Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung đảm bảo an toàn giao thông

11:09, 24/09/2017

Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay vẫn còn nhiều hạn chế: tỷ lệ giảm số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông còn thấp; còn xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng...

Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ đầu năm 2017 đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, như: tỷ lệ giảm số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông còn thấp; để xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng; ngập đường sau mưa lớn gây ách tắc; mất an toàn giao thông…

Tình trạng kẹt xe ở khu vực ngã tư Amata (TP.Biên Hòa) vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tình trạng kẹt xe ở khu vực ngã tư Amata (TP.Biên Hòa) vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Tin từ Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết 9 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 263 vụ tai nạn giao thông, làm chết 208 người, bị thương 176 người. Tuy tai nạn giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước, nhưng tình hình diễn biến rất phức tạp, bởi tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra 4 vụ, làm chết 8 người và bị thương 21 người (tăng 3 vụ, 6 người chết và 14 người bị thương so với cùng kỳ năm trước).

* Giảm nhưng chưa bền vững

Tại buổi sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng của năm 2017 vào ngày 22-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Cần phải tránh tình trạng cứ giao ban, cứ họp mà không biết nội dung nào đã thực hiện, làm được và chưa làm được. Những nội dung thực hiện chưa đạt yêu cầu, như: tăng cường hệ thống camera chung; truyền số liệu cân từ các mỏ đá về Ban An toàn giao thông tỉnh; xử lý các điểm đen tai nạn giao thông… cần phải khẩn trương làm ngay”.

Tai nạn giao thông đường bộ còn xảy ra chủ yếu ở địa bàn nông thôn và các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh. Trong đó, TP.Biên Hòa và huyện Tân Phú tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông. Chưa kể trên lĩnh vực đường sắt dù chỉ xảy ra 7 vụ, nhưng số người chết và bị thương vẫn còn cao.

Từ đầu năm 2017 đến nay, trên quốc lộ có 3 vụ ùn tắc giao thông thông nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do lượng phương tiện tăng cao, đường ngập nước…

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trịnh Tuấn Liêm đánh giá tai nạn giao thông giảm, nhưng chưa thực sự bền vững. Dù Đồng Nai liên tục kiến nghị về việc xử lý tình trạng ùn tắc và mất an toàn giao thông tại các nút giao: đường dẫn từ quốc lộ 51 lên đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ngã tư Vũng Tàu, quốc lộ 1 với đường Điều Xiển và một số vị trí trọng điểm khác, nhưng Bộ Giao thông - vận tải và nhà đầu tư vẫn chưa quan tâm.

Hiện nay, 10/11 vị trí đường ngang dân sinh ở Đồng Nai có tổ chức cảnh giới và đã được xây dựng chòi gác đầy đủ. Công tác giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông thực hiện quyết liệt và mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn ở các đường ngang dân sinh còn bị động, chưa linh hoạt. Các biện pháp bảo vệ, quản lý tại đường ngang đã được rào chắn, xóa bỏ chưa tốt. Hậu quả, nhiều nơi người dân vẫn tháo dỡ để lưu thông, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, việc tạo các lối đi tạm trong hành lang đường sắt của một số địa phương còn chậm.

Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã xử phạt trên 4 ngàn trường hợp xe vi phạm tải trọng, tạm giữ 117 phương tiện, tước giấy phép lái xe 594 trường hợp với tổng số tiền phạt gần 24 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra giao thông xử phạt trên 4 ngàn trường hợp quá tải trọng thiết kế, quá tải trọng cầu đường, chở hàng hóa rơi vãi gây mất an toàn giao thông.

Ngập nước trên quốc lộ 51 đoạn qua TP.Biên Hòa thời gian qua gây khó khăn cho người và phương tiện lưu thông. Ảnh: T.HẢI
Ngập nước trên quốc lộ 51 đoạn qua TP.Biên Hòa thời gian qua gây khó khăn cho người và phương tiện lưu thông. Ảnh: T.HẢI

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, vẫn còn một số phương tiện tìm đường né trạm cân, tự cơi nới thành, thùng xe để chở quá tải. Việc thực hiện chấn chỉnh tình trạng chủ cơ sở kinh doanh bốc xếp hàng hóa quá tải gặp nhiều khó khăn; phương tiện lưu thông từ tỉnh này nhưng lại bốc xếp hàng hóa tại địa phương khác nên không thể kiểm tra, xử lý.

* Cấp bách giải quyết vấn đề ngập nước

Để kiềm chế tai nạn giao thông đến mức thấp nhất trong 3 tháng còn lại của năm 2017 là một trong những vấn đề cần được quan tâm, bởi tình hình trật tự an toàn giao thông vốn rất phức tạp trong những tháng cuối năm.

Thời điểm này, việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển hành khách, nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến. Nếu không có những biện pháp quyết liệt và căn cơ thì khó đảm bảo mục tiêu kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông. 

Ông Trịnh Tuấn Liêm cho rằng, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ chủ động đề xuất các phương án, như: tăng cường kiểm tra bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục những biển báo bất hợp lý trên các tuyến đường bộ, chủ động phương án phân luồng, điều tiết giao thông; bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên tại các “điểm đen”, tuyến giao thông trọng điểm để đảm bảo an toàn và chống ùn tắc giao thông.

Với vấn đề “nóng” đường sá ngập nước, gây ách tắc giao thông thời gian qua, ông Liêm cho rằng ngoài ý thức của người dân chưa cao trong việc xả rác bừa bãi, nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống thoát nước nhiều nơi đã xuống cấp, nhỏ hẹp nên không đảm bảo thoát nước khi có mưa lớn.

“Tại TP.Biên Hòa, tình trạng ngập nước xảy ra ở các phường: Trảng Dài, Long Bình Tân, Quyết Thắng, An Bình… Tuy thành phố đã triển khai nhiều cách làm nhưng vẫn chỉ là tạm thời, chưa phải giải pháp căn cơ, lâu dài” - ông Trịnh Tuấn Liêm chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng cho rằng, một số vị trí ngập nước đã gây ra tắc nghẽn giao thông, nghiêm trọng nhất là trên quốc lộ 51 đoạn qua TP.Biên Hòa. Cần phải khẩn trương tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục, chủ yếu vẫn là khơi thông dòng chảy, cống ngang. Trong đó, TP.Biên Hòa phải quản lý chặt chẽ tình trạng người dân lấn chiếm dòng chảy để đổ rác, xây dựng công trình.

“Nếu vượt quá khả năng của địa phương thì báo về trung ương để giải quyết vấn đề này” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chỉ đạo.

Thanh Hải

Tin xem nhiều