Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiêu thức cũ, nạn nhân mới

09:09, 04/09/2019

Mặc dù các kênh thông tin đại chúng đã nhiều lần cảnh báo tình trạng lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội (Zalo, Facebook...) nhưng thời gian gần đây vẫn có nhiều nạn nhân bị "sập bẫy", thậm chí có người bị lừa hơn 450 triệu đồng.

Mặc dù các kênh thông tin đại chúng đã nhiều lần cảnh báo tình trạng lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội (Zalo, Facebook...) nhưng thời gian gần đây vẫn có nhiều nạn nhân bị “sập bẫy”, thậm chí có người bị lừa hơn 450 triệu đồng.

Công an TP.Biên Hòa tiếp nhận thông tin từ nạn nhân một vụ lừa đảo qua điện thoại. Ảnh: K.Thiết
Công an TP.Biên Hòa tiếp nhận thông tin từ nạn nhân một vụ lừa đảo qua điện thoại. Ảnh: K.Thiết

Thủ đoạn của kẻ gian trong những vụ lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội không có gì mới, chủ yếu vẫn là: giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án để hù dọa nạn nhân là có liên quan đến vụ án nào đó; thông báo trúng thưởng; làm thủ tục để nhận quà chuyển từ nước ngoài...

* Nhiều nạn nhân “sập bẫy”

Chị P.T.H. (ngụ KP.4, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bị một nhóm đối tượng dùng chiêu thức “trúng thưởng” để lừa đảo chiếm đoạt hơn 70 triệu đồng.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Công an TP.Biên Hòa đã tiếp nhận và thụ lý hàng chục vụ lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội, với số tiền bị lừa đảo thấp nhất cũng vài chục triệu đồng và nhiều nhất lên đến hàng trăm triệu đồng. Qua điều tra của cơ quan công an, khi nạn nhân nạp tiền, các đối tượng lừa đảo nhanh chóng chuyển số tiền này sang tài khoản khác rồi rút hết ngay sau đó nên khó thu hồi tiền trả lại cho các nạn nhân.

Chị H. kể, vào ngày 20-7, chị bất ngờ nhận được tin nhắn từ một số máy điện thoại lạ thông báo chị may mắn trúng thưởng từ chương trình tri ân khách hàng của một mạng viễn thông lớn với trị giá giải thưởng lên đến 100 triệu đồng và một chiếc xe máy trị giá 40 triệu đồng. Sau đó có người trực tiếp gọi điện cho chị H. xác nhận thông tin trên là có thật và yêu cầu chị đóng lệ phí nhận thưởng vào tài khoản ngân hàng để “Ban tổ chức” hoàn tất thủ tục trao thưởng.

Nghĩ rằng mình đã may mắn trúng thưởng nên trong 2 ngày 20 và 21-7, theo hướng dẫn của người báo tin, chị H. đã 10 lần nạp tiền vào các tài khoản khác nhau với tổng cộng hơn 70 triệu đồng. Tuy nhiên, khi mất hàng chục triệu đồng nhưng không thấy phần thưởng đâu, chị H. mới vỡ lẽ mình đã bị lừa.

Một chiêu thức khác cũng khá phổ biến trong thời gian vừa qua đó là gọi điện giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát thông báo cho bị hại có liên quan đến các vụ án lớn, ép các nạn nhân phải chuyển tiền nếu không sẽ bị khởi tố.

Cụ thể như trường hợp của bà N.T.K. (ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) bị lừa mất 230 triệu đồng. Bà K. cho biết, vào giữa tháng 6-2019, bà nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên bưu điện đang giữ một lá thư của “Đội Phòng chống ma túy Công an TP.Hà Nội” gửi cho bà.  Sau đó, bà K. liên tục nhận được điện thoại của nhiều người xưng danh cán bộ điều tra, viện kiểm sát nói bà có liên quan đến một đường dây rửa tiền nên phải gửi vào “tài khoản của cơ quan điều tra” một khoản tiền để làm thủ tục “bảo lãnh” nếu không bà K. sẽ gặp rắc rối.

