Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi từ nhận thức

03:12, 14/12/2017

10 năm qua (từ năm 2007-2017), quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) được triển khai và thực hiện rộng khắp mọi nơi. Từ khởi đầu còn nhiều ý kiến băn khoăn, đến nay việc đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen của hầu hết người điều khiển xe máy khi lưu thông trên đường.

10 năm qua (từ năm 2007-2017), quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) được triển khai và thực hiện rộng khắp mọi nơi. Từ khởi đầu còn nhiều ý kiến băn khoăn, đến nay việc đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen của hầu hết người điều khiển xe máy khi lưu thông trên đường.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng tặng mũ bảo hiểm cho học sinh nhân dịp ra quân thực hiện “Năm An toàn giao thông 2017”.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng tặng mũ bảo hiểm cho học sinh nhân dịp ra quân thực hiện “Năm An toàn giao thông 2017”.

Sáng nào cũng vậy, trước khi đến cơ quan làm việc, anh Trần Văn Nhất (ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) đều chở 2 con đến trường. Mặc dù khoảng cách từ nhà đến trường chỉ vài trăm mét, nhưng anh vẫn đội mũ bảo hiểm và cài quai mũ cẩn thận cho các con.

* Coi trọng bảo vệ tính mạng

Anh Nhất cho hay lúc mới đội mũ bảo hiểm, các con của anh không muốn “phối hợp”. Sau nhiều lần thuyết phục và đổi những chiếc mũ nhiều màu sắc, hình dáng ngộ nghĩnh, 2 con của anh đã thuận theo. Từ đó trở đi, việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy trở thành thói quen không thể thiếu của mỗi thành viên trong gia đình anh. Có những hôm do vội vàng, anh chưa kịp lấy mũ bảo hiểm thì các con của anh nhắc ngay.

Tại Đồng Nai, số vụ tai nạn gây chết người hoặc bị thương có liên quan đến việc đội mũ bảo hiểm trong 10 năm qua là hơn 3,8 ngàn vụ, trong đó có 2.980 người chết và 4.020 người bị thương với các lỗi không đội mũ bảo hiểm, đội mũ không cài quai và không đúng chất lượng, không đúng kiểu mũ bảo hiểm.

“Lúc mới triển khai quy định đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy tham gia giao thông, tôi thường để đầu trần chạy xe, giờ ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm cảm thấy thiếu gì đó và chưa an tâm. Tất cả người thân trong nhà đều được tôi nhắc nhở phải đội mũ đầy đủ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính mình” - anh Nhất nói.

Điều trị tại Bệnh viện quân y 7B (TP.Biên Hòa), ông Đoàn An Thông (43 tuổi, ngụ xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ cách đây 3 tháng, trên đường đi từ TP.Biên Hòa về nhà, ông đã bị một người say rượu lái xe tông vào rồi bỏ đi. Sau vụ tai nạn, ông trải qua sự đau đớn với nhiều vết thương nặng do gãy cả tay và chân, phải nằm bất động tại chỗ. Điều may mắn là dù nhiều bộ phận trên cơ thể bị va đập mạnh dẫn đến thương tích, nhưng nhờ đội mũ bảo hiểm chất lượng nên phần đầu của ông không hề hấn gì.

Chiếc mũ bảo hiểm này được ông Thông mua mới với số tiền không nhỏ và sử dụng suốt 2 năm nay. Trước đó, ông chỉ dùng những chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng được bán tràn lan trên thị trường nhằm đối phó với cơ quan chức năng nếu bị kiểm tra. Nhưng từ lúc thấy một người hàng xóm tử vong do chấn thương sọ não khi bị tai nạn giao thông dù người này có đội mũ bảo hiểm, ông Thông mới quyết định sử dụng mũ bảo hiểm “xịn”.

