Báo Đồng Nai điện tử
En

Đến tận ấp tư vấn pháp luật miễn phí

08:07, 24/07/2018

Dù làm việc không thù lao, kinh phí eo hẹp nhưng nhiều luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý hoạt động trên địa bàn tỉnh vẫn nhiệt tình đi cơ sở để trợ giúp, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân vùng sâu, vùng xa, công nhân, lao động...

Dù làm việc không thù lao, kinh phí eo hẹp nhưng nhiều luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý hoạt động trên địa bàn tỉnh vẫn nhiệt tình đi cơ sở để trợ giúp, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân vùng sâu, vùng xa, công nhân, lao động...

Luật sư Lưu Hồng Khanh, Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp lý cho người dân xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch).
Luật sư Lưu Hồng Khanh, Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp lý cho người dân xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch).

Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết trong chương trình hoạt động hằng năm của Hội đều có các chuyến đi về các ấp, xã vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền pháp luật kết hợp trợ giúp pháp lý.

* Hiệu quả những chuyến đi

Một trong những chuyến đi mà luật sư Vòng Khiềng, Hội Luật gia tỉnh đánh giá hiệu quả nhất là chuyến về tuyên truyền pháp luật ở khu định canh, định cư của đồng bào dân tộc thiểu số 2 huyện: Định Quán, Tân Phú. Qua gặp gỡ, nghe bà con trình bày sự việc, các luật sư đã tư vấn, tháo gỡ cho người dân nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Ông Viên Hồng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí từ các tổ chức Hội, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp cho người dân hiểu, chấp hành pháp luật, tránh những bức xúc không đáng có, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, hạn chế khiếu nại, tố cáo kéo dài...

Kết quả cụ thể mà Hội đã làm được trong chuyến đi nói trên là kiến nghị với UBND huyện Tân Phú cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho gần 1,3 ngàn trường hợp tại xã Tà Lài và được UBND huyện giải quyết xong. Ngoài ra, 59 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp Bon Gõ, xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú) định canh - định cư theo Chương trình 135 của Chính phủ từ năm 1978 được huyện hỗ trợ kinh phí để đo đạc, tiến tới cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Bên cạnh đó, Hội Luật gia tỉnh cũng giúp cho trên 150 trường hợp người dân tại các xã: Phú An, Phú Bình (huyện Tân Phú) và Thanh Sơn (huyện Định Quán) chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ vì bị cho rằng đất thuộc quyền quản lý của các đơn vị lâm trường, Ban Quản lý rừng phòng hộ 600, nay đã được địa phương và các đơn vị, ngành liên quan xem xét giải quyết.

Ông K’Mia (ấp 2, xã Phú An) cho biết nhờ luật sư về tư vấn, ông mới biết đất của ông khai phá, sinh sống ổn định mấy chục năm nay, không có tranh chấp, không thuộc quy hoạch thì đủ điều kiện làm giấy chứng nhận QSDĐ để vay vốn làm ăn. Suốt bao năm chờ đợi nay nhà ông đã làm xong thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ nên ông cũng yên tâm.

Trong thời gian qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) cũng thường tổ chức về tận ấp, xã vùng sâu, vùng xa, khu định canh - định cư của đồng bào dân tộc thiểu số dựng lều, kéo điện, kê bàn tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người dân. Có buổi tuyên truyền kéo dài đến 22 giờ vì người dân được những người có uy tín, trưởng ấp huy động đến quá đông.

* Niềm tin để lại

Luật sư Nguyễn Đức chia sẻ việc đến tận các ấp, xã vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền, tư vấn pháp luật nhằm giúp nhiều đối tượng yếu thế (người nghèo, người dân tộc thiểu số…) tiếp cận bài bản, kỹ lưỡng, có định hướng về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Qua đó giúp họ biết sử dụng đúng đắn, kịp thời quyền lợi được pháp luật bảo vệ khi phát sinh xung đột pháp lý trong cuộc sống.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều kênh tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân, công nhân lao động, những người yếu thế trong xã hội như: Hội Luật gia tỉnh, Hội Luật sư tỉnh, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (Liên đoàn Lao động tỉnh), Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp)...

Là đơn vị luôn sát cánh bảo vệ quyền lợi của người lao động, trong thời gian qua Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đã tư vấn, trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền lợi miễn phí cho hàng chục ngàn công nhân, lao động. Ngoài hoạt động tư vấn tại trung tâm, các luật sư còn xuống tận các khu nhà trọ để tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho công nhân, lao động sau giờ tan ca.

Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh, kết quả lớn nhất mà trung tâm này đã làm được chính là tạo được niềm tin của công nhân lao động vào trung tâm, giúp cho họ có niềm tin vào pháp lý, sống và làm việc theo pháp luật.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều