Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn những vướng mắc trong xử lý vi phạm về môi trường

10:11, 05/11/2018

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về môi trường. Mặc dù việc kiểm tra, xử lý được thực hiện thường xuyên, liên tục nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về môi trường. Mặc dù việc kiểm tra, xử lý được thực hiện thường xuyên, liên tục nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện nước thải chưa qua xử lý đổ ra mương thoát nước ở Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) vào tháng 4-2018.
Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện nước thải chưa qua xử lý đổ ra mương thoát nước ở Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) vào tháng 4-2018.

Thực trạng này đang đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng chức năng không chỉ là công tác nghiệp vụ mà còn là những quy định, chế tài để xử lý một cách triệt để các hành vi vi phạm.

* Đổ chất thải chưa xử lý ra môi trường

Một trong những vụ xả thải lớn bị xử lý trong năm 2018 là vụ xả khí thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường của Công ty TNHH Jungang Vina (huyện Nhơn Trạch) vào ngày 27-3. Trên cơ sở đó, lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt đơn vị này số tiền 200 triệu đồng.

Phạt vi phạm xả thải ra môi trường hơn 1,1 tỷ đồng

Theo thống kê của PC05 Công an tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay đơn vị này đã phát hiện 21 vụ vi phạm trong lĩnh vực môi trường như: xả nước thải, chất thải, khí thải ra môi trường. Qua điều tra, lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt 16 vụ với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Bên cạnh những công ty lén lút đổ chất thải ra môi trường còn có những doanh nghiệp để chất thải chảy ra môi trường do có “sự cố”. Gần đây nhất, ngày 16-10, cơ quan chức năng xác định Công ty TNHH Golden (đóng tại Khu công nghiệp Tam Phước TP.Biên Hòa) để một lượng nước thải chưa được xử lý có màu vàng, bốc mùi hôi thối chảy tràn ra đường mương hở (chảy dọc tuyến đường số 2, Khu công nghiệp Tam Phước). Nguyên nhân do công ty đang trong quá trình nâng cấp hệ thống xử lý nước thải nên để xảy ra sự cố.

Trước đó, tình trạng xả nước thải và chất thải rắn ra môi trường cũng xảy ra khá thường xuyên vào những tháng cuối năm 2017. Cụ thể vào ngày 12-12-2017, lực lượng trinh sát của PC05  phát hiện Công ty TNHH Havada Industries Việt Nam (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) xả nước thải chưa xử lý ra môi trường. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính công ty với số tiền 200 triệu đồng.

Cùng thời điểm cuối năm 2017, lực lượng công an cũng phát hiện Công ty TNHH sợi chỉ Việt Côn (huyện Nhơn Trạch) đang xả nước thải ra môi trường. Qua phân tích, lực lượng chức năng xác định nước thải của đơn vị trên vượt chuẩn cho phép nên đã xử phạt số tiền 168 triệu đồng.

* Khó khăn trong xử lý sai phạm

Thiếu tá Trương Anh Hào, Phó đội trưởng Đội 2 PC05 Công an tỉnh cho biết phần lớn các doanh nghiệp đều xây dựng, hình thành trong các khu công nghiệp có quy hoạch bài bản. Việc bảo vệ, giám sát các hoạt động tại các đơn vị này được thực hiện một cách chặt chẽ nên để xác minh, phát hiện các sai phạm về môi trường cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nếu có ý định xả thải cũng thường lợi dụng lúc đêm tối, trời mưa... để tránh bị phát hiện.

“Một số công ty còn bắt tay với các đơn vị hoặc cá nhân bên ngoài lập “khống” các hóa đơn, chứng từ để hợp thức hóa thủ tục khi bị lực lượng chức năng đến kiểm tra. Tuy nhiên, trên thực tế các đơn vị, cá nhân này không có chức năng, chuyên môn trong việc xử lý chất thải. Sau khi tiếp nhận nguồn chất thải, các đơn vị, cá nhân này hoặc mang đi bán hoặc lén lút đổ ra môi trường” - Thiếu tá Hào nói.

Những khó khăn khác mà lực lượng trinh sát về môi trường thường xuyên phải đối diện đó là thông tin chung như: lĩnh vực hoạt động, quy mô sản xuất, công nghệ... của các công ty, lực lượng công an thường không được tiếp cận. Chính vì vậy, để xác định sai phạm của một đơn vị nào đó gặp rất nhiều khó khăn. Đối với những vụ việc đã bị phát hiện, công tác xử lý, giám định, phân tích mẫu cũng mất nhiều thời gian. Đây là những khó khăn mà lực lượng chức năng thường gặp phải trong quá trình xử lý các vụ vi phạm về môi trường.

Về vấn đề này, Thượng tá Lương Đại Thủy, Phó trưởng phòng PC05 cho biết hiện nay lực lượng cảnh sát môi trường chỉ mới dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị sai phạm.

 Theo Thượng tá Thủy, Bộ luật Hình sự cũng đã có điều khoản quy định về các hành vi vi phạm về môi trường. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, chi tiết để áp dụng các điều luật này chưa được ban hành hoặc chưa có sự thống nhất. Đặc biệt, trên thực tế giám định viên tư pháp về lĩnh vực môi trường chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Chính những vướng mắc này đã khiến cho công tác xử lý các vụ vi phạm về môi trường còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trần Danh

Tin xem nhiều