Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để "lạc" giữa xa lộ thông tin

11:09, 08/09/2017

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin chưa từng có. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên vẫn có lúc bị mê hoặc, nhầm lẫn, "đánh bùn sang ao", dẫn đến bị dao động,..

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin chưa từng có. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ trong chúng ta, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên vẫn có lúc bị mê hoặc, nhầm lẫn, “đánh bùn sang ao” dẫn đến bị dao động, hoang mang, lo lắng trong thế giới nhiễu loạn thông tin.

Việc thiếu thông tin chính thống, đúng bản chất sự việc và thiếu định hướng đúng đắn là nguyên nhân chính dẫn đến những suy nghĩ, phát ngôn tiếp theo và hành động trái với những gì đã và đang diễn ra, làm méo mó, sai lệch về bản chất của sự việc.

* Lạc lối do mù mờ thông tin

Để góp phần đấu tranh làm thất bại ý đồ đen tối của các đối tượng, nhất là hoạt động kêu gọi người dân gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hiện nay thì mỗi người dân phải tỉnh táo, thận trọng, không bị cuốn theo những thông tin xấu, độc hại, thất thiệt, gây hoang mang. Mặt khác, cơ quan, ban, ngành chức năng địa phương cũng rất cần chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, nhất là những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề mới, những điểm nóng, vấn đề nóng nổi cộm ở tường địa phương, từng khu vực, ấp, xóm, khu dân cư... để người dân không bị lạc vào mê hồn trận tin xấu, xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ.

Đôi khi chỉ là một thông tin nhỏ, nhưng khi được đưa lên trang mạng xã hội của một cá nhân nhằm câu view,  sau đó được nhân bản ra cho rất nhiều người; rồi có những người hoặc vô tình hoặc cố ý tiếp tay đưa thông tin lệch chuẩn nhằm mục đích lợi nhuận làm méo mó vấn đề.

Cách đây hơn 1 tháng, mạng xã hội lan truyền cái gọi là bản “Thông báo của Ban Chỉ huy quân sự phường 13, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh về việc sẵn sàng trực chiến đấu bảo vệ đơn vị, phòng chống biểu tình, bạo loạn xảy ra trên địa bàn… trong thời gian tới sẽ diễn ra nhiều tình huống phức tạp với Hải Dương 760 của Trung Quốc tại Biển Đông”(!?).

Từ facebooker Nguyễn Hữu Vinh (blogger Ba Sàm) đưa lên, thông tin về văn bản được các đối tượng Bùi Thanh Hiếu, Nguyễn Lân Thắng, Đinh Tấn Lực… chia sẻ về facebook cá nhân kèm theo những lời vu cáo trắng trợn rằng: “quân đội Việt Nam hèn với giặc, ác với dân”; “kêu gọi trực chiến để chống lại dân đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược”; “toàn quân được lệnh chiến đấu chống lại toàn dân để bảo đảm an toàn cho giàn khoan của Trung Quốc…”.

 Những vu cáo trắng trợn thiếu căn cứ đó lại được những người nhẹ dạ cả tin, những kẻ hằn học chính trị, bất mãn chế độ, những kẻ thừa cơ “đục nước béo cò” chống phá Đảng và Nhà nước “thêm mắm dặm muối” khoét sâu vào sự bức xúc của dư luận để kích động biểu tình chống phá, gây rối an ninh trật tự.

* Vô tình “nối giáo” cho kẻ cơ hội

Trong cuộc sống hiện đại, các phương tiện thông tin đa dạng và phong phú, nhanh nhạy. Cũng bởi thế, hễ có bất cứ vụ việc gì, chưa biết phải trái đúng sai thế nào, những kẻ cơ hội luôn rình rập, chớp thời cơ tung tin thất thiệt, có lợi cho chúng. Mục đích của chúng là tạo ra những tin đồn ác ý, làm nhiễu loạn thông tin, rối ren tình hình, đánh tráo khái niệm, một thổi thành mười, mười thổi thành một trăm, một ngàn... để hiểu sai bản chất sự việc.

Khi số đông nhảy vào hùa theo đến mức tình hình khó kiểm soát thì dường như cả cộng đồng đã mắc mưu của chúng, làm theo sự kích động của chúng, và đó là cách mà chúng “chờ đợi chiến thắng”. Nếu cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng chính thống không kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý rốt ráo sự việc thì tác hại của thông tin thất thiệt là khôn lường. Đó là điều chúng ta phải hết sức cảnh giác.

