chức năng, ông H. “đối phó” bằng cách, sáng đón học sinh đi sớm hơn, trưa chở học sinh về muộn hơn so với những xe khác. “Quãng đường từ trường về nhà cô giáo chủ nhiệm rất gần, chỉ hơn 1km nên so với chở bằng xe máy, việc dùng ô tô để đưa đón tiện hơn nhiều lần. Đường đi trong các con hẻm nhỏ nên ít khi bị kiểm tra, xử lý” - ông H. nói.

Tuy nhiên có một thực tế đáng quan tâm hiện nay, nhiều phụ huynh khi thuê xe đưa đón học sinh cho con ít quan tâm đến chất lượng xe. Nhất là ở những khu vực vùng ven, vùng nông thôn. Nhiều người cho rằng, việc thuê xe ở vùng ven không mấy dễ dàng nên chỉ cần có người đứng ra “thầu” là phụ huynh ai cũng đồng ý. Bởi chuyện đưa con đi và về mỗi ngày 2 lần với công nhân, người lao động thật sự không hề đơn giản. Hơn nữa vì kinh tế eo hẹp, ít phụ huynh nào quan tâm đến chất lượng, giám sát quá trình phương tiện hoạt động của nhà xe.

Chị N.T.H. (ngụ thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Sau các sự cố xe đưa đón học sinh xảy ra trong thời gian qua như: học sinh tử vong, nguy kịch vì bị bỏ quên trên xe ô tô hoặc ngã văng  xuống đường khi xe đang lưu thông, tôi mới giật mình lo lắng. Bản thân tôi nhìn bằng mắt thường cũng không biết tình trạng xe “hết đát”, tài xế có bằng lái hay không… Thấy lo lắng nhưng cũng không còn cách nào khác”.

Hiện nay việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô trên địa bàn Đồng Nai được tổ chức theo nhiều hình thức, theo từng cấp học khác nhau. Thông thường tại các trường công lập, việc hợp đồng xe đưa đón học sinh được thực hiện giữa nhà trường với doanh nghiệp vận tải, giữa giáo viên với chủ xe hoặc giữa phụ huynh với chủ xe.

Dương Ngọc

Bài 2: Bỏ ngỏ giám sát chất lượng xe đưa đón

Tin xem nhiều