Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt rào chắn đường sắt, hiểm họa khó lường

09:02, 15/02/2019

Còi báo tàu đến đã hú, nhân viên đường sắt đã kéo rào chắn nhưng bất chấp nguy cơ xảy ra tai nạn, nhiều người tham gia giao thông vẫn vượt qua đường ray và mặc kệ sự ngăn cản của nhân viên đường sắt.

Còi báo tàu đến đã hú, nhân viên đường sắt đã kéo rào chắn nhưng bất chấp những nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, nhiều người tham gia giao thông vẫn vượt qua đường ray và mặc kệ sự ngăn cản của nhân viên đường sắt.

Một người đàn ông điều khiển xe máy vượt rào chắn dù tàu hỏa đang chạy (đoạn giao giữa đường sắt với đường Đồng Khởi, thuộc phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đi vào đường ray (Ảnh chụp ngày 14-2-2019)
Một người đàn ông điều khiển xe máy vượt rào chắn dù tàu hỏa đang chạy (đoạn giao giữa đường sắt với đường Đồng Khởi, thuộc phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đi vào đường ray (Ảnh chụp ngày 14-2-2019)

Hành vi này diễn ra khá phổ biến tại các đoạn đường bộ giao với đường sắt trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn và thể hiện sự thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.

* Vô tư vượt rào chắn

Sáng 12-2, tại trạm gác chắn Hãng Dầu (km1698+993, thuộc phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) khi đoàn tàu khách từ Ga Sài Gòn đi gần tới trạm gác đoạn giao với đường Nguyễn Thành Phương, nhân viên tiến hành kéo rào chắn đóng chắn. Lúc này, một cụ bà băng qua vô tình ngã giữa đường ray. Ngay lập tức, nhân viên gác chắn chạy đến kéo bà cụ ra khỏi khu vực nguy hiểm khi đoàn tàu chỉ cách 30m.

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Trịnh Tuấn Liêm kêu gọi người dân cần ý thức hơn khi tham gia giao thông; tuân thủ hiệu lệnh của người trực gác để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và an toàn giao thông cho xã hội.

Đây không phải là sự việc hy hữu khi người đi đường cố tình băng qua rào chắn đường sắt. Trong năm 2018, tại km 1697+910 (đoạn giao với đường Võ Thị Sáu, thuộc phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đã xảy ra 3 vụ tai nạn do xe máy đâm vào rào chắn khi cố tình băng qua đường ray lúc tàu đang đến gần.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, hiện nay rào chắn đường tàu chủ yếu ngăn phương tiện trên lòng đường nhưng vẫn còn một đoạn trống khoảng 2m ở mỗi đầu rào chắn. Khi rào chắn đóng lại, nhiều người vẫn lách qua khoảng trống này để đi qua đường ray.

“Phát hiện sự việc, nhân viên đường sắt thường nhắc nhở, không cho người và phương tiện đi qua lối này.  Tuy nhiên, nhiều người vẫn băng qua, thậm chí cự cãi với nhân viên và tỏ ý không hợp tác. Chúng tôi là nhân viên nữ nên không thể ngăn cản quyết liệt, chỉ nhắc nhở là chủ yếu” - bà Trịnh Thị Thu Liễu (nhân viên gác chắn tại km1698+993, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay.

Chỉ vì muốn nhanh vài chục giây mà nhiều người bất chấp nguy hiểm vượt qua rào chắn dẫn đến các vụ tai nạn đau lòng. Thực tế, đã có không ít vụ tai nạn xảy ra xuất phát từ hành động liều lĩnh này của người tham gia giao thông.

Vào khoảng 14 giờ ngày 27-3-2017, tàu khách chạy theo hướng TP.Hồ Chí Minh đi tỉnh Bình Thuận, khi đến km1692+600, đoạn qua KP.3, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) thì va chạm với xe máy biển số 60S9-4047 do ông Hà Văn Giới (ngụ KP.1, phường Tân Hiệp) điều khiển khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Ông Vũ Viết Lập (ngụ KP.3, phường Tân Hiệp), người trực tiếp làm nhiệm vụ cảnh giới tại đây kể lại, thời điểm đó dù ông đã căng cờ báo hiệu tàu đến và được nhiều người ngăn lại nhưng nạn nhân vẫn cố tình vượt qua.

* Để phương tiện không còn vượt rào chắn

Theo thống kê của ngành đường sắt, trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam có hơn 1,5 ngàn đường ngang hợp pháp, trong đó có khoảng 600 gác chắn có nhân viên còn lại đường ngang có cần chắn tự động, tín hiệu tự động. Ngoài ra, còn hơn 4 ngàn lối đi tự mở dọc tuyến đường sắt.

Riêng Đồng Nai hiện có 71 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ với 57 đường ngang hợp pháp và 14 lối đi tự mở. Trong đó, 32 vị trí có gác chắn, 15 vị trí có cần chắn cảnh báo tự động, 11 khu vực có cảnh giới an toàn giao thông... Tuy nhiên, nếu người tham gia giao thông không tuân thủ pháp luật về giao thông khi băng qua đường ngang thì hiểm họa sẽ khôn lường. Do đó, ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về giao thông vẫn là quan trọng hàng đầu trong việc hạn chế những tai nạn đường sắt.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đình Đảng, Phó giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn, để hạn chế các vụ tai nạn đường sắt cần tăng cường sự phối hợp trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các đường ngang, kiên quyết chấm dứt hoạt động với các lối đi bất hợp pháp và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, chính quyền địa phương.

“Tại các điểm gác chắn, nếu người điều khiển phương tiện cố tình vi phạm, lực lượng chức năng cần có sự hỗ trợ kịp thời, áp dụng những biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc. Với những khu vực gác chắn phức tạp thường xuyên xảy ra phương tiện đâm va gác chắn gây thương tích hoặc cản trở giao thông, ngành đường sắt đã làm việc với địa phương đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông tuyên truyền để người dân nắm rõ quy định của pháp luật” - ông Nguyễn Đình Đảng nhấn mạnh.

Thanh Hải

Tin xem nhiều