Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân

11:10, 01/10/2017

Luật Trưng cầu ý dân (có hiệu lực từ 1-7-2016) mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Trên thực tế, Hiến pháp nước ta từ lâu đã quy định về trưng cầu ý dân,...

Luật Trưng cầu ý dân (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Trên thực tế, Hiến pháp nước ta từ lâu đã quy định về trưng cầu ý dân, nhưng đến năm 2015 vấn đề trưng cầu ý dân mới được luật hóa cụ thể. Điều này góp phần tạo ra cơ sở pháp lý đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai Luật Trưng cầu ý dân đến cán bộ, công chức, đảng viên.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai Luật Trưng cầu ý dân đến cán bộ, công chức, đảng viên.

Ở Việt Nam, thuật ngữ “trưng cầu ý dân” thường được hiểu không đồng nhất. Một số người quan niệm “trưng cầu ý dân” là một hình thức lấy ý kiến nhân dân, mang tính chất “tư vấn” giúp chính quyền có thể đưa ra quyết định cuối cùng của mình. Trong khi đó, một số khác cho rằng “trưng cầu ý dân” là một hình thức nhân dân quyết định một vấn đề nào đó thông qua bỏ phiếu.

* Thế nào là trưng cầu ý dân?

Người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân (Điều 5): Cử tri trong trưng cầu ý dân cơ bản thống nhất như cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Theo đó: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1 và 2, Điều 25 của Luật này”.

Theo luật gia Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh), trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân giống nhau ở chỗ cùng hình thức để nhân dân phát huy quyền dân chủ trực tiếp tham gia, thể hiện ý kiến với Nhà nước. Còn bản chất của 2 khái niệm này hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước, có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc và phải do Quốc hội quyết định.

Còn vấn đề lấy ý kiến nhân dân có thể là các vấn đề ở mức độ, phạm vi khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực do nhiều cơ quan quyết định (có thể là vấn đề ở tầm quốc gia, hoặc chỉ là các vấn đề liên quan đến một hoặc một số địa phương).

Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến chia sẻ, trong trưng cầu ý dân, người dân thể hiện ý chí của mình thông qua việc bỏ phiếu kín. Còn trong lấy ý kiến nhân dân, các hình thức để người dân thể hiện ý chí thường linh hoạt hơn, như: bỏ phiếu, góp ý kiến qua văn bản hoặc phát biểu trực tiếp tại các hội nghị, cuộc họp…

Về góc độ đối tượng, trưng cầu ý dân duy nhất là các cử tri; còn đối tượng của việc lấy ý kiến nhân dân có thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình...

Cũng theo ông Viên Hồng Tiến, về giá trị pháp lý, trưng cầu ý dân có giá trị quyết định, có thể thi hành ngay đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu; còn kết quả lấy ý kiến nhân dân là cơ sở để cơ quan, tổ chức lấy ý kiến xem xét, quyết định.

Ông Tiến cho rằng, đặc điểm nổi bật của trưng cầu ý dân là người dân được trực tiếp quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình bằng lá phiếu biểu quyết; kết quả biểu quyết có tính tối thượng, phải tuân theo. Khi cuộc trưng cầu đó tiến hành đúng pháp luật, đã hợp pháp, hợp hiến thì người dân quyết định cuối cùng, không có cơ quan nào có quyền thay đổi quyết định đó.

Như vậy, trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân và kết quả của cuộc trưng cầu ý dân là kết quả cuối cùng để giải quyết vấn đề được đưa ra trưng cầu.

* Nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức

Hiến pháp năm 2013 đã quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm tổ chức trưng cầu ý dân. Vì trưng cầu ý dân là hoạt động không thường xuyên nên để phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Trưng cầu ý dân trao quyền này cho Quốc hội.

Để các cơ quan phụ trách tổ chức trưng cầu ý dân được tổ chức gọn nhẹ, hợp lý, việc tổ chức trưng cầu ý dân sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trực tiếp thực hiện và chỉ đạo việc tổ chức trưng cầu ý dân trên toàn quốc. Chính phủ là cơ quan phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tổ chức trưng cầu ý dân, việc tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương sẽ giao cho UBND các cấp thực hiện.

Luật gia Nguyễn Đức cho biết, Luật Trưng cầu ý dân cũng quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND các cấp có quyền thành lập hoặc phân công cơ quan chuyên môn trực thuộc để giúp việc trong tổ chức trưng cầu ý dân; việc thành lập tổ trưng cầu ý dân ở mỗi khu vực bỏ phiếu; trưng tập cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập để giúp thực hiện các công việc liên quan đến tổ chức trưng cầu ý dân. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân được quy định cụ thể từ Điều 18-21 của luật.

Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp, cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn: quyết định ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân, bỏ phiếu sớm, hoãn ngày bỏ phiếu, bỏ phiếu lại; chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức trưng cầu ý dân trong phạm vi cả nước; quy định về phiếu trưng cầu ý dân, mẫu thẻ cử tri trong trưng cầu ý dân; công bố kết quả trưng cầu ý dân trong cả nước và báo cáo Quốc hội về kết quả tổ chức trưng cầu ý dân tại kỳ họp gần nhất... (Điều 18).

Về phía Chính phủ, có nhiệm vụ, quyền hạn: chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp thực hiện các công việc trong tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật; bảo đảm về kinh phí và các điều kiện cần thiết khác phục vụ việc tổ chức trưng cầu ý dân; phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân... (Điều 19). Đồng thời, luật cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh (khoản 1, Điều 2); UBND cấp huyện (khoản 2, Điều 20); UBND cấp xã (khoản 3, Điều 20).

Riêng về Tổ trưng cầu ý dân, ông Trần Văn Út, Phó trưởng phòng Phổ biến, giáo dục  pháp luật Sở Tư pháp, cho biết luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưng cầu ý dân như sau: phụ trách công tác trưng cầu ý dân tại khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân; bố trí phòng bỏ phiếu và chuẩn bị hòm phiếu; nhận tài liệu và phiếu trưng cầu ý dân từ UBND cấp xã; phát thẻ cử tri, phiếu trưng cầu ý dân có đóng dấu của Tổ trưng cầu ý dân cho cử tri; kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu để gửi đến UBND cấp xã...

Đoàn Phú

Tin xem nhiều