Trước những thông tin dồn dập từ những người xưng danh cán bộ công an, viện kiểm sát, bà K. nghĩ rằng sự việc là có thật nên đã đến ngân hàng chuyển 230 triệu đồng vào một tài khoản mà nhóm đối tượng này gửi đến. Sau khi chuyển tiền, bà K. mới phát hiện mình đã bị lừa.

Một thủ đoạn khác cũng khiến nhiều người “sập bẫy” trong thời gian qua đó là làm quen qua mạng xã hội để lừa đảo. Mới đây chị H.K.N. (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) bị một người nước ngoài lừa đảo qua mạng Facebook chiếm đoạt hơn 450 triệu đồng.

Chị N. cho biết, đối tượng này quen với chị qua Facebook và tự xưng là lính Mỹ đang tham chiến ở nước ngoài. Sau một thời gian trò chuyện, người này bày tỏ nhã ý muốn sang Việt Nam thăm chị N. Do cũng muốn gặp bạn trai ngoại quốc nên chị N. đã nhiều lần chuyển hơn 450 triệu đồng để bạn trai sang thăm mình. Tuy nhiên, khi gửi đi số tiền lớn, chị N. mới nhận ra mình là nạn nhân của một băng nhóm chuyên lừa đảo.

* Đánh trúng tâm lý thích nhận quà, sợ rắc rối

Thời gian gần đây, Công an TP.Biên Hòa liên tục nhận được phản ảnh của người dân đến trình báo bị đối tượng lạ sử dụng điện thoại, Zalo, Facebook… để lừa đảo. Hầu hết nạn nhân đều là phụ nữ, trong đó có nhiều người còn độc thân, phụ nữ trẻ tuổi…

Những chứng từ chuyển tiền của các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng xã hội
Những chứng từ chuyển tiền của các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng xã hội

Đại úy Điền Việt Đức, cán bộ điều tra Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cho biết, để thực hiện việc lừa đảo, các đối tượng thường bỏ công tìm hiểu các thông tin liên quan đến nạn nhân như: thông tin, lý lịch cá nhân thông qua Facebook, Zalo, địa chỉ email, số điện thoại… Bên cạnh đó, kẻ xấu cũng thường vào các trang Facebook, Zalo để tìm hiểu về quan hệ bạn bè của nạn nhân. Trên cơ sở những thông tin có được, các đối tượng bắt đầu “tấn công” nạn nhân bằng những “kịch bản” có sẵn để khiến nạn nhân dễ dàng “sập bẫy”.

Theo đại úy Điền Việt Đức, thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay là tình trạng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, hải quan, nhân viên bưu điện, hàng không… trực tiếp gọi điện thoại cho nạn nhân để lừa đảo. Trong đó có nhiều vụ đối tượng giả danh nhân viên hải quan, hàng không lừa nạn nhân nạp tiền để nhận quà từ nước ngoài gửi về. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều vụ giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án để hù dọa nạn nhân là có liên quan đến vụ án nào đó.

“Các đối tượng xấu thường đánh vào tâm lý thích nhận quà, ngại liên quan đến các vụ án rắc rối. Kẻ xấu gọi điện dồn dập làm cho nạn nhân không có thời gian để suy nghĩ, lúng túng và chỉ biết làm theo kịch bản mà chúng đã dựng sẵn” - Đại úy Điền Việt Đức cảnh báo.

Trước những chiêu thức lừa đảo nói trên, theo Đại úy Điền Việt Đức, khi gặp trường hợp người quen nào đó nhắn tin qua điện thoại, Zalo hay Facebook yêu cầu chuyển tiền thì người dân phải gọi điện trực tiếp cho người đó để kiểm chứng. Đối với những trường hợp có người lạ gọi điện thông báo có liên quan đến vụ án thì người dân nên đến thẳng cơ quan công an địa phương để nhờ xác minh.

Trung tá Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cho biết, sở dĩ những chiêu thức lừa đảo đã cũ nhưng đến nay vẫn có nhiều người “sập bẫy” xuất phát từ nhận thức pháp luật hạn chế và lòng tham của các bị hại. Do đó, trong thời gian tới, Công an TP.Biên Hòa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo thủ đoạn lừa đảo kẻ gian thường sử dụng để người dân nêu cao cảnh giác, tránh “sập bẫy” của các loại tội phạm.

Trần Danh

Tin xem nhiều