Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ lợi ích người dân trong thời đại công nghệ

09:01, 14/01/2019

Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 đã tạo ra một hành lang pháp lý, là công cụ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng.

Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 đã tạo ra một hành lang pháp lý, là công cụ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng.

Một số tải khoản Facebook công khai hướng dẫn cách đánh bài gian lận. Đây là một trong những hành vi bị cấm được quy định rõ trong Luật An ninh mạng. (Ảnh minh họa).
Một số tải khoản Facebook công khai hướng dẫn cách đánh bài gian lận. Đây là một trong những hành vi bị cấm được quy định rõ trong Luật An ninh mạng. (Ảnh minh họa).

* Bảo vệ người dân trước những rủi ro

Trong thời gian qua, bên cạnh những thuận tiện trong các hoạt động giao dịch, mua bán, trao đổi, hoạt động kinh doanh, giải trí trên không gian mạng, người tham gia internet và mạng xã hội cũng đối diện với nhiều rủi ro như: bị giả mạo tên tuổi, bị chiếm đoạt tài khoản trên mạng xã hội để lừa đảo, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm hoặc bị lộ bí mật đời tư...

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 6-2018). Tại Điều 9, Luật An ninh mạng quy định: “Người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, một số người lợi dụng mạng xã hội, internet để rao bán hàng cấm như: bán pháo, bán tiền giả, bán vũ khí... hoặc đăng thông tin bịa đặt không được kiểm duyệt, công khai hướng dẫn cách đánh bài gian lận, đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy... Thậm chí, những đối tượng hoặc các thế lực thù địch còn lợi dụng không gian mạng để phát tán, đăng tải các thông tin phản động, chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước.  Như vậy, gần như trên tất cả các lĩnh vực đời sống không gian mạng đều có những ảnh hưởng nhất định; đặc biệt đời sống riêng tư, cá nhân rất dễ bị tác động.

Theo luật sư Hà Mạnh Tường, Đoàn Luật sư tỉnh, với sự ra đời của Luật An ninh mạng, các hành vi nêu trên đều bị cấm và có biện pháp xử lý theo quy định. Theo đó ngoài những hành vi vi phạm bị xử lý hành chính thì cũng có những hành vi sẽ bị xử lý hình sự tương ứng với mức độ mà người vi phạm gây ra.

* Xác định các hành vi bị cấm

Ông Mai Văn Sinh, Trưởng phòng Kiểm sát, giải quyết các vụ án lao động, kinh doanh, thương mại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhận định, Luật An ninh mạng ra đời không phải hạn chế quyền của người dân như một số đối tượng phản bác mà là một bước tiến để cụ thể hóa các quy định của pháp luật đã được nêu trong Hiến pháp năm 2013. Việc cụ thể hóa các quy định trên lĩnh vực quản lý, sử dụng mạng sẽ giúp định hướng và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của người dùng trước những tác động xấu từ bên ngoài thông qua hệ thống mạng. Ngoài ra, Luật An ninh mạng cũng sẽ là công cụ pháp lý giúp bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Để tránh vi phạm Luật An ninh mạng, người truy cập internet, tham gia mạng xã hội cần biết rõ các hành vi bị cấm được quy định rõ tại Điều 8, Luật An ninh mạng như: tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội…

Luật sư Hà Mạnh Tường nhấn mạnh: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội nhưng không được lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Nhà nước, kích động lôi kéo gây rối, bôi nhọ hay xúc phạm danh dự, uy tín, phẩm giá con người, thương hiệu của cơ quan, tổ chức và cá nhân khác”.

Danh Trường

Tin xem nhiều