Tình hình thực tế những năm qua cho thấy, các thế lực thù địch, kẻ cơ hội chính trị đặc biệt lợi dụng internet, các trang mạng xã hội, đã lập ra hàng trăm website xuất hiện ngày càng nhiều thông tin sai trái, phản động, nhằm thực hiện ý đồ chống phá cách mạng nước ta.

Nội dung chống phá tập trung vào phát tán những tin, bài, tài liệu thất thiệt, sai trái để xuyên tạc, bóp méo sự thật, thổi bùng các vấn đề kinh tế - xã hội trong nước, những vấn đề kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế ở địa phương… gây tâm lý bi quan, hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, thực hiện mưu đồ xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Các thế lực thù địch lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo” để vu cáo, gây sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế, tạo áp lực với Đảng, Nhà nước ta, từng bước hòng chuyển hóa sang chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ danh dự các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Điều đáng nói là không ít trong số chúng ta nông nổi, ngộ nhận, a dua, có những phát ngôn thiếu suy nghĩ chín chắn, dẫn đến sự tiếp tay cho những thông tin thất thiệt, những tin đồn ác ý như bắt cóc, tống tiền, đánh đập người đến địa phương một cách vô tội vạ khi chưa đủ căn cứ xác đáng, làm tình hình nhiễu loạn thông tin càng thêm khó lường.

* Sớm nhận rõ và có biện pháp hữu hiệu

Một khi nhu cầu về thông tin được đáp ứng thì những thông tin sai trái, bịa đặt, vu khống chắc chắn sẽ không có đất sống. Khi đó, người dân không chỉ không nghe, không tin theo luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, mà còn trở thành cánh tay đắc lực của Đảng, Nhà nước trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần đập tan mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu...

Đấu tranh chống các thông tin sai lệch, các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch trên lĩnh vực thông tin, nhận thức tư tưởng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng hiện nay nhằm vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; giữ vững thành quả cách mạng của dân tộc, của từng địa phương, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, vì mục tiêu ổn định và phát triển; ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần ổn định và dựng xây đất nước.

Nhận rõ tính chất thâm độc, nham hiểm của việc gây nhiễu loạn thông tin là mầm mống của các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, các cơ quan chức năng không ngừng tăng cường các biện pháp, tạo điều kiện,  hành lang pháp lý phù hợp cho báo chí tiếp cận, nắm bắt thông tin, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát tình hình, bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý rốt ráo những vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi có sự lơ là, thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, đôn đốc, bám nắm địa bàn, đội ngũ cán bộ các cấp chưa kịp thời nắm chắc diễn biến tình hình cơ sở…

Mặt khác, ở một số nơi trong thi hành công vụ, vẫn còn nhiều vụ việc liên quan gây bức xúc nhân dân mà không được kiểm soát hết, từ vấn đề nhỏ trở thành to, trở thành điểm nóng, trở thành kẽ hở cho những kẻ cơ hội lợi dụng tung tin thất thiệt, gây nhiễu loạn thông tin.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” chống phá ta trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực thông tin nhạy cảm về kinh tế - xã hội, về văn hóa, nhận thức, tư tưởng.

Do vậy, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” nói chung và các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng phải gắn việc đẩy mạnh đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay.

Một trong những biện pháp cơ bản là phải chủ động nắm bắt diễn biến tình hình địa bàn, cơ sở, kịp thời có thông tin chính thức về những vấn đề nảy sinh. Hơn lúc nào hết, người đứng đầu các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm thông tin một cách đầy đủ, rõ ràng, công tâm, trách nhiệm trước những vấn đề mà nhân dân có nhu cầu.

Những lời hứa trước nhân dân phải được xử lý rốt ráo, minh bạch, kịp thời, tạo niềm tin trong nhân dân và làm cơ sở dập tắt mọi đồn đoán trong dư luận, dập tắt những thông tin sai lệch.

Việc cần phải làm hiện nay là ngoài các quy định cụ thể về việc cung cấp thông tin, đưa thông tin đầy đủ, chính xác của các cơ quan chức năng thì việc kiểm tra thông tin cũng rất đáng làm. Từng thôn ấp, bản làng ngoài việc tự quản, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, nhất thiết phải có được những người có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Nguyễn Minh Đức

(Trường đại học Nguyễn Huệ)

Tin xem nhiều