Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó kiểm soát người vi phạm làm giấy phép lái xe mới

09:04, 01/04/2019

Hiện nay, thủ tục cấp lại giấy phép lái xe (GPLX) khá đơn giản. Do đó, có không ít trường hợp vi phạm giao thông sẵn sàng bỏ luôn GPLX để làm thủ tục cấp lại GPLX bởi mức tiền xử phạt cao gấp nhiều lần mức lệ phí cấp lại.

Hiện nay, thủ tục cấp lại giấy phép lái xe (GPLX) khá đơn giản. Do đó, có không ít trường hợp vi phạm giao thông sẵn sàng bỏ luôn GPLX để làm thủ tục cấp lại GPLX bởi mức tiền xử phạt cao gấp nhiều lần mức lệ phí cấp lại.

Người dân làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh: T.HẢI
Người dân làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ảnh: T.HẢI

Theo quy định, người có GPLX bị mất nhưng còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng sẽ được xét cấp lại GPLX .

* Phạt cao, bỏ luôn bằng lái

Người xin cấp lại bằng lái xe chỉ cần làm đơn cớ mất rồi đến thực hiện thủ tục cấp lại GPLX tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai hoặc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện để chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính các hồ sơ, giấy tờ theo quy định để đối chiếu. Sau thời gian 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, Sở Giao thông - vận tải sẽ cấp lại GPLX cho người có yêu cầu nếu qua xác minh người này có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch; không phát hiện GPLX đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý.

Theo Sở Giao - thông vận tải, trong năm 2018 số lượng thi giấy phép lái xe trên địa bàn hơn 64,6 ngàn học viên. Trong đó, số học viên được cấp GPLX là gần 44,6 ngàn, đạt 69%. Năm 2018, cấp hơn 80,5 ngàn GPLX, trong đó cấp đổi khoảng 33,5 ngàn trường hợp.

Một nhân viên làm công tác cấp GPLX (Sở Giao thông - vận tải) cho biết, đa số trường hợp đến xin cấp lại GPLX  đều trình bày lý do bị mất. Tuy nhiên, rất khó để xác minh việc này nên buộc đơn vị phải cấp lại. Nhiều người thậm chí có cùng lúc 2 GPLX từ 2 địa phương cấp khác nhau dẫn đến người dân bị tạm giữ GPLX ở tỉnh này vẫn có thể đến tỉnh khác để đăng ký thi sát hạch lấy GPLX mới khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, theo Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn giao thông và xử lý vi phạm (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh), hiện nay, nhiều người sẵn sàng bỏ GPLX nếu các lỗi vi phạm giao thông có mức phạt tiền cao. Thậm chí một số lỗi như: vi phạm nồng độ cồn, dùng chất kích thích... mức phạt cao hơn nhiều so với chi phí cấp mới GPLX.

Để ngăn chặn tình trạng bỏ và xin cấp lại GPLX sau khi vi phạm là vấn đề không đơn giản. Đối với các trường hợp quá thời hạn hẹn giải quyết mà người vi phạm chưa đến đóng phạt thì Phòng Cảnh sát giao thông đều gửi thông báo ngăn chặn đề nghị Sở Giao thông - vận tải các địa phương không cấp mới GPLX cho các trường hợp đang bị tạm giữ.

* Nên có cơ sở dữ liệu dùng chung

Hiện nay, giữa 2 ngành Giao thông - vận tải (nơi cấp mới, cấp đổi bằng lái) và cảnh sát giao thông (xử phạt vi phạm giao thông) vẫn chưa có sự “kết nối”, liên thông với nhau để phát hiện ra những trường hợp gian dối trong xin cấp GPLX; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm tình trạng này.

Lực lượng cảnh sát giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh) kiểm tra hồ sơ, thông tin người điều khiển phương tiện giao thông.
Lực lượng cảnh sát giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh) kiểm tra hồ sơ, thông tin người điều khiển phương tiện giao thông.

Riêng Đồng Nai, trong năm 2018 Sở Giao thông - vận tải đã xây dựng phần mềm quản lý tước quyền sử dụng GPLX và ứng dụng Zalo thông báo ngày hết hạn GPLX. Từ cơ sở này, để phát hiện các trường hợp tài xế vi phạm các quy tắc giao thông nhằm đưa phương án xử lý với các trường hợp khi xin cấp đổi, cấp mới GPLX.

Chậm nhất ngày 1-6 sẽ kết nối chia sẻ dữ liệu

Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết: “Những vi phạm của tài xế sẽ được các đơn vị tổng hợp, gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông - vận tải các địa phương hằng ngày. Các đơn vị thuộc Bộ Giao thông - vận tải cũng sẽ nhập lên hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý, chia sẻ thông tin với lực lượng công an. Trường hợp nào vi phạm đã bị tước bằng lái, cố tình báo mất để làm lại thì sẽ không được cấp mới. Đây là vấn đề quan trọng, cần phải làm sớm để tránh những hệ luỵ”.

Tuy nhiên, Thiếu tá Nguyễn Hải Dương, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho rằng, nhằm tăng tính răn đe trong xử phạt vi phạm ngành Giao thông - vận tải cần phải có nguồn cơ sở dữ liệu chung liên quan đến đăng ký, đăng kiểm, GPLX để lực lượng chức năng thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ. Bởi nếu không có dữ liệu chung giữa các địa phương thì sẽ xảy ra nhiều trường hợp vi phạm ở chỗ này rồi bỏ GPLX để đến nơi khác xin cấp lại.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, ngành Giao thông - vận tải đã đề nghị ngành Công an liên thông, chia sẻ dữ liệu từ năm 2012 song chưa thực hiện được. Nếu có dữ liệu do công an cung cấp, khi người dân đến các trung tâm đăng ký thi sát hạch để cấp GPLX mới thì cơ quan này sẽ nhanh chóng rà soát trên hệ thống và nhanh chóng phát hiện người này có bị tạm giữ GPLX hay không.

“Trường hợp người dân không vi phạm gì sẽ được tạo điều kiện để cấp lại, nhưng khi đã vi phạm nhiều lần, cần có những hình thức răn đe mạnh như: tăng mức xử phạt, từ chối cấp bằng lái...” - ông Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.

Có cơ sở dữ liệu để xử lý nghiêm vi phạm

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh lưu ý: “Có những trường hợp vi phạm nhiều lần hoàn toàn không thể xử lý nghiêm được. Đây chính là trường hợp tái phạm nên rất cần có chế tài nặng hơn. Một khi đã có cơ sở dữ liệu tài xế vi phạm giao thông và GPLX xe bị tạm giữ thì sẽ giải quyết được tình trạng cấp đi cấp lại GPLX cho những người coi thường vi phạm các quy định về an toàn giao thông”.

Thanh Hải

Tin xem nhiều