Báo Đồng Nai điện tử
En

Vai trò "gác cổng" của tư pháp cấp huyện, cấp xã

10:12, 03/12/2018

Tại hội nghị giao ban chuyên đề về công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2018 do Sở Tư pháp vừa tổ chức tại huyện Xuân Lộc, nhiều thắc mắc của đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp làm công tác tham mưu cho HĐND, UBND cấp huyện, xã ban hành các văn bản QPPL đã được giải đáp.

Tại hội nghị giao ban chuyên đề về công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2018 do Sở Tư pháp vừa tổ chức tại huyện Xuân Lộc, nhiều thắc mắc của đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp làm công tác tham mưu cho HĐND, UBND cấp huyện, xã ban hành các văn bản QPPL đã được giải đáp.

Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã tham gia tập huấn về công tác xây dựng văn bản do Sở Tư pháp tổ chức.
Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã tham gia tập huấn về công tác xây dựng văn bản do Sở Tư pháp tổ chức.

Một số nội dung mà các đại biểu nêu ra tại hội nghị là: thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của cấp huyện, cấp xã; việc xác định một số văn bản có phải là văn bản QPPL hay không; cơ quan nào sẽ thực hiện thủ tục thẩm định các văn bản QPPL do Phòng Tư pháp cấp huyện chủ trì tham mưu soạn thảo...

* Thẩm quyền ban hành văn bản QPPL

Ông Ngô Văn Toàn, Phó giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, công tác pháp chế có vai trò, vị trí rất quan trọng trong nhiệm vụ hoàn thiện và xây dựng hệ thống pháp luật, nhất  là công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Hiện tại, đội ngũ làm công tác pháp chế của các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn nên chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác pháp chế còn chưa cao nên phải thường xuyên được tập huấn để thực hiện tốt hơn vai trò “gác cổng” của mình.

Về thẩm quyền ban hành văn bản QPPL, ông Từ Đình Khôi, Phó trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL Sở Tư pháp cho biết, Điều 30 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 quy định, HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao. Như vậy, kể từ ngày 1-7-2016, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 có hiệu lực quy định HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành văn bản QPPL khi được giao trong luật, không phải trong các loại văn bản khác.

Theo Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, UBND cấp huyện được ban hành văn bản QPPL để quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, thuộc trường hợp được luật giao.

đối với nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của cấp huyện, cấp xã về nguyên tắc, để xác định được chính xác khi nào là văn bản được ban hành dưới hình thức văn bản QPPL thì cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ quy định tại Điều 2 và Điều 3, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Điều 3 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

* Nâng cao vai trò “gác cổng”

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng thắc mắc đối với văn bản QPPL do Phòng Tư pháp cấp huyện chủ trì tham mưu soạn thảo thì trước khi ban hành, cơ quan nào sẽ thực hiện thủ tục thẩm định. Về nội dung này, ông Phan Quang Tuấn, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp cho biết, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 chưa quy định cụ thể đối với trường hợp văn bản QPPL do Phòng Tư pháp chủ trì soạn thảo thì việc thẩm định tiến hành như thế nào.

Ông Phan Quang Tuấn, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp trao đổi nghiệp vụ với công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã tại hội nghị giao ban.
Ông Phan Quang Tuấn, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp trao đổi nghiệp vụ với công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã tại hội nghị giao ban.

Do đó, để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, đối với dự thảo văn bản QPPL do Phòng Tư pháp chủ trì soạn thảo, Sở Tư pháp đề nghị Phòng Tư pháp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND cùng cấp thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định để tiến hành thẩm định theo quy định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua.

Một số cán bộ tư pháp ở các xã thì cho rằng việc dự thảo văn bản QPPL do cấp xã ban hành, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 không quy định việc lấy ý kiến của cán bộ Tư pháp - hộ tịch cấp xã, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng văn bản QPPL.

Ông Từ Đình Khôi, Phó trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL Sở Tư pháp giải thích, theo quy định từ Điều 142 đến Điều 145 của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 thì dự thảo nghị quyết của HĐND cấp xã, quyết định của UBND cấp xã do UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp trực tiếp tổ chức, chỉ đạo việc soạn thảo, lấy ý kiến. Công chức tư pháp - hộ tịch là công chức chuyên môn giúp việc cho UBND, Chủ tịch UBND nên đương nhiên phải có trách nhiệm tham gia soạn thảo, góp ý dự thảo văn bản theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND.

Với tinh thần đó, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP không tiếp tục quy định văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp xã phải được gửi lấy ý kiến của công chức tư pháp - hộ tịch như quy định trong Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày
6-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND.

Với hình thức tổ chức hội nghị giao ban theo chuyên đề về công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã giải đáp thỏa đáng những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác ban hành văn bản QPPL. Qua đó góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp làm công tác tham mưu ban hành văn bản QPPL, cũng là góp phần nâng cao chất lượng ban hành văn bản QPPL của cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích