Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất cập về tốc độ lưu thông của các phương tiện

09:08, 05/08/2019

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng có liên quan đến việc người điều khiển phương tiện chạy tốc độ cao, không giữ khoảng cách an toàn.

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng có liên quan đến việc người điều khiển phương tiện chạy tốc độ cao, không giữ khoảng cách an toàn.

Lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát phương tiện trên quốc lộ 51 đoạn qua phường Tam Phước (TP.Biên Hòa)
Lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát phương tiện trên quốc lộ 51 đoạn qua phường Tam Phước (TP.Biên Hòa)

Hiện nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh được làm mới, nâng cấp, tốc độ lưu thông cũng tăng lên đáng kể so với trước đây đã tạo thuận lợi cho người dân khi điều khiển phương tiện tham gia lưu thông trên đường. Việc này đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, nhưng thời gian qua do ý thức của nhiều lái xe chưa cao nên vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến việc điều khiển phương tiện với tốc độ cao, không làm chủ được tay lái.

* Vi phạm tốc độ còn cao

Theo phân tích của các ngành chức năng, người điều khiển phương tiện lưu thông vượt quá tốc độ quy định, không làm chủ tay lái là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT tại Đồng Nai.

Cụ thể như vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 7-4, trên quốc lộ 20 (thuộc xã Túc Trưng, huyện Định Quán) giữa xe ô tô loại 7 chỗ biển số 86A-052.91 với xe ô tô tải biển số 49C-049.02 khiến 3 người chết, 2 người bị thương. Cơ quan chức năng xác định tài xế lái xe 7 chỗ đi không đúng phần đường quy định, phóng nhanh, vượt ẩu.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, hiện nay trong khu vực đông dân cư, các xe đầu kéo được chạy cùng một tốc độ tối đa (60 km/giờ) với xe tải dưới 3,5 tấn. Điều này dễ gây TNGT bởi các tuyến đường đi qua khu vực trung tâm thường có lưu lượng phương tiện đông đúc. Vì vậy, việc điều chỉnh tốc độ tối đa theo hướng giảm 10 km/giờ là phù hợp.

Trung tá Trần Trọng Thủy, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 149 vụ TNGT, làm chết 115 người và bị thương 102 người. Tai nạn xảy ra chủ yếu trên các tuyến quốc lộ chính và địa bàn đông dân cư có mật độ giao thông cao. Nguyên nhân dẫn đến tình hình TNGT diễn biến phức tạp theo phản ánh của các địa phương là do những bất cập trong việc tổ chức giao thông và quy định về tốc độ.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã đồng loạt ra quân thực hiện chuyên đề xử lý phương tiện vi phạm tốc độ vượt quá quy định cho phép. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 2,4 ngàn trường hợp vi phạm, chủ yếu là xe ô tô với hơn 1,7 ngàn phương tiện bị lập biên bản xử lý với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng.

* Kiến nghị giảm tốc độ ở khu vực đông dân cư

Trung tá Trần Trọng Thủy kiến nghị Công an tỉnh phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh đề xuất UBND tỉnh thành lập đoàn khảo sát các điểm phức tạp về tình hình TNGT do mặt đường hẹp, xuống cấp, đường cong. Riêng những khu vực phương tiện thường xuyên ra vào phức tạp như: bệnh viện, trường học, chợ… đề nghị Bộ Giao thông - vận tải gắn biển hạn chế tốc độ cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm hạn chế tai nạn.

“Bên cạnh đó, cần tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường để điều chỉnh, lắp đặt cho phù hợp với Quy chuẩn 41 của Bộ Giao thông - vận tải. Đặc biệt là đối với các biển báo cần nhắc lại khi qua giao lộ” - Trung tá Thủy nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giao thông - vận tải đang lấy ý kiến dự thảo thông tư thay thế Thông tư 91/2015 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Theo dự thảo, trong khu vực đông dân cư một số loại phương tiện cỡ lớn sẽ giảm tốc độ lưu thông tối đa từ 60 km/giờ như hiện nay xuống còn 50 km/giờ. Các phương tiện còn lại được giữ tốc độ tối đa 60 km/giờ.

Cũng theo dự thảo này quy định trên đường cao tốc, đối với xe kéo rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc hoặc kéo xe khác, xe chở người trên 30 chỗ, xe khách giường nằm 2 tầng, xe bồn các loại chỉ được chạy tối đa 100 km/giờ (hiện tốc độ tối đa cho phép của các loại ô tô là 120 km/giờ).

 Ông Hà Ngọc Tuấn (ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cho rằng, các tuyến đường đi qua khu vực đông dân cư hiện nay có mật độ giao thông rất lớn. Riêng trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua huyện Trảng Bom do có dải phân cách ở giữa nên tốc độ lên đến 90km/giờ (tùy khu vực). Ngoài ra, đan xen giữa xe container, xe tải là xe máy, xe đạp, người đi bộ nên dễ xung đột giao thông. Thời gian qua đã xảy ra nhiều tai nạn xe tải, xe khách với xe máy trong khu vực đông dân cư khiến người dân lo lắng.

“Với những xe tải hạng nặng, xe container nên giảm tốc độ thấp hơn những phương tiện khác. Bởi các xe này chạy nhanh, gây tai nạn thì hậu quả rất nặng nề nên chúng tôi cũng ủng hộ việc giảm tốc độ qua khu đông dân cư” - ông Tuấn bộc bạch.

Thanh Hải

Tin xem nhiều