Báo Đồng Nai điện tử
En

Can nhựa, mũ bảo hiểm có phải là hung khí nguy hiểm?

10:09, 05/09/2019

Thời gian gần đây, tòa án nhân dân một số tỉnh, thành trong cả nước đưa ra xét xử một số vụ án cố ý gây thương tích và cho rằng các vật dụng như: can nhựa, mũ bảo hiểm... là những hung khí nguy hiểm. Quan điểm này đang là vấn đề pháp lý được dư luận quan tâm.

Thời gian gần đây, tòa án nhân dân một số tỉnh, thành trong cả nước đưa ra xét xử một số vụ án cố ý gây thương tích và cho rằng các vật dụng như: can nhựa, mũ bảo hiểm... là những hung khí nguy hiểm. Quan điểm này đang là vấn đề pháp lý được dư luận quan tâm.

* 2 quan điểm trái chiều

Tòa án nhân dân TP.Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) vừa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh (41 tuổi, trú xã Trịnh Xá, TP.Phủ Lý) 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Trước đó, bị cáo dùng thùng nhựa đựng sơn (đã qua sử dụng) gây thương tích 2% cho hàng xóm Đỗ Đức Thắng.

Tương tự ngày 15-8, Tòa án nhân dân quận Tân Phú (TP.Hồ Chí Minh) tuyên phạt Phạm Phú Quốc Phương (25 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) 6 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Trước đó do có mâu thuẫn với ông Nguyễn Văn Lài, bị cáo Phương đã dùng mũ bảo hiểm đánh nạn nhân gây thương tích 42%.

Luật sư Cao Sơn Hà, Đoàn Luật sư tỉnh cho hay, hiện có 2 quan điểm trái chiều về 2 vụ án này. Quan điểm thứ nhất, can nhựa, mũ bảo hiểm được coi là hung khí nguy hiểm khi nó là vật cứng, nặng và đủ kích thước để gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác. Một khi bị can, bị cáo dùng nó để đánh vào chỗ hiểm yếu có thể gây thương tích nặng hoặc làm chết người. Quan điểm thứ hai, chiếc thùng nhựa, mũ bảo hiểm là một loại dụng cụ nhưng tính chất nguy hiểm của nó đối với tính mạng, sức khỏe con người rõ ràng là không thể tương đồng với các loại dụng cụ đã được liệt kê tại Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

* Thế nào là hung khí nguy hiểm?

Tại Tiểu mục 2.2, Mục 2, Phần I, Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. Về công cụ, dụng cụ gồm có: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn... Về vật mà người phạm tội chế tạo ra gồm có: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ... Về vật có sẵn trong tự nhiên gồm có: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...

Luật sư Cao Sơn Hà cho rằng, dù pháp luật và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chưa liệt kê cụ thể can nhựa, mũ bảo hiểm, trái sầu riêng, trái dừa... là hung khí nguy hiểm, nhưng những vật này sẽ là hung khí nguy hiểm nếu được cơ quan tố tụng đánh giá, xác định trong quá trình tố tụng từng vụ án cụ thể, tổ chức thực nghiệm hiện trường để từ đó đánh giá theo đặc điểm cấu trúc, chất lượng của vật, sự tác động lực của những vật trên vào vùng nguy hiểm của con người với một lực mạnh thì nguy cơ gây thương tích nặng hoặc làm chết người là điều có thể xảy ra.

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cũng cho rằng, can nhựa, mũ bảo hiểm, trái dừa, trái sầu riêng sẽ là hung khí nguy hiểm khi được xem xét, đánh giá trong một vụ án cụ thể, hành vi phạm tội cụ thể chứ không thể nói chung chung và áp dụng trong mọi tình huống. Bởi lẽ, nếu chiếc mũ bảo hiểm dỏm, can nhựa mềm, trái dừa non, trái sầu riêng non sẽ không gây nguy hiểm cho con người khi dùng lực mạnh tác động vào cơ thể (kể cả vùng nguy hiểm) nó sẽ bị vỡ ngay nên không thể xem là hung khí nguy hiểm được. Ngược lại, nếu đó là chiếc mũ bảo hiểm cứng, nặng, chất lượng; trái dừa, trái sầu riêng già thì có thể gây chết người nếu tác động mạnh vào những chỗ nguy hiểm trên cơ thể.

 Do đó, cơ quan tố tụng cần xác định, mô tả, đánh giá khoa học vật gây án của bị can, bị cáo tác động vào nạn nhân thuộc loại nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng nạn nhân ra sao thì sẽ thuyết phục được dư luận, thể hiện sự áp dụng pháp luật của cơ quan tố tụng công bằng, khoa học, chính xác, tránh oan sai.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều