Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo cứu hộ, cứu nạn tại khu vui chơi

08:05, 10/05/2018

Thời gian gần đây, nhu cầu du khách khám phá các địa điểm du lịch thiên nhiên còn hoang sơ ngày càng tăng cao, nhất là các khu vực vui chơi gắn liền với sông, suối, ao, hồ tự nhiên được ưa chuộng.

Thời gian gần đây, nhu cầu du khách khám phá các địa điểm du lịch thiên nhiên còn hoang sơ ngày càng tăng cao, nhất là các khu vực vui chơi gắn liền với sông, suối, ao, hồ tự nhiên được ưa chuộng.

Nhân viên cứu hộ Khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền quan sát khách khi chơi ở thác. Ảnh: Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh cung cấp.
Nhân viên cứu hộ Khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền quan sát khách khi chơi ở thác. Ảnh: Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh cung cấp.

Để góp phần đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi tham quan, du lịch, phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) các địa phương đã phối hợp cùng đơn vị kinh doanh khu du lịch xây dựng, triển khai các phương án cứu nạn, cứu hộ tại chỗ.

* Nhân viên cứu hộ luôn sẵn sàng

Đứng trên bờ quan sát những du khách đang vui chơi dưới nước ở khu vực nhà phao liên hoàn, thỉnh thoảng ông Nguyễn Tiến (nhân viên cứu hộ Khu du lịch Suối Mơ, huyện Tân Phú) lại thổi còi nhắc nhở các du khách mải chơi mà có những hành động thiếu an toàn. Ông cho hay ở Khu du lịch Suối Mơ hiện có khoảng 20 nhân viên cứu hộ, chia thành các ca thay nhau trực. Riêng các dịp cuối tuần, ngày lễ, 100% nhân viên cứu hộ phải có mặt để đảm bảo an toàn cho du khách.

Đuối nước có thể làm nạn nhân tử vong chỉ trong vòng vài phút, chậm nhất là 5 phút đối với người có thể lực khỏe mạnh. Vì vậy, việc cứu nạn, cứu hộ phải được phát hiện và triển khai nhanh nhất có thể. Đó cũng là lý do lực lượng tại chỗ được coi trọng và phải phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ khi sự cố vừa xảy ra (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Giám đốc nhân sự Khu du lịch Suối Mơ Nguyễn Văn Hiệu cho biết riêng ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, nơi đây đón tiếp 3,6 ngàn lượt khách vui chơi. Vào các dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ dài ngày, số lượng khách có khi lên đến 17 ngàn khách. Điều này đặt ra áp lực khá lớn cho nhân viên cứu hộ, nhất là tại các nơi vui chơi gắn với nước tự nhiên.

Ông Hiệu cho hay: “Ngoài nhân viên cứu hộ thường trực khắp khu du lịch, khách trước khi xuống bơi lội, luôn bắt buộc phải mặc áo phao, nhất là tại khu vực nước tự nhiên khá sâu. Một số khách bơi trong khu vực hồ bơi cũng luôn được nhân viên cứu hộ quan sát, nhắc nhở khi đi vào khu vực nước sâu”.

Còn tại Khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền (huyện Trảng Bom), trung bình vào cuối tuần có hơn 1 ngàn lượt khách vui chơi/ngày. Vào mùa hè thì có các đoàn học sinh, sinh viên đến nhiều, số lượng sẽ đông hơn. Riêng tại khu vực thác cho khách đến tắm, khu du lịch luôn bố trí 4 nhân viên cứu hộ, nếu khách đông sẽ tăng thêm lực lượng để đề phòng sự cố.

Anh Trương Công Sơn (Tổ trưởng Tổ cứu hộ tại Khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền) cho biết: “Khi được nhận vào làm việc, các nhân viên cứu hộ đều được ban quản lý kiểm tra, huấn luyện bơi một lần nữa, đặc biệt là cách cứu người bị ngộp nước sao cho an toàn. Hàng ngày, chúng tôi đi vớt dị vật xuôi theo thác chảy vào nơi vui chơi, sau đó là kiểm tra các cây cầu tre, biển báo nguy hiểm. Đến chiều, gần tới giờ đóng cửa thì mời khách lên, trong suốt quá trình  khách vui chơi thì phải ngăn không cho trẻ em vào các nơi có độ sâu cho người lớn hoặc lúc nước chảy xiết”.

* Nâng cao ý thức của du khách

Những năm qua, các doanh nghiệp đầu tư du lịch tại Đồng Nai cũng đã chú ý hơn đến việc đảm bảo an toàn cho khách, nhất là các khu du lịch có liên quan đến sông, suối, ao, hồ tự nhiên. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cảnh sát PCCC tỉnh, một số khu du lịch vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn đuối nước trong lúc vui chơi như các khu du lịch có thác, ghềnh có địa hình dốc, nước chảy xiết.

Ông Nguyễn Tiến (trái), nhân viên cứu hộ Khu du lịch Suối Mơ hướng dẫn du khách mặc áo phao trước khi bơi.  Ảnh: Minh Thành.
Ông Nguyễn Tiến (trái), nhân viên cứu hộ Khu du lịch Suối Mơ hướng dẫn du khách mặc áo phao trước khi bơi. Ảnh: Minh Thành.

Thượng tá Trịnh Sỹ Quý (Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 5, phụ trách các huyện Tân Phú và Định Quán) cho hay hàng năm, đơn vị đều xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại các khu du lịch thuộc quyền quản lý. Qua đó, hướng dẫn các chủ cơ sở các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ, tai nạn đuối nước, đồng thời hướng dẫn cơ sở xây dựng phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ tình huống đuối nước”. Tuy nhiên, dù các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý khu du lịch có chuẩn bị tốt đến đâu thì điều quan trọng vẫn là ý thức của khách du lịch về việc tự đảm bảo an toàn cho bản thân, tuân theo hướng dẫn của nhân viên cứu hộ.

Thực tế, tâm lý của người vui chơi tại các khu du lịch đều khá chủ quan, chỉ tập trung chơi sao cho thỏa thích mà quên đi mối hiểm họa có thể xảy ra.

Thượng tá Trịnh Sỹ Quý khuyến cáo tai nạn khi vui chơi có thể xảy ra bất chợt từ những khoảnh khắc sơ ý nhỏ như: bạn bè tụ tập cùng ăn uống trên bờ, khi có bia, rượu vào cảm thấy nóng nực nên nhảy xuống bơi, thân nhiệt bị hạ đột ngột sẽ rất nguy hiểm; hoặc ở những nơi có ghềnh, thác, phụ huynh nếu không chú ý quan sát con cái cũng dễ xảy ra tai nạn vì những cú trượt chân hoặc mải chơi bơi ra chỗ nước sâu…

Anh Phan Văn Minh (ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, du khách tại Khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền) cho hay: “Tôi cùng bạn bè đi chơi, vì ai cũng biết bơi nên không thích mặc áo phao, vướng víu lắm. Sau đó được nhân viên ở đây nhắc nhở thì chúng tôi cũng mặc và chú ý tới mấy vị trí nguy hiểm, đúng là người đi chơi thường rất chủ quan, chỉ mải chơi vì mùa này nóng quá, thấy nước mát ai cũng ham mà quên mất nguy hiểm”.

Minh Thành

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích