Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng ngừa tội phạm vị thành niên

10:01, 27/01/2019

Theo đánh giá của ngành Công an, tình hình tội phạm ngày càng trẻ hóa, đáng chú ý là trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ phạm pháp hình sự liên quan đến trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi).

Theo đánh giá của ngành Công an, tình hình tội phạm ngày càng trẻ hóa, đáng chú ý là trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ phạm pháp hình sự liên quan đến trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi).

Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp và có chiều hướng manh động hơn. Tội phạm do trẻ vị thành niên gây ra chủ yếu là các tội: cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản...

* Nhiều nguyên nhân dẫn đến phạm tội

Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh phân tích, trẻ vị thành niên đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần nên phần lớn chưa tự làm chủ được bản thân, dễ bị lôi kéo, kích động tham gia vào những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật. Mặt khác, nhiều gia đình vì lo làm ăn kinh tế mà buông lỏng con cái, thiếu sự quan tâm, định hướng khiến cho trẻ dễ bị kẻ xấu tiếp cận, lợi dụng và sa vào con đường phạm pháp. Hơn nữa trong các trường học, việc dạy kỹ năng sống, kiến thức pháp luật, phòng chống tội phạm cho học sinh còn hạn chế.

Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, trong năm 2018 toàn tỉnh có 111 người chưa thành niên phạm tội bị khởi tố (có 5 người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), trong đó chủ yếu liên quan đến các hành vi như cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thọ, về góc độ pháp luật, hiện nay có một số đối tượng lợi dụng tính nhân văn của pháp luật trong việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trẻ vị thành niên ở một số loại tội ít nghiêm trọng để lôi kéo người chưa thành niên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật

Thực tế, đã có một số trẻ vị thành niên bị lợi dụng để giao dịch ma túy, vận chuyển pháo nổ... Điển hình như vào ngày 10-8-2018, Công an huyện Trảng Bom đã bắt giữ N.T.S. (16 tuổi, ngụ tại xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom) về hành vi tàng trữ trái phép 20 viên thuốc lắc và 15 gói ma túy. Theo lời khai của S., trước đó bị bạn bè lôi kéo nên nghiện ma túy. Do không còn tiền xài, S. bắt đầu lao vào buôn bán và trở thành chân rết cho các “đại lý” ma túy trên địa bàn.

Ngoài ra, một số trẻ vị thành niên vì nóng giận tức thời hay mâu thuẫn nhỏ cũng dẫn đến đánh nhau, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Cụ thể như vào ngày 4-1, T.H.H. (16 tuổi) và M.M.T (16 tuổi), cùng học tại một trường THPT trên địa bàn TX.Long Khánh, xảy ra mâu thuẫn trong lúc đá bóng. Sau khi tan học, vào trưa 5-1,  H. rủ thêm Th. (17 tuổi, anh trai H.) và một số bạn bè khác. T. rủ thêm Đ. (16 tuổi, đã nghỉ học, ngụ xã Suối Tre, TX.Long Khánh) cùng 12 đối tượng khác để đánh nhau. Hậu quả Đ. dùng dao đâm Th. tử vong.

* Đẩy mạnh công tác phòng ngừa

Theo ngành chức năng, để phòng ngừa tội phạm trong tuổi vị thành niên, ngoài công tác phòng ngừa tội phạm của ngành Công an, vai trò của gia đình, nhà trường rất quan trọng trong việc giáo dục, định hướng con em, học sinh ý thức được các hành vi của mình làm có đúng chuẩn mực đạo đức và pháp luật hay không; ngăn ngừa các em bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo vào con đường phạm pháp.

Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục (Viện Nghiên cứu) thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam vừa đi vào hoạt động tại Đồng Nai nhằm nghiên cứu các vấn đề về giáo dục học, tâm lý học và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm lý cho mọi đối tượng, nhất là với trẻ em. Viện Nghiên cứu còn tham gia nhiều hoạt động tư vấn, phổ biến kiến thức về tâm lý học.

Viện Nghiên cứu cũng vừa giới thiệu sách Hệ thống giải pháp phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó chú trọng đến việc phát huy vai trò chủ thể của chính bản thân người chưa thành niên. “Điều quan trọng trong hoạt động phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật chính là làm sao giúp họ hiểu được đâu là hành vi hợp pháp, đâu là hành vi vi phạm pháp luật, biết mình nên làm gì và không nên làm gì. Từ đó, sẽ hình thành cho các em ý thức tránh xa hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội sau này” - TS.Lê Minh Công, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nhấn mạnh.

Cũng theo TS.Lê Minh Công, ở Đồng Nai, để làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm vị thành niên, trong mỗi trường học cần xây dựng được một tổ, phòng tư vấn tâm lý cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Tổ tâm lý có chức năng tư vấn các vấn đề khó khăn về tâm lý, sức khỏe tâm thần của học sinh, đưa ra giải pháp cho phụ huynh và giáo viên. Điều này sẽ giúp phát hiện sớm, sàng lọc can thiệp những vấn đề về hành vi vi phạm pháp luật ở người chưa thành niên.

Phạm Huệ

Tin xem nhiều