Báo Đồng Nai điện tử
En

Để tháng cao điểm về an toàn giao thông hiệu quả

11:09, 20/09/2017

Tháng 9 hàng năm được chọn làm Tháng An toàn giao thông. Đây được coi là thời điểm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông....

Tháng 9 hàng năm được chọn làm Tháng An toàn giao thông. Đây được coi là thời điểm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) nhằm đẩy mạnh các hoạt động của Năm An toàn giao thông với mục tiêu tính mạng con người là trên hết.

Lực lượng cảnh sát giao thông ra quân thực hiện tháng cao điểm về an toàn giao thông.
Lực lượng cảnh sát giao thông ra quân thực hiện tháng cao điểm về an toàn giao thông.

* Tình hình giao thông phức tạp

Trong 8 tháng của năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 241 vụ TNGT, làm chết 190 người, bị thương 168 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm được 18 vụ tai nạn, giảm 20 người chết, nhưng số người bị thương tăng 18 người. Đặc biệt, thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người.

Trên các tuyến quốc lộ, có những “điểm đen” về TNGT tồn tại đã lâu nhưng chưa được xóa bỏ; điểm này vừa xóa thì phát sinh “điểm đen” mới. Đây chính là những khu vực được xác định tiềm ẩn nhiều nguy cơ về TNGT.

Tại buổi làm việc với TX.Long Khánh, Trạm Cảnh sát giao thông Suối Tre (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh) và các bên liên quan, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Trịnh Tuấn Liêm đề nghị cần phải xử lý những vấn đề “nóng”, những tồn tại chưa giải quyết, như: mưa ngập đường gây kẹt xe, ổ gà, vệt lún bánh xe; hệ thống đèn chiếu sáng; bổ sung biển báo mới cho phù hợp theo quy chuẩn mới…

Ngay tại nút giao thông ngã tư Vũng Tàu, dù đã được đầu tư cầu vượt, xây dựng hầm chui và cải tạo mặt đường cũng như điều chỉnh hệ thống biển báo, vạch sơn cho đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế, nhưng tình hình giao thông tại đây vẫn rất phức tạp.

Thời gian qua, khu vực này đã xảy ra tới 6 vụ TNGT, làm chết 4 người và 5 người bị thương.

“Xe máy lưu thông từ quốc lộ 51, TP.Hồ Chí Minh vào trung tâm TP.Biên Hòa vẫn gặp nguy hiểm và lúng túng khi phải đối đầu với hàng loạt ô tô từ xe tải đến xe khách các loại. Các phương tiện không nhường nhịn nhau mà mạnh xe nào xe nấy chạy” - ông Đoàn Ngọc An (ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho biết.

Còn tại khu vực cầu vượt Amata, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên diễn ra vào giờ cao điểm. Nguyên nhân là do mật độ lưu thông dưới cầu vượt vẫn chiếm chủ yếu, lượng công nhân tập trung về đây quá đông. Bên cạnh đó, dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần phối hợp kiểm tra, điều chỉnh hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Mới đây, UBND tỉnh đã có kiến nghị với Bộ Giao thông - vận tải về việc cần thiết phải xây dựng hầm chui cắt ngang cầu vượt Amata theo hướng từ đường Đồng Khởi vào Khu công nghiệp Amata để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực này.

Trong khi đó, tình hình trật tự lòng, lề đường chưa có chuyển biến nhiều, vi phạm ở nhiều nơi còn diễn ra một cách phổ biến, gây mất an toàn giao thông. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là trên các tuyến quốc lộ còn bất cập. Nhiều vị trí ngập nước, hư hỏng mặt đường chưa được khắc phục khiến người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn.

Còn trên tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tình trạng các phương tiện dừng, đậu không đúng quy định có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT. Đoạn đường dẫn từ quốc lộ 51 lên cao tốc nhỏ, hẹp không đảm bảo bề rộng mặt đường khiến xe cộ lưu thông khó khăn, thường xuyên gây ùn tắc nghiêm trọng.

* Kiềm chế tai nạn

Trong 3 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, việc lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông tích cực hoạt động, phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm giao thông đã góp phần giữ vững trật tự an toàn giao thông. Toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ TNGT đường bộ làm 1 người chết (tăng 1 người chết, giảm 5 người bị thương so với cùng thời điểm năm ngoái); lĩnh vực đường sắt và đường thủy không xảy ra TNGT.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, hiện số lượng xe máy trên địa bàn Đồng Nai khá lớn. Đây cũng là loại phương tiện chủ yếu liên quan đến các vụ TNGT. Trong Tháng An toàn giao thông năm nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường tuần tra kiểm soát đối với loại phương tiện này.

Lực lượng chức năng cũng bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các vị trí quan trọng, như: tuyến quốc lộ 1 từ khu vực cầu Sập (TP.Biên Hòa) đến huyện Trảng Bom; một số “điểm đen” thường xuyên xảy ra tai nạn trên các tuyến đường: Võ Nguyên Giáp, quốc lộ 51, quốc lộ 20…

Điểm đặc biệt của Tháng An toàn giao thông năm nay còn có sự phối hợp chặt chẽ giữa công an các đơn vị, địa phương, công an các phường, xã có tuyến quốc lộ đi qua nhằm tập trung xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn.

Thượng tá Võ Đình Thường, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, cho biết thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng khác nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở để nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện.

“Các vi phạm, như: chạy quá tốc độ, đi sai làn, đi sai phần đường, vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, sử dụng phương tiện không bảo đảm kỹ thuật để chở khách... được xử lý quyết liệt, từ đó góp phần làm giảm TNGT trên toàn tỉnh” - Thượng tá Võ Đình Thường nhấn mạnh.

Thanh Hải

Tin xem nhiều