Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiêu lừa "gửi quà tặng": Cũ nhưng vẫn bị lừa

07:10, 12/10/2017

Thời gian gần đây, nhiều người dân ở TP.Biên Hòa tiếp tục trở thành "con mồi" của bọn lừa đảo sử dụng chiêu "gửi quà tặng" rồi yêu cầu "nộp phí thông quan kiện hàng"...

Thời gian gần đây, nhiều người dân ở TP.Biên Hòa tiếp tục trở thành “con mồi” của bọn lừa đảo sử dụng chiêu “gửi quà tặng” rồi yêu cầu “nộp phí thông quan kiện hàng”...

Chứng từ thể hiện việc chị N.T.N. chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Chứng từ thể hiện việc chị N.T.N. chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Theo cơ quan công an, thủ đoạn này không mới nhưng kẻ gian đánh vào tâm lý ham tiền của bị hại nên nhiều người đã bị chiếm đoạt từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

* Thủ đoạn không mới

Đầu tháng 8-2017, một người ngoại quốc có tên Borzah Christina (Syria) kết bạn với chị N.T.N. (ngụ xã An Hòa, TP.Biên Hòa) qua mạng xã hội Facebook. Sau một thời gian trò chuyện qua lại, giữa 2 người trở nên thân thiết thì Christina gợi ý muốn gửi một kiện hàng sang Việt Nam và nhờ chị N. nhận giúp. Nghe người bạn ngoại quốc nhờ nhận giúp kiện hàng và nói sẽ sang Việt Nam nhận lại, chị N. đã chấp thuận, đồng thời cung cấp địa chỉ nhà chị cho Christina.

Ngày 28-8, chị N. nhận được điện thoại của một phụ nữ xưng là “nhân viên hải quan” đang làm thủ tục thông quan kiện hàng từ nước ngoài chuyển cho chị N. và yêu cầu chị phối hợp để làm thủ tục.

Ít giờ sau đó, “nữ nhân viên hải quan” gọi điện cho chị N. yêu cầu nộp 37,5 triệu đồng phí kiểm tra hàng mới chuyển hàng cho chị.

Nghi ngờ “nữ nhân viên hải quan”, chị N. gọi điện cho Christina xác minh thì người bạn ngoại quốc động viên chị cứ gửi giúp tiền phí, khi nhận lại hàng anh ta sẽ thanh toán cho chị.

Tin tưởng Christina, chị N. đã đến ngân hàng chuyển 37,5 triệu đồng vào tài khoản “nữ nhân viên hải quan” đã cung cấp cho chị trước đó. Nhưng vừa chuyển tiền chưa lâu, chị N. lại nhận được điện thoại của “nữ nhân viên hải quan” yêu cầu chị nộp thêm 137 triệu đồng mới nhận được kiện hàng.

Trước yêu cầu vượt quá khả năng của mình, chị N. đã từ chối và yêu cầu “nữ nhân viên hải quan” chuyển trả lại khoản tiền chị nộp trước đó. Đến lúc này, “nữ nhân viên hải quan” cắt đứt liên lạc với chị N.

Tương tự chị N., chị V.T.H. (32 tuổi, ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt gần 140 triệu đồng.

Ngày 13-9, chị H. được một người ngoại quốc tên Manson nhắn tin làm quen trên Facebook. Qua nhiều lần trao đổi, Manson khoe bản thân giàu có nên muốn làm việc từ thiện. Manson cũng ngỏ ý muốn gửi tặng chị H. một món quà và 15 ngàn USD để hỗ trợ gia đình chị.

Thấy người bạn mới quen đã nói chuyện tặng tiền và quà có vẻ không hay, chị H. đã từ chối nhưng anh ta vẫn một mực xin cho được địa chỉ nhà chị H. để gửi quà tặng.

Ngày 26-9, chị H. nhận được điện thoại của một “giao dịch viên tại Sân bay Nội Bài” cho biết đang làm thủ tục gửi kiện hàng quà tặng cho chị H. và yêu cầu chị phải trả phí 600USD.

Chị H. từ chối đề nghị của “giao dịch viên tại Sân bay Nội Bài” thì Manson nhắn tin nhờ chị trả giúp khoản phí 600USD này.

Không nỡ từ chối lời nhờ vả của người bạn ngoại quốc, chị H. mang hơn 13 triệu đồng đến ngân hàng chuyển khoản cho “giao dịch viên tại Sân bay Nội Bài” thì nhận được điện thoại của người này yêu cầu trả thêm “phí thông quan kiện hàng” và “đóng thuế thu nhập cá nhân”... Cùng với yêu cầu nộp phí từ “giao dịch viên tại sân bay Nội Bài” là những tin nhắn của Manson cho chị H. nhờ giúp đỡ vì “Tôi đang bận dự hội nghị ở Pháp”.

Theo chị H., sau nhiều lần “giúp bạn”, chị đã chuyển khoản cho “giao dịch viên tại Sân bay Nội Bài” gần 140 triệu đồng nhưng không nhận được quà của người bạn mới quen. Đến khi suy nghĩ kỹ, chị H. nhận ra mình đã bị các đối tượng lừa đảo “giăng bẫy” nên trình báo sự việc với cơ quan công an.

* Hàng chục người đã “sập bẫy” bọn lừa đảo

Theo một cán bộ điều tra Công an TP.Biên Hòa, qua thụ lý các vụ án đã xảy ra, cơ quan công an xác định hầu hết người dân bị lừa do kẻ gian đánh trúng tâm lý: dễ tin tưởng, thích được nhận quà, quà gửi có kèm theo tiền, vàng với giá trị lớn... Kẻ gian thường sử dụng mạng xã hội (như: Facebook, Zalo...) để giao tiếp với các bị hại. Trong thời gian làm quen với bị hại, chúng sẽ thâm nhập vào hộp thư riêng của bị hại để tìm hiểu mọi thông tin liên quan đến “con mồi”. Sau một thời gian trao đổi qua lại, khi mối quan hệ đã trở nên thân thiết, kẻ gian sẽ tìm một lý do nào đó để “tặng quà” cho người bạn “thân tình”, hoặc nhờ hỗ trợ tiền để “làm từ thiện”…

Theo điều tra, khi bắt đầu tiếp cận nạn nhân, kẻ gian thường giới thiệu là người ngoại quốc, Việt kiều, những người làm ăn thành đạt nhưng không có thời gian để tham gia các hoạt động từ thiện xã hội... để dễ lấy lòng tin của người bị hại.

Một trong những lý do để bị hại tin tưởng kẻ gian là chúng đã nắm bắt và hiểu khá rõ về đặc điểm, công việc, tính cách và cả các mối quan hệ xã hội của người bị hại. Quá trình trao đổi qua lại, kẻ gian thường đưa ra những lời khen, đánh giá trúng “tim đen” người bị hại nên nhiều người dễ tin. Ban đầu, kẻ gian gửi một món quà mang ý nghĩa tượng trưng làm tin, để rồi người bị hại sẽ dễ dàng tin tưởng và làm theo “kịch bản” mà kẻ gian đã vạch ra.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Công an TP.Biên Hòa đã tiếp nhận đơn thư tố cáo của hàng chục người bị lừa đảo (mỗi trường hợp từ 30-200 triệu đồng) với chiêu “tặng quà”. Các tài khoản kẻ gian yêu cầu người bị hại chuyển tiền vốn được chúng mua của công nhân (thẻ ATM) để dùng vào việc lừa đảo.

Trần Danh

Tin xem nhiều