Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần sớm luật hóa chế định ly thân

10:09, 10/09/2019

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định hai phương thức giải quyết mâu thuẫn giữa vợ chồng là hòa giải để đoàn tụ hoặc chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn, còn vấn đề ly thân lại chưa được luật quy định.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định hai phương thức giải quyết mâu thuẫn giữa vợ chồng là hòa giải để đoàn tụ hoặc chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn, còn vấn đề ly thân lại chưa được luật quy định.

Các luật gia của Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn về Luật Hôn nhân và gia đình cho người dân xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc). Ảnh: Đ.PHÚ
Các luật gia của Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn về Luật Hôn nhân và gia đình cho người dân xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc). Ảnh: Đ.PHÚ

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 mới đây, Tòa án nhân dân tối cao, UBND tỉnh Đồng Nai và nhiều địa phương khác kiến nghị nên sớm bổ sung chế định ly thân cho Luật Hôn nhân và gia đình nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan tới nhân thân, tài sản và con từ việc ly thân đang diễn ra rất phổ biến.

* Từ thực tiễn xã hội

Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, pháp luật nhiều nước đã quy định ly thân là quyền của vợ, chồng lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân, tạo căn cứ pháp lý cho các quan hệ tài sản, nhân thân, các con trong giai đoạn quan hệ hôn nhân nhạy cảm này. Còn ở Việt Nam, mặc dù chưa được quy định trong luật nhưng việc ly thân vẫn đang diễn ra khá phổ biến trên thực tế.

“Có nhiều nguyên do mà nhiều cặp vợ chồng tuy xác định mâu thuẫn không thể hàn gắn nhưng vẫn không ly hôn mà chọn cách ly thân vì: ngại mang điều tiếng bị vợ bỏ, chồng bỏ, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín gia đình, ảnh hưởng đến công việc, ảnh hưởng tâm lý các con, khó khăn trong chia tài sản chung…” - luật sư Lưu Hồng Khanh nói.

Theo luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh), khi luật hóa chế định ly thân thì những vấn đề như: căn cứ ly thân, thủ tục đăng ký và chấm dứt ly thân, thời gian ly thân, hậu quả pháp lý, nghĩa vụ nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng… sẽ được quy định cụ thể bằng luật hoặc văn bản dưới luật nhằm làm cơ sở điều chỉnh các bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Theo luật gia Vòng Kiềng, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), thực tế có nhiều trường hợp không thể cứu vãn quan hệ hôn nhân, nhưng khi biết người kia có hạnh phúc mới thì có tâm lý “trả thù”. Khi ra tòa giải quyết ly hôn, họ vẫn cho rằng tuy vợ chồng không sống cùng một nơi nhưng quan hệ hôn nhân của họ vẫn đang bình thường, mâu thuẫn chưa trầm trọng, không đồng ý ly hôn để ngăn cản người kia có cơ hội kết hôn với người khác (dẫu thực tế, quan hệ hôn nhân giữa những cặp vợ chồng này chỉ là “cái vỏ”, tồn tại trên danh nghĩa pháp lý, còn cả về tình cảm, lẫn tài sản đều đã rạch ròi).

* Tránh xung đột khi ly thân

Cũng theo luật gia Vòng Kiềng, thực tế trong quá trình ly thân, nhiều cặp vợ chồng rất dễ xung đột nhau về mặt tình cảm, quan hệ bên ngoài, tài sản, chăm sóc con... Nếu không có biện pháp phù hợp ngăn chặn thì rất dễ xảy ra bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật hình sự do ghen tuông vô cớ, tâm lý ích kỷ.

Luật gia Vòng Kiềng dẫn chứng, trong thực tế không ít chị em phụ nữ khi mâu thuẫn vợ chồng xảy ra đã bế con bỏ đi, hoặc bị đuổi ra khỏi nhà chồng, đã chịu thiệt thòi lớn khi phải tự mình vất vả kiếm tiền nuôi dưỡng con mà người chồng không hề có trách nhiệm cấp dưỡng trong thời gian dài. Có những người vợ cũng muốn đòi tiền khi chồng trốn tránh trách nhiệm nuôi con, nhưng khi họ nhờ cơ quan, đoàn thể, ngay cả luật sư để tư vấn trong những trường hợp này thì các luật sư cũng khó xử, bởi luật đâu có quy định trách nhiệm cấp dưỡng trong thời gian ly thân.

Cũng theo luật gia Vòng Kiềng, trong thời gian ly thân, nhiều người đã tìm cách tẩu tán, hợp thức hóa tài sản chung thành tài sản riêng, hoặc cố tình vay mượn để bắt người kia phải chung trách nhiệm “vợ chồng” trả nợ… Đặc biệt, con là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều vì ly thân vẫn đang là thời kỳ hôn nhân, song do không cùng chung sống, nên ai là người có trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng con cũng phát sinh nhiều mâu thuẫn. Không ít đứa trẻ vì cha mẹ mâu thuẫn mà bị “đá bóng” trách nhiệm, lơ là việc nuôi dưỡng, dẫn đến buồn chán, bỏ bê học hành, sa vào tệ nạn xã hội hoặc phạm pháp.

Xuất phát từ thực tế trên, Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan làm luật nên sớm bổ sung chế định ly thân, đây là một trong những căn cứ để cho ly hôn theo hướng: trong trường hợp vợ chồng đã sống ly thân một thời gian mà vẫn không thể quay về với nhau để chung sống hạnh phúc hoặc sống ly thân theo quyết định của tòa án thì tòa án giải quyết cho ly hôn mà không phải xem xét, đánh giá thực trạng quan hệ vợ chồng và các bên không phải chứng minh tình trạng trầm trọng của hôn nhân.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều