Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt khó với nghề cho thuê lưới

08:11, 09/11/2017

Hơn 10 năm qua, từ khi bỏ nghề nông, bỏ máy xay xát lúa, vợ chồng ông Trần Văn Ngọc (63 tuổi, ngụ tổ 7, ấp 2, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) bắt đầu với nghề cho thuê lưới đánh cá.

Hơn 10 năm qua, từ khi bỏ nghề nông, bỏ máy xay xát lúa, vợ chồng ông Trần Văn Ngọc (63 tuổi, ngụ tổ 7, ấp 2, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) bắt đầu với nghề cho thuê lưới đánh cá.

Ông Trần Văn Ngọc tỉ mỉ vá từng mắt lưới bị rách trước khi đem cất, chờ khách đến thuê. Ảnh: Đăng Tùng
Ông Trần Văn Ngọc tỉ mỉ vá từng mắt lưới bị rách trước khi đem cất, chờ khách đến thuê. Ảnh: Đăng Tùng

Từ chỗ không có kinh nghiệm đánh bắt cá, phải đặt lưới từ ngoài Bắc đưa vào Nam, đến nay ông Ngọc đã có thể làm lưới, vá lưới để cung cấp cho những người có nhu cầu thuê, mua lưới.

Long đong với nghề nông

Ông Ngọc kể, cuộc sống ở quê (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) khó khăn nên ông quyết định đưa vợ và 4 con vào đất Vĩnh Cửu lập nghiệp. Năm 1984, đất đai ở Vĩnh Cửu màu mỡ, giá thuê cũng rẻ, nhưng vì gia đình đông con nên 2 người “cày” cật lực vẫn không đủ sức nuôi 6 miệng ăn. Vậy là sau 3 năm làm ruộng, vợ chồng ông Ngọc quyết định mua máy xay xát để làm dịch vụ xay xát lúa gạo.

Ngoài việc cho thuê lưới, ông Trần Văn Ngọc còn nuôi đàn heo lai 70 con và 1 ao cá trê sau nhà. Với mức thu nhập khá từ nhiều năm bươn chải với các nghề, vợ chồng ông Ngọc đã nuôi dạy được 4 người con nên người, hiện tất cả đều lập gia đình và có công việc làm ăn ổn định. Ông Ngọc còn là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Tân, thành viên Câu lạc bộ Cựu chiến binh làm kinh tế xã Vĩnh Tân.

“Đầu tư vật liệu, máy móc trang bị cho việc xay xát lúa gạo mất hơn 3 cây vàng, nhưng vì xung quanh đây có nhiều chỗ xay xát lúa gạo nên thu nhập không bao nhiêu. Đầu những năm 2000, khi người dân quanh đây dần bỏ ruộng lúa thì việc xay xát lúa giảm hẳn. Đến năm 2005, chúng tôi bán luôn máy xay xát…” - ông Ngọc kể.

Bỏ trồng lúa và dẹp nhà máy xay xát sau hơn 20 năm vào Nam lập nghiệp, vợ chồng ông Ngọc quay sang mua heo về giết mổ để bán thịt. Tuy nhiên, do không đủ sức làm việc này lâu dài, vợ chồng ông đã sớm bỏ nghề mổ heo sau hơn 1 năm thức khuya dậy sớm.

Trong những lần gặp gỡ bạn bè, ông Ngọc nhận thấy khu vực Vĩnh Tân, thị trấn Vĩnh An và xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) có nhiều hộ dân làm ao nuôi cá giống và cá thương phẩm, nhưng đến khi thu hoạch lại thiếu lưới kéo cá. Chớp thời cơ, ông tìm đến nhà người bà con chuyên làm lưới ở huyện Thạch Thất (tỉnh Hà Tây cũ, giờ thuộc TP.Hà Nội) đặt mua lưới đem về cho thuê.

Mỗi tấm lưới thời điểm năm 2007 giá khoảng 10 triệu đồng, nay tăng gấp rưỡi và có nhiều kích cỡ, tùy thuộc diện tích ao, từ loại nhỏ 30m chiều dài, 6m chiều rộng đến loại lớn 140m chiều dài, 7m chiều rộng.

“Lúc đầu, vợ chồng tôi sắm 7 tấm lưới rồi chủ động tìm đến nhà một số người quen cho mượn lưới kéo cá. Dùng thử thấy lưới của chúng tôi thu hoạch cá hiệu quả cao hơn những loại lưới khác, cá nhỏ không bị kẹt vào lưới mà cá lớn không thoát nhiều nên họ rất ưng ý. Người dùng lưới thấy tốt truyền tai người kia, dần dần có nhiều người đến thuê lưới của chúng tôi, thậm chí có người mua lưới về sử dụng” - ông Ngọc bộc bạch.

Chuyện nghề với những tấm lưới cá

Ông Ngọc cho biết sau mỗi lần cho thuê, lưới thường dính lá cây, cá nhỏ… nên vợ chồng ông phải gỡ những thứ vướng lưới rồi đem giặt, phơi, vá lại nếu các mắt lưới bị bung rồi mới đem cất, chờ khách khác đến thuê.

. Vợ chồng ông Trần Văn Ngọc vệ sinh lưới sau khi cho khách thuê (ảnh: Đăng Tùng)
Vợ chồng ông Trần Văn Ngọc vệ sinh lưới sau khi cho khách thuê (ảnh: Đăng Tùng)

Kéo chiếc lưới lên cao để dùng vòi nước làm sạch, ông Ngọc kể chuyện cho thuê lưới kéo cá từ năm 2007. Cũng trong năm đó, ông mày mò học vá lưới, rồi tự tay làm những chiếc lưới sau vài tháng nghiên cứu.

Gần nhà có một người dân quê ở miền biển, quen việc chài lưới từ nhỏ nên ông Ngọc tìm đến nhà ông nhờ chỉ cách vá lưới, siết lại các mắt lưới bị bung. Ông ấy còn chỉ cho ông Ngọc biết sau khi kéo cá các vị trí nào trên tấm lưới hay bị hư hại nhất để kiểm tra kỹ.

Học được vài tuần, ông Ngọc đã có thể vá lưới thuần thục. Riêng việc làm một tay lưới hoàn chỉnh, ông phải mất vài tháng nghiên cứu và làm thử. Ông đã phải tháo bung tay lưới có giá gần 10 triệu đồng để học cách đan từng mắt lưới, sao cho duy trì mắt lưới mỗi cạnh chỉ 2,5cm mới đạt yêu cầu.

“Nghề đan lưới, vá lưới đòi hỏi sự tỉ mỉ. Đến nay, tôi có thể sửa lại những tay lưới đặt hàng từ ngoài Bắc mà chỉ bị sai vài lỗi nhỏ” - ông Ngọc vừa nói vừa nhanh chóng kết thúc công việc sau khi đã giặt sạch tấm lưới.

Sau 10 năm làm nghề cho thuê và mua bán lưới, vợ chồng ông Ngọc hiện có trên 70 tay lưới cho thuê xoay vòng, kiếm được thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều