Báo Đồng Nai điện tử
En

Một nhóm lao động ở TX.Long Khánh "kẹt" tại Nga: Công an vào cuộc điều tra

09:04, 19/04/2019

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đang tiến hành xác minh thông tin một nhóm người tại TX.Long Khánh tố cáo bị lừa đảo xuất khẩu lao động sang Nga để làm việc. Sau một thời gian, 5 người phải nhờ gia đình gửi tiền "chuộc" mới được trở về Việt Nam vì không thể tiếp tục làm việc trong điều kiện lao động hà khắc, không giống như những gì người môi giới hứa hẹn.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đang tiến hành xác minh thông tin một nhóm người tại TX.Long Khánh tố cáo bị lừa đảo xuất khẩu lao động sang Nga để làm việc. Sau một thời gian, 5 người phải nhờ gia đình gửi tiền “chuộc” mới được trở về Việt Nam vì không thể tiếp tục làm việc trong điều kiện lao động hà khắc, không giống như những gì người môi giới hứa hẹn.

Một số người đi xuất khẩu lao động theo giới thiệu của bà B. đã trở về nước.  Ảnh: Người dân cung cấp
Một số người đi xuất khẩu lao động theo giới thiệu của bà B. đã trở về nước. Ảnh: Người dân cung cấp

Theo phản ảnh của nhóm lao động này, cuối năm 2018 bà P.T.L.B. (ngụ phường Xuân An, TX.Long Khánh) quảng cáo có người nhà mở xưởng may ở Nga đang cần người làm việc với thu nhập từ 500 USD đến 1,2 ngàn USD/tháng.

* Chính sách lao động khắc nghiệt

Những ai có nhu cầu sang xưởng may này làm việc thì phải trả chi phí cho bà B. khoảng 2 ngàn USD/người chỉ cần đưa trước 500 USD (hơn 11 triệu đồng) là có thể xuất ngoại. Số còn lại sẽ được trừ dần vào khoản tiền lương sau khi sang Nga làm việc. Hằng năm, công ty sẽ tài trợ để người nhà sang Nga du lịch. Nghe lời quảng cáo quá hấp dẫn, chi phí thấp nên đã có 10 người sống ở TX.Long Khánh đăng ký sang Nga lao động để tìm cơ hội “đổi đời”. Tuy nhiên khi sang đến nơi thì mọi việc lại hoàn toàn khác.

Luật sư Hà Mạnh Tường, Đoàn luật sư Đồng Nai cho rằng việc môi giới và tổ chức cho người khác đi nước ngoài lao động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là có dấu hiệu của tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép được quy định tại Điều 348, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, thu nhập của họ được tính theo sản phẩm làm ra. Những người này phải thường xuyên tăng ca nhiều tiếng đồng hồ, có người phải làm việc với cường độ cao (gần 20 tiếng/ngày). Đặc biệt, họ bị trừ tiền lương nếu làm sai sót, lỗi sản phẩm, nghỉ việc... Có những người sau khi bị trừ các khoản phạt mỗi tháng thu nhập chỉ còn khoảng 70 USD (hơn 1 triệu đồng).

Anh N.T.Q. (ngụ xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) vừa được người nhà gửi tiền “chuộc” để trở về Việt Nam cho biết, công việc hằng ngày trong các xưởng may rất vất vả, áp lực lớn vì cách quản lý và các chính sách đối với người lao động khắc nghiệt. “Nếu mình làm sản phẩm bị lỗi thì ngay trong đêm, kể cả 3 hay 4 giờ sáng đều bị gọi dậy để làm lại. Có những người phải làm việc sáng đêm nên đổ bệnh. Do không chịu được áp lực này nên tôi phải xin nghỉ việc, dẫn đến phá vỡ hợp đồng phải đền bù” - anh Q. cho biết.

Tương tự bà L.T.T.T. (ngụ xã Bàu Trâm) cũng cho biết, khi bắt đầu ký hợp đồng phía công ty yêu cầu mọi người đều phải làm thêm giờ. Nếu ai không hoàn thành số giờ quy định sẽ bị trừ tiền lương rất nhiều. Bên cạnh đó, việc quản lý giờ giấc sinh hoạt trong công ty cũng như ăn ở của công nhân rất gắt gao. Mọi người đều bị quản lý theo kiểu “giam lỏng”. Nhiều người không chịu được cảnh sinh sống như tù ngục đành phải xin nghỉ việc.

* Bán nhà để “chuộc” người

Hiện nay, có 5/10 người (đều ngụ TX.Long Khánh) được bà B. giới thiệu sang Nga làm việc đã nhờ người nhà gửi tiền “chuộc” để trở về Việt Nam. Mỗi người phải đóng hơn 100 triệu đồng mới được chủ xưởng làm thủ tục cho về nước vì phá vỡ hợp đồng (thời hạn 3 năm). Để có được số tiền này, mọi người đã phải vay mượn khắp nơi, thậm chí bán cả nhà để gửi tiền “chuộc” người thân về nước.

Anh N.T.Q. cho biết, sau khi biết anh làm việc quá vất vả ở Nga, người nhà đành phải bán nhà, gửi 125 triệu đồng sang Nga, công ty làm thủ tục cho anh về Việt Nam. Hiện gia đình anh (gồm mẹ và chị gái) phải thuê nhà trọ để ở. Anh Q. đang xin phụ làm sơn nước cho một số công trình xây dựng.

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, một cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết cơ quan công an đã vào cuộc, tiến hành làm việc với những người có liên quan để xác minh sự việc, xem xét có hay không việc đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài trái phép.

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng khẳng định, ở Đồng nai không có cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp nào có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và thời gian vừa qua cũng không có ai đăng ký đi lao động ở Nga như phản ảnh.Theo ông Cộng, có thể có những đơn vị, doanh nghiệp ở địa phương khác đứng ra tuyển dụng và đưa người đi xuất khẩu lao động nên địa phương không nắm được.

“Sau khi có thông tin về vụ việc này, Sở sẽ tiến hành xác minh để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật. Trong trường hợp một đơn vị nào đó ở địa phương khác đưa người đi thì tỉnh cũng sẽ phối hợp hỗ trợ xác minh để bảo vệ quyền lợi cho người dân địa phương” - ông Cộng nói.

Trần Danh

Tin xem nhiều