Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy định xử phạt vi phạm thương mại điện tử

08:10, 05/10/2017

Lĩnh vực thương mại điện tử hiện nay đang được Chính phủ siết chặt trong quản lý. Những trường hợp vi phạm trong thương mại điện tử có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng.

Lĩnh vực thương mại điện tử hiện nay đang được Chính phủ siết chặt trong quản lý. Những trường hợp vi phạm trong thương mại điện tử có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng.

Hiện nay, những vi phạm về thương mại điện tử sẽ bị xử phạt theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó quy định rõ từng mức xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

* Các hành vi vi phạm

Trong nghị định này quy định những hành vi vi phạm gồm:

- Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

-  Hành vi kinh doanh dịch vụ cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm.

-  Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác.

-  Hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc lá, sản xuất, kinh doanh rượu, đầu cơ hàng hóa và găm hàng.

- Hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động trung gian thương mại, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

- Vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Vi phạm về thành lập và hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam và các vi phạm khác trong hoạt động thương mại.

Các vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại về kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; về giá, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ; về chứng từ, hóa đơn mua bán hàng hóa, dịch vụ; về đo lường hàng hóa; về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa lưu thông, kinh doanh trên thị trường; về nhãn hàng hóa; về sở hữu trí tuệ; về thủ tục đăng ký kinh doanh; về biển hiệu; về quảng cáo thương mại; về kinh doanh đấu giá hàng hóa; về mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới và các hành vi vi phạm khác thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Đối với các hành vi vi phạm các quy định chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh do hải quan phát hiện trên địa bàn hoạt động hải quan thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

* Đối tượng bị xử phạt hành chính

Những đối tượng bị xử phạt hành chính khi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện có hành vi vi phạm hành chính quy định tại nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam.

Cá nhân quy định tại nghị định này gồm cả hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Tổ chức gồm các tổ chức kinh tế là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã; các tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật và các đơn vị kinh doanh trực thuộc của các tổ chức kinh tế nói trên.

* Quy định rõ những vi phạm

Trong nghị định cũng giải thích rõ những từ ngữ cụ thể như: “Sản xuất” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng hóa. “Buôn bán” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông. “Hàng hóa lưu thông trên thị trường” gồm hàng hóa bày bán, vận chuyển trên đường, để tại kho, bến, bãi, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc địa điểm khác.

“Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” gồm giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; giấy phép đầu tư; giấy chứng nhận đầu tư; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức kinh tế và giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. “Giấy phép kinh doanh” gồm giấy phép sản xuất, kinh doanh; giấy phép, hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu và các giấy tờ khác mà cá nhân, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để hoạt động kinh doanh trừ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh quy định tại điều này.

“Hàng cấm” gồm hàng hóa cấm kinh doanh; hàng hóa cấm lưu hành, sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. “Hàng hóa nhập lậu” gồm: Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường. Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn. Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Tin xem nhiều