Báo Đồng Nai điện tử
En

Lực lượng chữa cháy cơ sở phải được đầu tư mạnh

12:09, 02/09/2017

Trong công tác đảm bảo an toàn về cháy, nổ, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh luôn xác định công tác phòng ngừa là chính, nhưng cũng không coi nhẹ công tác chữa cháy.

Trong công tác đảm bảo an toàn về cháy, nổ, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh luôn xác định công tác phòng ngừa là chính, nhưng cũng không coi nhẹ công tác chữa cháy.

Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy kiểm tra bình chữa cháy được trang bị tại một công ty cung cấp gas ở TX.Long Khánh.
Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy kiểm tra bình chữa cháy được trang bị tại một công ty cung cấp gas ở TX.Long Khánh.

“Bà hỏa” có thể ập đến bất kỳ lúc nào nên dù phòng ngừa đến đâu vẫn có thể xảy ra cháy. Do vậy, việc chú trọng huấn luyện và trang bị, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy cho các đội PCCC cơ sở là điều rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

* Tập trung xây dựng lực lượng chữa cháy cơ sở

Đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, cho biết lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ngoài việc phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác trang bị, kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, còn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quy định này đến người đứng đầu các cơ sở.

Thông thường, khi đám cháy mới xảy ra, nếu được phát hiện kịp thời và có lực lượng, phương tiện tại chỗ thì việc dập tắt đám cháy rất nhanh và đơn giản.

Ngược lại, nếu không phát hiện (hoặc phát hiện không kịp thời) và tổ chức chữa cháy không hiệu quả, đám cháy sẽ bùng lớn, dẫn đến việc chữa cháy rất khó khăn, phức tạp, từ đó gây ra thiệt hại nghiêm trọng.

Do đó, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và hướng dẫn kiểm tra an toàn phòng cháy tại các doanh nghiệp, công ty, khu dân cư, công sở để nâng cao khả năng ứng phó của các đội PCCC cơ sở; qua đó người đứng đầu các đơn vị nói trên thấy được lợi ích của công tác chữa cháy ban đầu và tổ chức, đầu tư đội PCCC cơ sở cho phù hợp.

Ông Phạm Quốc Nam, Trưởng phòng Sản xuất kiêm Đội trưởng Đội PCCC cơ sở Công ty Inzivina (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa), cho biết, đội PCCC cơ sở của công ty có 30 người, chia đều các bộ phận và chia ra mỗi ca trực 10 người. Ngoài bình chữa cháy xách tay và các hệ thống PCCC, đội còn trang bị mũ, quần áo bảo hộ chữa cháy để ở Phòng Bảo vệ của công ty.

"Ngoài việc huấn luyện và tham gia hội thao do Cảnh sát PCCC tổ chức, mỗi quý chúng tôi đều tự tổ chức tập luyện cho toàn đội. Qua đó, nắm bắt được cách xử lý tình huống của anh em, ai yếu chỗ nào sẽ khắc phục ngay. Công ty cũng dự trù kinh phí đầu tư thêm đồ bảo hộ chữa cháy cho lực lượng PCCC cơ sở để đáp ứng kịp thời khi không may xảy ra sự cố” - ông Nam chia sẻ.

Ông Nguyễn Trần Huy, Trưởng phòng An toàn - môi trường, Chi nhánh Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam tại Đồng Nai, cho biết từ việc nhận định đúng tình hình thực tế của chi nhánh, công ty đã bố trí thêm các bình chữa cháy, trang bị thêm phương tiện cho lực lượng PCCC cơ sở.

Hàng tháng, Đội PCCC của công ty đều đặn tập các thao tác liên tục 45 phút. Vào mỗi năm, trước khi đem bình chữa cháy đi nạp lại, lãnh đạo công ty đều đem cho lực lượng PCCC cơ sở tập luyện làm quen và dùng đến cạn bình chữa cháy để vừa tiết kiệm vừa nâng cao khả năng thực tế của lực lượng PCCC cơ sở.

* Còn nhiều hạn chế cần khắc phục

Đại tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, cho biết ngoài những cơ sở thực hiện tốt việc bảo quản, trang bị dụng cụ, phương tiện PCCC, có nhiều cơ sở lơi lỏng việc này. Nhiều nơi giao cho nhân viên kiêm nhiệm thêm việc quản lý về công tác PCCC tại chỗ.

Do phải thực hiện nhiệm vụ nên một số đơn vị không nắm rõ thời hạn kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện chữa cháy dẫn đến chất lượng của phương tiện kém đi. Thậm chí, một số đội PCCC cơ sở thành lập chỉ mang tính hình thức, trên giấy tờ, không tổ chức thực hành để sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy tại chỗ, nên một số đội viên đội PCCC cơ sở không biết sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ.

Là một trong những đơn vị trực thuộc Cảnh sát PCCC tỉnh, hiện nay Phòng Cảnh sát PCCC số 6 (phụ trách huyện Long Thành) quản lý 5 khu công nghiệp và trên 500 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC (trong đó có 203 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ).

Qua kiểm tra tại 147 cơ sở thuộc các khu công nghiệp, Phòng Cảnh sát PCCC số 6 phát hiện 14 cơ sở (đều thuộc Khu công nghiệp Long Thành) chưa quan tâm đúng mức việc bảo dưỡng phương tiện PCCC, chỉ kiểm tra nếu phát hiện hư hỏng, không sử dụng được mới tiến hành bảo dưỡng; hoặc khi có đoàn kiểm tra về công tác PCCC kiến nghị mới tiến hành bảo dưỡng phương tiện PCCC thông dụng tại cơ sở.

“Khi kiểm tra tại 135 cơ sở là doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vừa và nhỏ nằm ngoài khu công nghiệp thì có đến 97 cơ sở chưa quan tâm đúng mức; chỉ kiểm tra, bảo dưỡng nếu phát hiện hư hỏng hoặc được đoàn kiểm tra về PCCC kiến nghị. Vì vậy, khi đến làm việc tại các cơ sở, chúng tôi luôn yêu cầu lãnh đạo cơ sở có kế hoạch dự trù kinh phí mua sắm thiết bị PCCC; phương tiện, dụng cụ PCCC phải đầy đủ, đảm bảo hoạt động theo chế độ trực chiến, không dùng vào mục đích khác” - Trung tá Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 6, chia sẻ.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều