Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẫn còn nhiều vụ án dân sự tranh chấp đất

11:10, 29/10/2019

Theo đánh giá của ngành tòa án, từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng các loại án (dân sự, hình sự) đều tăng và có xu hướng ngày càng phức tạp. Trong khi đó thẩm phán thiếu dẫn đến việc lượng án còn tồn nhiều, nhất là các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai.

Theo đánh giá của ngành tòa án, từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng các loại án (dân sự, hình sự) đều tăng và có xu hướng ngày càng phức tạp. Trong khi đó thẩm phán thiếu dẫn đến việc lượng án còn tồn nhiều, nhất là các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai.

Một khu đất xảy ra tranh chấp dân sự tại phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) (ảnh minh họa). Ảnh: T, Danh
Một khu đất xảy ra tranh chấp dân sự tại phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) (ảnh minh họa). Ảnh: T. Danh

Thông tin từ Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, các vụ án dân sự  liên quan đến tranh chấp đất đai như: tranh chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế, kiện đòi tài sản đang tăng cao. Ngoài ra, còn có các loại tranh chấp khác như: đòi đất mượn, cho sử dụng nhờ, lấn chiếm đất…

* Phức tạp tranh chấp đất đai

Theo thẩm phán Bùi Kim Rết, Phó chánh Văn phòng TAND tỉnh, trong những năm gần đây thường xảy ra nhiều vụ tranh chấp liên quan đến đất đai phức tạp, khó giải quyết dẫn đến vụ án kéo dài. Phần lớn nguyên nhân là do giá đất thời gian qua tăng cao, việc chuyển nhượng đất của các đương sự nhiều trường hợp chưa tuân thủ về hình thức. Cụ thể như: mặc dù người mua đã nhận đất và đang quản lý sử dụng nhưng người chuyển nhượng đất lợi dụng việc chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng nên khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng hoặc tự ý lập thủ tục chuyển nhượng qua nhiều người khác nên phát sinh tranh chấp; mua bán đất bằng giấy tay...

Trong 10 tháng (từ tháng 12-2018 đến tháng 9-2019), số vụ án dân sự tòa án nhân dân 2 cấp thụ lý mới gần 3,3 ngàn vụ (tăng gần 800 vụ so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, có khoảng 2,2 ngàn vụ án dân sự liên quan đến đất đai. Tuy nhiên mới có 500/khoảng 2,2 ngàn vụ án dân sự liên quan đến đất đai đã được giải quyết.

Điển hình như trong tháng 9-2019, TAND tỉnh đã tuyên hủy một bản án sơ thẩm liên quan việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Cụ thể bà N.T.S. (ngụ xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) khởi kiện 2 ông N.V.T. và N.V.Th., cùng ngụ xã Bàu Cạn liên quan đến tranh chấp đất đai. Vào năm 2002, vợ chồng bà S. mua của bà N.T.P. (mẹ của 2 ông T. và Th.) 2 ngàn m2 đất bằng giấy tay nhưng đã bị thất lạc. Do đó giữa hai bên đã xảy ra tranh chấp đất đai và thưa kiện kéo dài từ năm 2016 đến nay nhưng vẫn chưa giải quyết xong.

Theo TAND cấp huyện, vụ việc dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai tăng cao, thường kéo dài trong nhiều năm và khó giải quyết còn do quy định của pháp luật về quản lý đất đai và chính sách bồi thường khi thu hồi đất qua các thời kỳ hoặc việc lập bản đồ, thay đổi bản đồ địa chính theo từng năm cũng có nhiều sự thay đổi khác nhau. Mặt khác, thời gian qua, có những vụ tranh chấp đất do liên quan đến hợp đồng giả cách (vay mượn bằng cách ký hợp đồng bán tài sản) gặp nhiều khó khăn để xác định bản chất của vụ án.

* Gỡ khó trong giải quyết án dân sự tranh chấp đất

“Tính từ năm 2016 đến nay, TAND tỉnh thụ lý án dân sự tăng cao (tăng hơn 3 ngàn vụ). Như vậy, trung bình mỗi thẩm phán giải quyết 10 vụ/tháng. Nếu tính số ngày làm việc thì mỗi thẩm phán tỉnh chỉ có khoảng 2 ngày để giải quyết một vụ án. Đó là chưa kể đến quy định pháp luật còn nhiều bất cập, quan điểm của từng cấp tòa án đối với vụ án có thể khác nhau, dẫn tới án bị hủy, sửa, tạo tâm lý áp lực đối với thẩm phán” - thẩm phán Bùi Kim Rết trao đổi.

Bà Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Chánh tòa Dân sự, TAND tỉnh cũng cho biết, trước đây, thẩm phán TAND tỉnh chủ yếu giải quyết án phúc thẩm nên chỉ nghiên cứu hồ sơ và lên kế hoạch xét xử. Nhưng từ khi Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thì các tranh chấp phát sinh liên quan đến hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh.

Theo đó, để giải quyết được một vụ án sơ thẩm dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai thường tốn rất nhiều thời gian như: làm việc với các đương sự, đến nơi tranh chấp để thu thập thêm chứng cứ, tài liệu… Trong khi đó trên thực tế, nhiều đương sự trong các vụ án dân sự thường gay gắt, lớn tiếng, xúc phạm thẩm phán, không lên tòa khi có giấy mời. Thậm chí có đương sự cố tình ngăn cản thẩm phán thực hiện theo tố tụng như: xem xét tại chỗ, đo đạc, thẩm định giá…

Do đó, để giải quyết án dân sự, nhất là án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai đạt hiệu quả cao, theo Chánh án TAND tỉnh Võ Văn Phước, thời gian tới, ngành tòa án sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự, thường xuyên tổ chức trao đổi nghiệp vụ giữa các cấp và tạo điều kiện cho các thẩm phán trao đổi, học tập kinh nghiệm thực tế về công tác giải quyết án. TAND tỉnh cũng sẽ kiện toàn về tổ chức và tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tòa án chuyên môn giỏi, đạo đức tốt; kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc quản lý, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… để hạn chế những vụ việc tranh chấp xảy ra.

Tố Tâm

Tin xem nhiều