Báo Đồng Nai điện tử
En

Công ty phải bồi thường vì cho người lao động nghỉ việc trái luật

09:12, 01/12/2019

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa nguyên đơn là bà Trần Mai Hồng (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) và bị đơn là Công ty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (gọi tắt là Công ty Donafoods, đóng tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa).

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa nguyên đơn là bà Trần Mai Hồng (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) và bị đơn là Công ty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (gọi tắt là Công ty Donafoods, đóng tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa).

Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Vũ Ngọc Hà (trái) trao đổi với bà Trần Mai Hồng tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: N.An
Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Vũ Ngọc Hà (trái) trao đổi với bà Trần Mai Hồng tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: N.An

Tòa phúc thẩm đã chấp nhận nội dung đơn khởi kiện của bà Hồng, buộc công ty phải bồi thường các khoản liên quan cho bà Hồng với tổng số tiền lên đến trên 300 triệu đồng.

* Cho nghỉ việc vì không bố trí được công việc...

Bà Hồng cho biết, bà được Công ty Donafoods tuyển dụng vào làm việc từ tháng 10-2001. Đến tháng 1-2002, bà được công ty ký HĐLĐ có thời hạn 1 năm. Khi hợp đồng hết hạn, công ty không ký lại hợp đồng khác. Theo quy định, HĐLĐ của bà Hồng đương nhiên trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.

Trong thời gian làm ở công ty, bà Hồng trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau. Đến ngày 29-6-2017, công ty ra quyết định bổ nhiệm bà làm Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Nhà máy chế biến sản phẩm điều ăn liền. Ngày 3-7-2017, bà đến nhận nhiệm vụ tại nhà máy và làm việc đến ngày 6-7-2017 thì bà xin nghỉ phép 10 ngày vì bận việc gia đình.

Tuy nhiên, ngày 17-7-2017, khi bà Hồng đến công ty làm việc thì bất ngờ nhận quyết định về việc giải thể Nhà máy chế biến sản phẩm điều ăn liền và thành lập Xưởng chế biến sản phẩm điều ăn liền. Theo đó, công ty đã bãi nhiệm chức vụ hiện có của bà Hồng cùng 2 người khác và tạm thời đưa 3 người về Phòng Tổ chức hành chính để chờ phân công nhiệm vụ mới. Cũng ngay trong ngày 17-7-2017, bà Hồng bị công ty ra quyết định cho thôi việc với lý do: thay đổi cơ cấu và không bố trí được việc làm. Trong khi, 2 người còn lại được công ty bố trí công việc mới.

Bà Hồng bức xúc cho rằng, việc công ty cho mình nghỉ việc mà không thông báo trước và không lắng nghe nguyện vọng của người lao động (NLĐ) là không đúng với quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của NLĐ. Do đó, bà đã làm đơn khởi kiện công ty ra tòa để đòi quyền lợi.

* Thắng kiện ở cả hai cấp tòa

Ngày 31-5-2019, TAND TP.Biên Hòa đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và chấp nhận nội dung đơn khởi kiện của bà Hồng; đồng thời, buộc công ty phải hủy quyết định cho thôi việc và nhận bà Hồng trở lại làm việc theo hợp đồng đã giao kết; trả lương trong những ngày NLĐ không được làm việc (tính theo mức lương cuối cùng trước khi bà Hồng nghỉ việc tại công ty là 10,5 triệu đồng/tháng); bồi thường 2 tháng tiền lương do công ty cho NLĐ nghỉ việc trái luật. Công ty còn phải truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ cho NLĐ. Tuy nhiên, Công ty Donafoods không đồng ý nội dung bản án cấp sơ thẩm và đã làm đơn kháng cáo toàn bộ đến tòa án cấp phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, phía công ty giải thích, sau khi cổ phần hóa, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp khó khăn. Để định hướng phát triển, ngày 30-5-2017, công ty có thành lập Nhà máy chế biến sản phẩm điều ăn liền và bổ nhiệm bà Hồng làm Phó giám đốc phụ trách kinh doanh của nhà máy. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động nhưng không hiệu quả nên công ty buộc phải tổ chức lại lao động tại nhà máy này bằng cách giải thể nhà máy và thành lập Xưởng chế biến sản phẩm điều ăn liền với quy mô nhỏ gọn, giảm chi phí...

Theo đại diện công ty này, do thay đổi cơ cấu và không bố trí được việc làm cho bà Hồng nên công ty đã ra quyết định cho NLĐ nghỉ việc từ ngày 17-7-2017 là phù hợp.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) Vũ Ngọc Hà cho rằng, việc công ty ban hành quyết định cho bà Hồng thôi việc với lý do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động là không có căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 44 của Bộ luật Lao động. Cơ cấu của công ty trước và sau khi thay đổi tổ chức vẫn là 4 phòng ban và 4 nhà máy trực thuộc. Việc giải thể Nhà máy chế biến sản phẩm điều ăn liền và thành lập Xưởng chế biến sản phẩm điều ăn liền không ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức của công ty, chỉ khác về số lượng NLĐ được sử dụng để vận hành xưởng.

Hơn nữa, Khoản 1, Điều 44 Bộ luật Lao động quy định: “Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều NLĐ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại NLĐ để tiếp tục sử dụng...”. Đằng này, công ty không đào tạo công việc cho bà Hồng mà đã cho bà nghỉ việc là không thực hiện đúng quy định.

Mặt khác, ngày 17-7-2017, công ty giải thể nhà máy, thành lập xưởng và điều động bà Hồng về nhận nhiệm vụ chuyên viên Phòng Tổ chức hành chính chờ phân công nhiệm vụ mới, nhưng cũng trong ngày này công ty đã ban hành quyết định cho bà Hồng nghỉ việc. Điều đó thể hiện việc công ty không bố trí, sắp xếp công việc cho bà Hồng làm việc mới tại công ty và cũng không thông báo trước hoặc lắng nghe ý kiến nguyện vọng của người lao động đúng như Bộ luật Lao động đã quy định...

Sau khi lắng nghe ý kiến giữa các bên, Hội đồng xét xử TAND tỉnh tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP.Biên Hòa, chấp nhận nội dung đơn khởi kiện của bà Hồng và buộc phía công ty phải giải quyết cho NLĐ các khoản liên quan với tổng số tiền trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, công ty phải truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Nhân An

Tin xem nhiều