Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy

10:05, 19/05/2019

Kết quả nổi bật qua 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào Văn hóa giao thông với bình yên sông nước giai đoạn 2016-2020 chính là công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động quần chúng nhân dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy được nâng lên rõ rệt.

Kết quả nổi bật qua 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào Văn hóa giao thông với bình yên sông nước giai đoạn 2016-2020 chính là công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động quần chúng nhân dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy được nâng lên rõ rệt.

Lực lượng Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải) kiểm tra chứng chỉ chuyên môn, điều kiện hoạt động của người điều khiển phương tiện đường thủy trên sông Đồng Nai vào đầu năm 2019
Lực lượng Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải) kiểm tra chứng chỉ chuyên môn, điều kiện hoạt động của người điều khiển phương tiện đường thủy trên sông Đồng Nai vào đầu năm 2019

Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đánh giá cao các mô hình văn hóa giao thông đường thủy được xây dựng và triển khai có hiệu quả giúp người dân thay đổi dần hành vi, thói quen khi tham gia giao thông đường thủy.

* Xử lý nghiêm phương tiện vi phạm

Một số mô hình văn hóa giao thông đường thủy tiêu biểu như: tổ tự quản đảm bảo trật tự ATGT tại bến khách ngang sông, cụm dân cư an toàn cho trẻ em… Qua đó góp phần nâng cao ý thức và sự tự giác chấp hành những quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; đồng thời, giúp phòng ngừa tai nạn, phòng tránh lụt bão

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Quang, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT được xác định là biện pháp quan trọng có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm. Trong 3 năm qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 10 ngàn trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường thủy với số tiền gần 9 tỷ đồng.

Đại tá Bùi Hữu Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng phải chủ động, thường xuyên kiểm tra, xử lý các bến không đủ điều kiện hoạt động; không để xảy ra tình trạng phương tiện trôi, va đập vào các công trình giao thông gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cũng đã phối hợp với các ngành, các cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát, chấn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường thủy.

Phó chánh Thanh tra giao thông Sở Giao thông - vận tải Trần Tiến Dũng cho rằng lực lượng thanh tra giao thông đã tập trung xử lý các bến thủy nội địa hoạt động không phép dọc hai bên tuyến sông Đồng Nai, khu vực cầu An Hảo nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện qua lại các khu vực này; đồng thời thường xuyên kiểm tra 13 dự án duy tu, nạo vét trên các tuyến sông qua địa bàn tỉnh.

Giao thông đường thủy Đồng Nai vốn phức tạp, từng tập trung nhiều bến thủy nội địa không phép, nhưng nhờ sự ra quân xử lý quyết liệt, đến nay toàn tỉnh không còn bến thủy nội địa hoạt động trái phép mà chỉ là các khu vực chứa, bãi tập kết vật liệu xây dựng. Với những trường hợp lén lút hoạt động đều bị xử lý nghiêm theo quy định.

 “Lực lượng thanh tra giao thông đã lập biên bản 40 trường hợp các cảng, bến thủy nội địa không có giấy phép hoạt động hoặc hoạt động quá thời gian cho phép. Bên cạnh đó, đã xử lý 148 vụ phương tiện chở quá tải, 32 vụ vi phạm vạch mớn nước, 110 trường hợp người điều khiển không chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ…” - ông Dũng nói.

* Không buông lỏng quản lý

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào Văn hóa giao thông với bình yên sông nước giai đoạn 2016-2020, nhiều ý kiến cho rằng, tai nạn giao thông đường thủy ít khi xảy ra, nhưng khi xảy ra hậu quả thường nghiêm trọng, việc khắc phục hậu quả vô cùng khó khăn, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong 3 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm chết 3 người, chìm 4 phương tiện và sập cầu Ghềnh.Do đó, nếu lực lượng chức năng không thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn thì nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy luôn thường trực.

Phó giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Đồng Nai Phạm Xuân Thủy cho biết, hiện nay công tác xây dựng quy hoạch cảng, bến thủy nội đang trong giai đoạn hoàn thiện. Một số cảng, bến được cấp phép hoạt động nhưng doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư hạ tầng gây nên tình trạng sạt lở bờ, thiếu các trang thiết bị an toàn.

Ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa của một số chủ phương tiện, thuyền trưởng chưa cao, chưa ý thức trong thực hiện pháp luật về ATGT, vệ sinh môi trường. Tình trạng phương tiện đường thủy chở quá mớn nước an toàn, neo đậu chiếm luồng, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn khiến nguy cơ mất ATGT cao.

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh Trịnh Tuấn Liêm yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trật tự ATGT đường thủy, không được lơ là trong kiểm tra, xử lý phương tiện. Đặc biệt không để người dân dùng ghe, thuyền làm phương tiện chở người đi lại trên sông nhằm tránh xảy ra các vụ tai nạn thương tâm. Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các bến đò khách, cảng, bến thủy nội địa nếu phát hiện phương tiện không đảm bảo an toàn thì kiên quyết không cho xuất bến.

“Bước vào mùa mưa lũ, nguy cơ gây mất an toàn, nỗi lo về tai nạn giao thông đường thủy tăng lên. Nếu lực lượng chức năng không thường xuyên kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm như: chở quá tải, quá số người quy định; phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn kỹ thuật thì có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào” - ông Liêm nhấn mạnh.

Thanh Hải

Tin xem nhiều