Để không quên đội mũ bảo hiểm, ông Thông luôn treo chiếc mũ trên xe. Ông sẵn sàng từ chối việc cho người khác đi nhờ xe nếu họ không sử dụng mũ bảo hiểm, vì ngoài nguy cơ người điều khiển phương tiện bị phạt tiền còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe khi xảy ra sự cố. Ông cũng rất mừng khi cả người lớn và các cháu nhỏ hiện nay đều có ý thức đội mũ bảo hiểm. Phụ huynh đã quan tâm đến chuyện cần phải sử dụng mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn để phòng tránh những tai nạn khi xảy ra va chạm giao thông.

Ông Thông cho rằng: “Điều khiển xe máy đi trên đường ai cũng đội mũ bảo hiểm, nếu không dùng nó tôi thấy mình lạc lõng, thậm chí xấu hổ với mọi người. Tôi cũng yên tâm, không còn sợ bị cảnh sát giao thông thổi phạt vì lỗi không đội mũ bảo hiểm”.

* Nét đẹp trong văn hóa giao thông

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 80% số vụ tai nạn giao thông hiện nay liên quan đến giới trẻ, nhất là lứa tuổi 15-30. Nếu người tham gia giao thông được trang bị mũ bảo hiểm sẽ hạn chế được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra khi gặp tai nạn.

Người dân chọn mũ bảo hiểm tại chương trình đổi mũ bảo hiểm cũ lấy mũ mới, đạt chất lượng được trợ giá ở Đồng Nai vào năm 2015.Ảnh: T. hải
Người dân chọn mũ bảo hiểm tại chương trình đổi mũ bảo hiểm cũ lấy mũ mới, đạt chất lượng được trợ giá ở Đồng Nai vào năm 2015.Ảnh: T. hải

Sau 10 năm nỗ lực, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy lưu thông trên đường đã mang lại thành công và hiệu quả rõ rệt. Việc đội mũ không chỉ góp phần hạn chế những rủi ro do tai nạn giao thông, mà còn hình thành một nét đẹp trong văn hóa giao thông. Tỷ lệ người đi xe máy, xe đạp điện chấp hành việc đội mũ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 97%. Không chỉ khu vực đô thị mà ở vùng nông thôn, việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy cũng được người dân chấp hành với tỷ lệ 96%.

Trong 10 năm qua, lực lượng công an đã lập trên 515 ngàn biên bản xử phạt người tham gia giao thông vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm. Lực lượng quản lý thị trường (Sở Công thương) kiểm tra và phát hiện 133 vụ vi phạm về đăng ký kinh doanh; kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không dấu hợp quy… với gần 2,3 ngàn chiếc mũ giả bị tiêu hủy.

Phó trưởng ban chuyên trách, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Nguyễn Bôn chia sẻ ngoài việc tuyên truyền để người dân nhận thức việc đội mũ bảo hiểm trước tiên là để tự bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân mỗi khi tham gia giao thông thì nhiều chương trình “phổ cập” mũ bảo hiểm cũng được các sở, ban, ngành thực hiện.

Ban An toàn giao thông tỉnh đã triển khai nhiều chương trình đổi mũ bảo hiểm cũ lấy mũ mới có trợ giá, tặng mũ cho học sinh tiểu học trên địa bàn. Lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, trong đó có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm; hướng dẫn cách chọn mũ hợp quy tại các trường học, doanh nghiệp…

Theo ông Bôn, để việc đội mũ bảo hiểm trở thành nề nếp thì việc kiểm soát chất lượng mũ cũng cần được các cấp, ngành quan tâm; cần xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng. Mũ kém chất lượng, không đạt chuẩn tràn lan khiến lực lượng chức năng khi xử phạt trên đường gặp khó khăn do không phân biệt được mũ chất lượng và mũ không đạt chất lượng.

“Dù kết quả đạt được khá cao, nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân chưa tự giác chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy trên đường, nhất là vào ban đêm, trên các tuyến đường khu phố, đường nông thôn. Chế tài xử phạt đối với trường hợp người dưới 16 tuổi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm chưa đủ sức răn đe” - ông Bôn nhấn mạnh.

Thanh Hải

Tin xem nhiều