Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động phòng chống tội phạm mua bán người

09:11, 17/11/2019

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, nhờ sự chủ động trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm mua bán người nên từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, nhờ sự chủ động trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm mua bán người nên từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm.

Hai bị cáo Trần Thị Kim Loan (áo sọc) và Ngô Thị Đài (bìa trái) tại phiên tòa xét xử
Hai bị cáo Trần Thị Kim Loan (áo sọc) và Ngô Thị Đài (bìa trái) tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Trần Danh

Từ đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh đã đề nghị Công an tỉnh, các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa với tội phạm mua bán người.

* Không chủ quan trước thủ đoạn của tội phạm mua bán người

Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, lực lượng công an luôn khẩn trương xác minh các tin báo, tố giác tội phạm mua bán người để điều tra làm rõ. Bên cạnh đó, cơ quan công an phối hợp tốt với Viện Kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ để kịp thời đưa các vụ án liên quan đến tội phạm mua bán người ra xét xử để giáo dục, răn đe.

Điển hình là vụ việc của  chị V.T.L. (ngụ phường An Hòa, TP.Biên Hòa) tố cáo Trần Thị Kim Loan và Ngô Thị Đài (đều ngụ tỉnh Bình Thuận) lừa đảo đưa sang Trung Quốc bán cho một người đàn ông với giá 200 triệu đồng, sau hơn 1,5 năm theo dõi, tháng 7-2018, công an mới bắt giữ được 2 đối tượng này.

Ngay từ đầu năm 2019, Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đã đưa ra xét xử và tuyên phạt hai bị cáo Loan và Đài với mức án mỗi người 9 năm tù về tội mua bán người. Theo Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đẩy nạn nhân vào bước đường cùng nơi xứ người nên cần phải xử lý nghiêm.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, qua công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình cho thấy, hiện nay tình hình tội phạm mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Công an tỉnh và công an các địa phương cũng nhận được một số tin báo tố giác tội phạm mua bán người, tuy nhiên các vụ việc đang trong quá trình xác minh, điều tra nên chưa có vụ nào được khởi tố. Một trong những khó khăn trong việc xác minh, điều tra các vụ án mua bán người là đối tượng tội phạm đang sinh sống ở nước ngoài. Những đối tượng này thường móc nối với người trong nước và người ở nước ngoài tìm cách đưa người sang nước ngoài để trục lợi.

* Đẩy mạnh công tác phòng ngừa

Để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm mua bán người, theo Công an tỉnh, công tác phòng ngừa vẫn là quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tăng cường công tác nghiệp vụ, rà soát lại các đường dây, băng, ổ, nhóm, đối tượng có tiền án tiền sự về tội mua bán người; các đối tượng “cò mồi” đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép…

Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ có biểu hiện chứa chấp lao động trái phép… Đối với công an các địa phương sẽ rà soát lên danh sách những công dân đi khỏi địa phương nhưng không rõ lý do, nghi bị mua bán hoặc xuất cảnh, di cư trái phép để lực lượng chức năng kịp thời xác minh, làm rõ.

Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phan Văn Hậu cho biết, hậu quả của những vụ mua bán người là rất lớn, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội vì tội phạm mua bán người còn làm phát sinh các tệ nạn, tội phạm khác như: hoạt động mại dâm, bắt cóc, cố ý gây thương tích…

Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã chỉ đạo viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chú ý rà soát các vụ án, tin báo liên quan đến tội phạm mua bán người. Thông qua việc xét xử các vụ án để giáo dục răn đe những đối tượng có ý định phạm tội mua bán người. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động xét xử, kiểm sát viên sẽ tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn của loại tội phạm này.

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương để kiểm soát các đơn vị liên quan đến hoạt động tuyển dụng đưa người đi nước ngoài lao động. Những đơn vị đến các địa phương trong tỉnh tuyển dụng thì Sở cũng nhanh chóng rà soát để xác định đơn vị nào có đủ chức năng thẩm quyền hoạt động. Những đơn vị được phép mới giới thiệu cho địa phương để phối hợp tuyển dụng, còn những đơn vị có dấu hiệu hoạt động trái phép thì cũng kịp thời cảnh báo.

Ngoài ra, Sở Lao động - thương binh và xã hội tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân thấy được các phương thức, thủ đoạn của những đối tượng, tổ chức tội phạm hoạt động mua bán người bằng chiêu thức tuyển người đi xuất khẩu lao động. Những trường hợp này, theo ông Cộng, nếu phát hiện phải kịp thời ngăn chặn và cảnh báo ngay để người dân không bị “sập bẫy”.

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng cho rằng, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thấy được hậu quả của tình trạng mua bán người để nêu cao cảnh giác và tránh tiếp tay cho tội phạm.

Trần Danh

Tin xem nhiều