Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý mạnh hơn với vi phạm nồng độ cồn

08:11, 01/11/2018

Dù biết điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia  dễ gây nguy hiểm cho bản thân và những người cùng tham gia giao thông trên đường nhưng nhiều người vẫn bất chấp.

Dù biết điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia  dễ gây nguy hiểm cho bản thân và những người cùng tham gia giao thông trên đường nhưng nhiều người vẫn bất chấp.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông tại huyện Định Quán.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông tại huyện Định Quán.

Thời gian qua có không ít người sau khi đã uống say vẫn cố cầm lái, chạy xe trên đường và gây ra những hậu quả đau lòng.

* Hậu quả nặng nề

Tối 30-4, Đ.T.N. (ngụ tại phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường Lê Văn Duyệt theo hướng cầu An Hảo ra quốc lộ 1. Khi đến gần khu vực cầu vượt ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa), xe ô tô của N. đã gây ra tai nạn liên hoàn với 4 phương tiện khác. Hậu quả, 1 thai phụ tử vong tại chỗ, 6 người khác bị thương. Nhiều nhân chứng cho biết, trước khi xảy ra sự việc trên, N. đã điều khiển xe ô tô chạy với tốc độ rất cao, gần như không làm chủ được tay lái. Bước xuống xe sau khi gây ra vụ tai nạn, hơi thở của N. nồng nặc mùi rượu, bia.

Ông N.T.Đ. (ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, chồng của thai phụ bị tai nạn) cho biết, vụ việc ngày hôm đó rất khủng khiếp. Ông Đ. không chỉ mất vợ, mà con gái và những người bà con trong cùng gia đình của ông đều bị thương nặng. Để không còn những câu chuyện đau lòng tương tự, ông Đ. mong muốn mọi người tham gia giao thông phải chấp hành đúng pháp luật quy định.

Theo quy định của pháp luật, việc điều khiển phương tiện giao thông khi nồng độ cồn vượt quá cao so với quy định thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền tối thiểu là 2-3 triệu đồng, tối đa 18 triệu đồng. Với những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, người điều khiển phương tiện gây tai nạn còn bị xử lý hình sự với mức án lên đến 10 năm tù.

Hơn nửa năm trời điều trị tại Bệnh viện quân y 7B (TP.Biên Hòa), ông Đoàn An Thông (ngụ xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) hằng ngày trải qua những cơn đau đớn do vết thương nặng gãy cả tay và chân. Trên đường đi từ TP.Biên Hòa về nhà, ông đã bị một người say rượu lái xe tông vào rồi bỏ chạy.

“Đến nay cơ thể tôi vẫn còn yếu, chưa thể làm việc nặng nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Kinh tế gia đình vốn đã khó khăn giờ càng bi đát hơn do phải đổ dồn tiền bạc vào chữa trị cho tôi. Cảm giác trở thành gánh nặng cho gia đình khiến tôi gần như suy sụp” - ông Thông tâm sự.

* Tăng cường xử lý “ma men”

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý trên 5 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, việc phát hiện các trường hợp lái xe sau khi sử dụng rượu, bia gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những người lái xe ô tô và việc xác định người vi phạm phải dùng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ. Không ít người điều khiển phương tiện không hợp tác, cố tình chống đối.

Trung tá Trần Trọng Thủy, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, để ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông xuất phát từ nguyên nhân do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia, lực lượng chức năng sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho người dân.

Bên cạnh đó, thời gian tới cảnh sát giao thông cũng sẽ phối hợp với các lực lượng khác tiến hành lập chốt tại các tuyến đường, địa bàn trọng điểm, những nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn để kiểm tra, xử lý, nhất là những giờ nghỉ trưa, chiều tối các ngày cuối tuần.

Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông do tài xế uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện trong thời gian qua, dư luận rất bức xúc và cho rằng cần phải phạt thật nặng người say xỉn lái xe hơn nữa. Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất áp dụng chế tài xử phạt mạnh tay hơn.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nếu lái xe mà nồng độ cồn cao ở mức nào đó thì có thể tịch thu phương tiện, thậm chí phạt hình thức khác như: lao động công ích hoặc bắt học lại mới cho nhận bằng. Ngoài phạt tiền thì đây cũng là hình thức để răn đe, tăng nhận thức và thay đổi hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông.

Thanh Hải

Tin xem nhiều