Báo Đồng Nai điện tử
En

Bực mình khi dừng đèn đỏ

11:09, 04/09/2017

Đèn giao thông chuyển màu đỏ cũng là lúc đèn ưu tiên tại một số tuyến đường cho phép xe 2 bánh được phép rẽ phải, nhưng những xe phía sau lại bị dòng phương tiện ở phía trước chặn lại.

Đèn giao thông chuyển màu đỏ cũng là lúc đèn ưu tiên tại một số tuyến đường cho phép xe 2 bánh được phép rẽ phải, nhưng những xe phía sau lại bị dòng phương tiện ở phía trước chặn lại.

Làn xe rẽ phải khi đèn đỏ ở khu vực ngã tư Amata (TP.Biên Hòa) bị bít lối khiến những xe phía sau không vượt lên được dẫn đến tình trạng kẹt xe như cơm bữa tại đây.
Làn xe rẽ phải khi đèn đỏ ở khu vực ngã tư Amata (TP.Biên Hòa) bị bít lối khiến những xe phía sau không vượt lên được dẫn đến tình trạng kẹt xe như cơm bữa tại đây.

Bất chấp các xe rẽ phải đã bật đèn xi-nhan, bấm còi ầm ĩ, đáp lại là thái độ im lặng, làm ngơ của những người điều khiển phương tiện dừng đèn đỏ phía trước. Thói quen dừng đèn đỏ, chắn ngang làn rẽ phải của nhiều người đã khiến tình trạng kẹt xe tại một số nút giao thông trở nên nghiêm trọng.

* “Chắn” đường gây… kẹt xe

Ngoài việc dừng vào phần đường ưu tiên cho các phương tiện được rẽ phải, nhiều người tham gia giao thông còn bấm còi inh ỏi khi đèn đỏ còn 3-5 giây, thậm chí chạy vượt luôn đèn đỏ. Đây là những hành vi không đẹp của nhiều người tham gia giao thông hiện nay.

Ở TP.Biên Hòa, tại nhiều tuyến đường giao nhau vốn có đèn tín hiệu giao thông gắn biển báo chỉ dẫn cho xe 2 bánh được phép rẽ phải khi đèn đỏ.

Đi kèm với biển báo chỉ dẫn này còn có vạch sơn kẻ sọc trắng (rộng khoảng 1m và dài hơn 3m) phân định phần đường cho các phương tiện rẽ phải, nhằm giúp người điều khiển xe 2 bánh di chuyển, không bị nhầm với những nút giao cấm rẽ phải khi có đèn đỏ.

Thế nhưng, điều đáng nói là người điều khiển xe máy, xe đạp dừng chờ đèn đỏ để đi thẳng lại dừng xe tại phần vạch ưu tiên cho xe rẽ phải, khiến xe có nhu cầu rẽ phải không thể vượt lên vì bị xe phía trước bít lối.

Sau khi bị chặn lại, nhiều người liên tục bấm còi ầm ĩ khiến cả tuyến đường trở nên hỗn độn Nhiều người chỉ biết ngậm ngùi chờ cho đèn đỏ chuyển xanh mới tiếp tục di chuyển. Nhiều trường hợp không giữ được bình tĩnh đã xảy ra cãi nhau to tiếng dẫn đến xô xát.

“Tôi rất bực mình vì hầu như nút giao nào có đèn đỏ cũng bị chặn lối rẽ phải. Đây không chỉ là quan sát hay ý kiến của cá nhân tôi, mà vấn đề này được nhiều người phản ánh và ai cũng cảm thấy bực bội với những thói quen cố hữu của người đi đường” - ông Trương Văn Dũng (ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Ông Dũng lý giải đây là thói quen xấu của không ít người. Bức xúc nhất là chuyện những người ở phía trước cố ý “chừa” lối đi này, nhưng một số trường hợp từ phía sau thấy khoảng trống liền vọt xe lên chắn ngang đường. Điều này vô tình dẫn đến tình trạng ùn tắc, dễ gây ra kẹt xe.

Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, tại nút giao ngã tư Amata (TP.Biên Hòa) vào khung giờ cao điểm (khoảng 17-18 giờ hàng ngày), dòng xe máy hướng từ khu công nghiệp ra xếp hàng đông đúc, kẹt xe trên đoạn đường dài. Mỗi lần đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, hàng trăm xe 2 bánh từ phía sau ồ ạt dồn lên, dàn hàng ngang trên đường, bất chấp khu vực này có phần đường ưu tiên cho xe rẽ phải.

Trong khi đó, nhu cầu thực tế được rẽ phải của người đi đường rất lớn, bởi lượng phương tiện sau khi đèn bật xanh đều đồng loạt chuyển hướng đi về phía cầu Sập. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ùn tắc ở đây thường xuyên xảy ra, nhiều người không thể vượt qua được đám đông lộn xộn ở phía trước.

Nút giao đường Đồng Khởi với Lê Quý Đôn, xe máy chặn ngang đường buộc nhiều người phải leo lên vỉa hè để di chuyển. Ảnh: T. Hải
Nút giao đường Đồng Khởi với Lê Quý Đôn, xe máy chặn ngang đường buộc nhiều người phải leo lên vỉa hè để di chuyển

Anh Nguyễn Tấn Phát (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết nút giao ngã tư Tân Phong cũng xảy ra tình trạng tương tự. Mỗi lần dừng đèn đỏ là khu vực này bị nghẽn lại ở làn rẽ phải hướng về cầu Săn Máu.

Để tránh tình trạng này, anh Phát luôn cho xe máy nhích từng chút một, nép sát vỉa hè rồi bấm còi hy vọng người phía trước “nhường” đường. Tuy nhiên, trái với suy đoán của anh, càng đến gần ngã tư, đường càng tắc vì làn dành cho xe rẽ phải không còn chỗ trống, xe máy nghênh ngang đậu bít lối.

“Vậy là xe đi sau lại vướng xe đi trước, nối đuôi nhau ùn lại, việc kẹt xe đã mệt mỏi càng thêm kinh khủng” - anh Phát bộc bạch.

* Thói quen cần thay đổi

Luật sư Lê Văn Nhân (thuộc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh) cho rằng Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phải chấp hành quy tắc giao thông và tuân thủ biển báo hiệu đường bộ theo quy định.

Theo luật sư, lúc điều khiển phương tiện đến đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải xác định được hướng đi tiếp theo của mình. Khi đến các đoạn đường này, người điều khiển phương tiện phải dừng, đậu, lưu thông đúng phần đường, làn đường theo quy định; đồng thời phải chủ động cho xe đi vào làn đường cũng như hướng đi tiếp theo.

Trường hợp không chấp hành và dừng xe vào làn đường rẽ phải dễ gây ách tắc, tiềm ẩn tai nạn giao thông, đồng thời sẽ bị xử phạt từ 100-200 ngàn đồng đối với ô tô và 60-80 ngàn đồng với xe máy về lỗi không chấp hành hiệu lệnh của biển báo, vạch kẻ đường. Đây là thói quen cần thay đổi để việc tham gia giao thông trở nên văn minh hơn.

Một cảnh sát giao thông thuộc Công an TP.Biên Hòa làm nhiệm vụ điều tiết giao thông tại khu vực vòng xoay Tân Phong cho rằng, tình trạng xe 2 bánh dừng lấn làn rẽ phải diễn ra phổ biến tại nhiều ngã tư, nút giao ở TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, vì vào khung giờ cao điểm nên lực lượng chức năng ưu tiên tập trung điều tiết giao thông, ít khi dừng xe xử lý. Do đó, hành vi lấn làn rẽ phải lâu dần thành “nhờn” và nhiều người coi đây là việc bình thường.

“Thực tế cho thấy vi phạm không chấp hành hiệu lệnh biển báo, vạch kẻ đường chủ yếu xảy ra với xe máy, xe đạp, ít trường hợp liên quan đến ô tô vì nhiều tài xế ô tô ý thức được hành vi này sẽ bị phạt nặng hơn so với xe 2 bánh” - vị cảnh sát giao thông lý giải thêm.

Hiện nay, việc dừng xe ở làn cho phép rẽ phải khi đèn đỏ trở thành thói quen của nhiều người tham gia giao thông. Một số trường hợp cố tình, ngang nhiên thực hiện hành vi vi phạm này để lúc đèn chuyển sang màu xanh họ có thể di chuyển nhanh hơn. Việc làm này không chỉ vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, mà còn khiến tình trạng kẹt xe tại những nút giao thông quan trọng trở nên phức tạp hơn.

Bài và ảnh: Thanh Hải

Tin xem nhiều