Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ an toàn những cây cầu cũ

09:07, 09/07/2018

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.Biên Hòa xảy ra các sự cố đáng lo ngại khi nhiều tàu, sà lan đâm phải thành cầu và trụ chống va, gây mất an toàn giao thông đường thủy và đe dọa đến sự an toàn của các cây cầu,...

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.Biên Hòa liên tiếp xảy ra các sự cố đáng lo ngại khi nhiều tàu, sà lan đâm phải thành cầu và trụ chống va. Điều này không chỉ gây mất an toàn giao thông đường thủy mà còn đe dọa đến sự an toàn của các cây cầu, đặc biệt là với những cây cầu cũ. 

tàu hàng
Tàu hàng Royal 09 Hải Phòng trôi tự do đâm vào thành cầu, trụ chống va đập của cầu Đồng Nai cũ vào ngày 15-4

Tuyến sông Đồng Nai qua TP.Biên Hòa hiện có 3 cây cầu cũ: cầu Rạch Cát có tuổi thọ hơn 100 năm; cầu Đồng Nai cũ và cầu Hóa An cũ cũng có tuổi thọ lên tới hàng chục năm.

* Tai nạn uy hiếp chân cầu

Cầu Đồng Nai cũ nằm trên quốc lộ 1, vị trí song song với cầu Đồng Nai mới, kết nối Đồng Nai với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc. Sau hàng chục năm đưa vào khai thác, cầu Đồng Nai cũ xuống cấp nghiêm trọng và sau đó được sửa chữa vào năm 2009. Trong thời gian qua, cây cầu này liên tục bị các tàu, sà lan đâm vào trụ chống va, thậm chí là thành cầu, đe dọa đến sự an toàn của cầu.

Sau nhiều vụ phương tiện đường thủy đâm, va vào thành cầu và trụ chống va liên tục xảy ra, Ban An toàn giao thông tỉnh vừa yêu cầu các ngành chức năng chủ động phương án tổ chức giao thông, điều tiết, phân luồng hợp lý, tránh các phương tiện đường thủy đâm, va gây mất an toàn cho các cây cầu, đặc biệt là tại cầu Hóa An cũ và cầu Đồng Nai cũ.

Cụ thể, vào ngày 24-6, sà lan tự hành số hiệu ĐN-1078 do thuyền trưởng Đinh Văn Huân (50 tuổi, quê Nam Định) điều khiển đi trên sông Đồng Nai, hướng từ cảng Hiệp Phước (TP.Hồ Chí Minh) ngược lên xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) để lấy hàng, khi đến km 34+300, đoạn thuộc phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) thì mất lái tông vào trụ chống va số 2 cầu Đồng Nai cũ. Cú tông mạnh khiến trụ chống va của cầu bị gãy chìm xuống sông, sà lan bị hư hỏng nặng.

Cách đó không lâu, vào chiều 15-4, tàu Royal 09 Hải Phòng sau khi xuống hàng ở Cảng Bình Dương xong, đang di chuyển về hạ nguồn thì bị mất lái nhưng không kịp thả neo nên đuôi tàu va vào khoảng thông thuyền, phần mũi tàu va vào trụ chống va cầu Đồng Nai cũ. Các cơ quan chức năng phải huy động 2 tàu kéo đến giải cứu tàu bị mắc kẹt ra khỏi vị trí trên.

Không chỉ cầu Ðồng Nai cũ, mà tại cầu Hóa An cũ cũng đã từng tạm đóng cửa sau khi người lái tàu say rượu để sà lan 400 tấn tông bể dầm cầu vào ngày 30-4-2014. Vụ việc không chỉ gây gián đoạn giao thông, mà việc khắc phục sự cố cũng thực hiện khá vất vả và tốn kém mới đưa cây cầu này đi vào hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, sự cố nghiêm trọng nhất là vụ sà lan đâm sập mố cầu Ghềnh cũ vào trưa 20-3-2016 khiến 2 nhịp cầu chính bị gãy sập xuống sông làm tuyến đường sắt Bắc - Nam tê liệt hơn 3 tháng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Đến nay, cầu Ghềnh mới đã được xây dựng xong và trong đó buộc phải có hệ thống chống va đập chân cầu để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

* Làm gì để bảo vệ cầu cũ?

Theo thông tin từ Ban An toàn giao thông tỉnh, 6 tháng đầu năm 2018 toàn tỉnh chỉ xảy ra một vụ tai nạn giao thông đường thủy. So với đường bộ, các vụ tai nạn đường thủy tuy không nhiều nhưng mỗi sự cố đều gây ra mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng (đặc biệt là các vụ tàu, sà lan đâm, va vào cầu). Trong khi đó, trên các tuyến đường thủy nội địa hiện nay không có báo hiệu giới hạn trọng tải hay kích thước phương tiện qua cầu mà chỉ cảnh báo, hạn chế tàu lớn đi vào luồng nhỏ.

Ông Phan Văn Hải, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cầu Ðồng Nai (DNC), cho biết phía DNC hiện đã lên phương án nâng cấp hệ thống trụ cảnh giới, bảo vệ chống va xô cho cầu Đồng Nai cũ. Bởi hiện nay khu vực cầu Đồng Nai chỉ có hệ thống cảnh giới. Đây là cách làm cũ, không có tác dụng bảo vệ cầu nếu xảy ra các sự cố va chạm, tai nạn.

Bên cạnh đó, DNC cũng có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông - vận tải bố trí, nâng cấp hệ thống các cọc tiêu, biển báo hiệu ở khu vực sông Ðồng Nai, đoạn qua TP.Biên Hòa để tàu, bè đi lại dễ phân biệt, lưu thông một cách an toàn hơn.

Với những cây cầu cũ, ngoài việc xây dựng trụ chống va cho trụ cầu, theo các chuyên gia giao thông nên làm các khung bảo vệ cầu để khi các tàu lưu thông qua cầu vào lúc triều cường lên nếu có chiều cao vượt quá so với cầu sẽ bị mắc phải phần khung nên cầu không bị ảnh hưởng gì.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã yêu cầu các ngành chức năng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: phân luồng, cắm biển báo ở những nơi có nguy cơ mất an toàn; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra ở những nơi dễ gây mất an toàn giao thông đường thủy; khẩn trương, nhanh chóng xây dựng các trụ bảo vệ chân cầu để hạn chế các phương tiện lưu thông đâm, va vào cầu. 

Sau các sự cố đâm, va vào các cây cầu nói trên, nguyên nhân chính được cơ quan điều tra đưa ra là do ý thức của người điều khiển phương tiện đã vi phạm các quy tắc an toàn khi điều khiển phương tiện. Vì vậy, ngoài lên phương án bảo vệ cầu thì việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông cho các chủ cơ sở vận tải, chủ tàu và người điều khiển phương tiện đường thủy cũng cần được chú trọng.

Thanh Hải

Tin xem nhiều