Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Đổi mới để tự cứu mình

05:09, 19/09/2019

Trong chiến lược phát triển giao thông công cộng, xe buýt vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ lực. Để xe buýt trở thành phương tiện đi lại hằng ngày của người dân trong tỉnh, không còn cách nào khác là phải đổi mới cung cách phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại hơn.

Trong chiến lược phát triển giao thông công cộng, xe buýt vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ lực. Để xe buýt trở thành phương tiện đi lại hằng ngày của người dân trong tỉnh, không còn cách nào khác là phải đổi mới cung cách phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại hơn.

Tuyến xe buýt chất lượng cao số 1 từ Bến xe ngã tư Vũng Tàu đến Trường đại học công nghệ Đồng Nai (TP.Biên Hòa) được người dân lựa chọn nhờ có nhiều tiện nghi. Ảnh: T. Hải
Tuyến xe buýt chất lượng cao số 1 từ Bến xe ngã tư Vũng Tàu đến Trường đại học công nghệ Đồng Nai (TP.Biên Hòa) được người dân lựa chọn nhờ có nhiều tiện nghi. Ảnh: T. Hải

[links()]Đề án Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 của UBND tỉnh hướng tới sự tiện nghi, an toàn, nhanh chóng với chi phí hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường.

* Chuyển mình để đột phá

Quản lý giao thông thông minh

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại an toàn, góp phần giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông mà còn giúp ngành giao thông - vận tải phát triển nhanh chóng. Vì vậy khi triển khai, ráp nối thực hiện thành phố thông minh mà Đồng Nai đang tiến hành sẽ đạt kết quả nhanh hơn.

Ðầu năm 2018, Công ty TNHH Trí Minh Phát đưa vào hoạt động tuyến xe buýt số 1 có trợ giá đi từ Trường đại học công nghệ Ðồng Nai (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đến Bến xe ngã tư Vũng Tàu (phường An Bình, TP.Biên Hòa). Xe có máy lạnh, hành khách lại được cung cấp nước uống, phục vụ wifi miễn phí. Tuyến xe buýt này còn trang bị hệ thống loa tự động thông báo lộ trình xe đi qua để hành khách chủ động chuẩn bị trước khi tới điểm đến.

Bên cạnh đó, toàn bộ xe buýt của tuyến số 1 đều lắp hệ thống camera an ninh phủ kín mọi góc nhìn trên xe. Do đó, tình trạng kẻ xấu trà trộn để móc túi hành khách, gây mất an ninh trật tự được ngăn chặn và xử lý. Ngay cả trường hợp hành khách bỏ quên tài sản trên xe cũng được nhân viên phục vụ giao trả lại.

Giám đốc Công ty TNHH Trí Minh Phát Võ Quang Long cho biết, sau 1 năm đi vào hoạt động, tuyến xe buýt số 1 đã phục vụ gần 600 ngàn lượt khách, chủ yếu là học sinh, sinh viên. Từ cuối tháng 6, công ty còn triển khai bán vé điện tử kết hợp thanh toán bằng ví điện tử. Sau khi mở thẻ, nhân viên phục vụ sẽ hướng dẫn hành khách nạp tiền vào thẻ. Khi sử dụng dịch vụ, hành khách đưa thẻ vào đầu đọc thiết bị bán vé xe buýt tự động (DFM). Máy sẽ tự động quét và in vé cho hành khách rất đơn giản, giúp hành khách tiết kiệm thời gian, giảm công việc của nhân viên phục vụ.

Mới đây nhất, đầu tháng 1-2019, Công ty cổ phần đầu tư phát triển vận tải Vĩnh Phú, đơn vị được giao đảm nhận khai thác tuyến xe buýt có trợ giá số 7 (Bến xe Biên Hòa - Bến xe Vĩnh Cửu) đã đầu tư 12 xe mới 100% thay thế toàn bộ các phương tiện cũ hoạt động trên tuyến này. Cũng như tuyến xe buýt số 1, các xe thuộc tuyến số 7 đều được gắn camera giám sát an ninh bên trong xe và camera giám sát hành trình. Tất cả các xe hoạt động trên tuyến này đều có máy lạnh và cung cấp mạng wifi miễn phí.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc đầu tư tài chính Công ty cổ phần đầu tư phát triển vận tải Vĩnh Phú cho biết, trong tháng 9-2019 doanh nghiệp tiếp tục thay mới toàn bộ 17 xe buýt tuyến số 8 (Trạm xe BigC đi Bến xe Vĩnh Cửu) để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ hành khách theo chủ trương của tỉnh. Với tuyến xe buýt số 6 (Bến xe Biên Hòa đi Trạm xe BigC), đơn vị đang tính toán phương án tài chính để có thể kịp thời thay mới những xe cũ hiện đang hoạt động.

Tương tự, từ năm 2018 Công ty TNHH dịch vụ du lịch Hoàng Hà (vận hành tuyến xe buýt số 2 từ TP.Biên Hòa đi huyện Nhơn Trạch) đã thay thế 2 trong tổng số 17 xe buýt cũ bằng xe mới chất lượng cao. Từ khi đầu tư phương tiện, lượng khách đi lại ổn định, hiệu quả kinh tế mang lại tốt nên trong thời gian tới, phía đơn vị quản lý tuyến sẽ thay thế những xe còn lại.

Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện (Sở Giao thông - vận tải) Lê Văn Đức cho hay, thời gian tới sẽ ưu tiên cho các tuyến xe buýt chất lượng cao, kết nối với nhiều điểm công cộng có nhu cầu đi lại lớn như: trường học, khu công nghiệp, trung tâm thương mại… Trong đó, nâng cao phong cách phục vụ cũng được chú trọng và thay đổi nhằm lấy lại niềm tin với khách hàng.

“Đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ đều phải mặc đồng phục, cư xử văn minh, lịch thiệp khi đón và hướng dẫn hành khách lên xuống xe; thu tiền đúng và giao vé cho khách. Ngoài ra, các điểm dừng, nhà chờ đón, trả khách phải sạch sẽ, thẩm mỹ và các thông tin về thời gian, lịch trình, giá vé đảm bảo đủ, công khai” - ông Đức cho hay.

* Xu hướng phát triển của đô thị thông minh

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành đánh giá, với một địa phương đang có tốc độ đô thị hóa cao như Đồng Nai vận tải hành khách bằng xe buýt mang lại nhiều lợi ích. Việc phát triển mạng lưới xe công cộng tại các đô thị lớn là chủ trương được Nhà nước ưu tiên. đây cũng là một tiêu chí để phát triển đô thị thông minh mà UBND tỉnh hướng tới. Tuy nhiên, việc sử dụng xe buýt nhằm hạn chế, tiến tới thay thế xe cá nhân phải căn cứ vào tình hình thực tế.

Theo ông Từ Nam Thành, nâng cao chất lượng phục vụ là yếu tố sống còn, song công việc này còn khá gian nan. Giải pháp căn cơ, dài hơi là đòi hỏi phải xây dựng cầu, đường đồng bộ nhằm tăng thêm diện tích mặt đường cho xe lưu thông. Cần bố trí các loại xe lớn giãn cách vào những giờ thấp điểm, cao điểm sẽ ưu tiên lưu thông bằng xe nhỏ. Như vậy vừa linh động vừa giảm bớt lượng xe cá nhân di chuyển trên đường.

Các giải pháp làm thay đổi diện mạo xe buýt Đồng Nai (Thông tin: Thanh Hải - đồ họa: Dương Ngọc)
Các giải pháp làm thay đổi diện mạo xe buýt Đồng Nai (Thông tin: Thanh Hải - đồ họa: Dương Ngọc)

Đồng quan điểm này, chuyên gia về lĩnh vục giao thông - TS.Phạm Sanh (Trường đại học giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh) đánh giá, xe buýt là phương tiện chiếm ưu thế về vận chuyển khối lượng lớn. Đặc biệt, diện tích chiếm dụng mặt đường rộng nên với các đô thị có hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự gia tăng xe cá nhân thì cần sử dụng xe buýt loại trung bình để phù hợp với những tuyến đường nhỏ, hẹp.

TS.Phạm Sanh nhấn mạnh, giải pháp thiết thực là cần nghiên cứu, xây dựng mạng lưới và nâng cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tốt hơn nữa. Mạng lưới phải có tính phân cấp, gồm các tuyến chính (có khối lượng vận chuyển lớn, tốc độ cao, tần suất chuyến dày đặc), các tuyến phụ, tuyến nhánh kết nối các khu dân cư, khu công nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận nhằm tiết kiệm thời gian di chuyển của người dân.

“Khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành, hệ thống mạng lưới hạ tầng giao thông như: đường cao tốc, đường sắt hoàn thiện sẽ nhanh chóng kết nối với sân bay thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Kéo theo đó là nhu cầu đi lại của người dân tăng lên, vận chuyển hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng cần phải có sự kết nối và liên thông hợp lý. Từ đó, sẽ giải quyết việc gia tăng xe cá nhân và tình trạng ùn tắc” - TS.Phạm Sanh nói.

Mạng lưới xe buýt trong tỉnh cũng như hệ thống kết nối giao thông giữa Đồng Nai với địa phương xung quanh nếu được đầu tư, phát triển hiệu quả sẽ góp phần không nhỏ trong việc vận chuyển hành khách, đem lại nhiều tiện ích cho người dân từ thành thị đến nông thôn. Từ đó, giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân di chuyển vào nội đô, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và chi phí xã hội.

Thanh Hải

Tin xem nhiều