Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao đạo đức người lái xe

10:04, 17/04/2019

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, đạo đức của người lái xe cần phải được nâng lên. Bởi một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn thảm khốc trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng gần đây cho thấy đều xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện không làm chủ được tốc độ, đi sai làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, nồng độ cồn vượt quá quy định...

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, đạo đức của người lái xe cần phải được nâng lên. Bởi một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn thảm khốc trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng gần đây cho thấy đều xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện không làm chủ được tốc độ, đi sai làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, nồng độ cồn vượt quá quy định...

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trịnh Tuấn Liêm trao danh hiệu Lái xe an toàn năm 2018 cho các lái xe. Ảnh: T.HẢI
Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trịnh Tuấn Liêm trao danh hiệu Lái xe an toàn năm 2018 cho các lái xe. Ảnh: T.HẢI

Theo Sở Giao thông - vận tải, Ðồng Nai là một trong những địa phương có lượng phương tiện giao thông cao nhất cả nước. Do đó, ngành chức năng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao đạo đức cho người lái xe.

* Giám sát tài xế vi phạm giao thông

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 300 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa với gần 4,5 ngàn tài xế cùng hàng ngàn đầu xe các loại. Việc tuyển chọn, đào tạo lái xe, phụ xe cũng như đảm bảo an toàn cho xe vận tải rất cần được quan tâm vì loại phương tiện này chuyên chở nhiều người hoặc hàng hóa.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng việc nâng cao đạo đức nghề lái xe là yêu cầu bắt buộc để xây dựng văn hóa giao thông. Đây cũng là yếu tố quan trọng bảo đảm an toàn giao thông cho mọi người dân khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe phải tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh theo đúng quy định.

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ vận tải Phương Lâm (huyện Tân Phú) Nguyễn Đức Dục cho hay, để xây dựng văn hóa giao thông phải bắt nguồn từ việc giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ lái xe. Hiện nay, 350 tài xế và phụ xe của hợp tác xã đều được tuyển lựa kỹ từ khi nộp hồ sơ xin việc. Sau khi được nhận hồ sơ, lái xe có 15 ngày tập huấn, học tập kinh nghiệm, kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn, thái độ phục vụ hành khách...

“Nhằm kiểm soát chặt chẽ đội ngũ lái xe, chúng tôi có bộ phận riêng theo dõi và xử lý vi phạm của các tài xế. Từ đó đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp xe của đơn vị vi phạm pháp luật về giao thông, gây tai nạn hoặc có thái độ thiếu tôn trọng khách hàng” - ông Dục nói.

Xây dựng văn hóa giao thông cần thiết phải bắt nguồn từ ý thức của người tham gia giao thông. Trong đó, đội ngũ lái xe, phụ xe là lực lượng rất quan trọng. Ông Nguyễn Quang Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh (huyện Nhơn Trạch) cho biết với gần 100 đầu xe vận tải các loại (đa số xe container), đơn vị rất chú trọng tập huấn nâng cao ý thức, đạo đức của người lái xe. Hiện 100% xe của công ty đã gắn thiết bị giám sát hành trình, giúp cho công việc giám sát, quản lý hoạt động xe vận tải các loại được thuận tiện, bảo đảm an toàn hơn.

* Đạo đức sau tay lái

Để bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải, hằng năm Sở Giao thông - vận tải đều tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải ký cam kết với ngành Giao thông và Cảnh sát giao thông tỉnh. Sau khi ký cam kết, chủ doanh nghiệp triển khai nội dung ký kết đến từng lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ. Chủ doanh nghiệp còn phải thành lập các tổ an toàn giao thông nhằm giám sát thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trang bị cho các phương tiện hoạt động để kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời.

Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Dương Văn Ðông cho hay, từ năm 2012 đến nay Đồng Nai thường xuyên tổ chức trao giải thưởng Lái xe an toàn, doanh nghiệp vận tải an toàn. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa của ngành Giao thông - vận tải nhằm nâng cao ý thức của các lái xe cũng như chủ doanh nghiệp vận tải.

Để đạt được giải thưởng này, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải tăng cường giáo dục đạo đức cho người lái xe, nhân viên phục vụ (bằng các hành động cụ thể như: không vi phạm các hành vi chở quá tải, chạy quá tốc độ quy định, sang bán khách dọc đường...). Doanh nghiệp cần bảo đảm 100% phương tiện còn niên hạn sử dụng, không bố trí tài xế lái xe liên tục quá 4 giờ và thời gian lái xe trong ngày không quá 10 giờ...

Sau nhiều năm triển khai thực hiện, giải thưởng ngày càng thu hút sự quan tâm của các đơn vị vận tải và lái xe. Chương trình này đã dần thay đổi tư tưởng và cách nhìn của xã hội đối với nghề lái xe, động viên, khích lệ tinh thần các tài xế trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải góp phần tạo môi trường giao thông an toàn và văn minh.

Thanh Hải

Tin xem nhiều