Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều nút giao đường bộ với đường sắt còn mất an toàn

10:08, 06/08/2017

Hiện nay tại một số vị trí giao cắt đường bộ với đường sắt (đoạn qua địa bàn tỉnh) có mật độ xe cộ qua lại đông đúc, nhiều chỗ mặt đường đã xuống cấp, hư hỏng.

Hiện nay tại một số vị trí giao cắt đường bộ với đường sắt (đoạn qua địa bàn tỉnh) có mật độ xe cộ qua lại đông đúc, nhiều chỗ mặt đường đã xuống cấp, hư hỏng. Bên cạnh đó, việc kẹt xe thường xuyên tại những nơi này còn khiến các phương tiện lưu thông khó khăn, gây nguy cơ mất an toàn giao thông.

Khu vực giao cắt giữa đường Điểu Xiển với đường sắt (đoạn qua phường Long Bình, TP.Biên Hòa) lúc nào cũng có xe container vào ra, dẫn đến kẹt xe liên tục.
Khu vực giao cắt giữa đường Điểu Xiển với đường sắt (đoạn qua phường Long Bình, TP.Biên Hòa) lúc nào cũng có xe container vào ra, dẫn đến kẹt xe liên tục.

* Mặt đường hư và kẹt xe

Kể từ khi đường Điểu Xiển (TP.Biên Hòa) được nâng cấp, mở rộng, mỗi ngày có hàng trăm lượt phương tiện lưu thông để ra vào Ga Hố Nai và Khu công nghiệp Hố Nai (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), nhất là xe container và xe tải nặng. Điều này khiến vị trí giao cắt với đường sắt (đoạn qua phường Long Bình) thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Tin từ Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết đơn vị sẽ cùng ngành đường sắt khắc phục các vị trí mất an toàn tại những điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; đồng thời tiến hành kẻ gờ giảm tốc, gắn biển cảnh báo. Một số vị trí thường xảy ra tai nạn giao thông sẽ kiến nghị nâng cấp từ hình thức cảnh báo tự động lên cảnh báo có người gác.

Theo phản ánh của người dân, do đây là khúc cua hình chữ Z nên mỗi lần các xe lớn ôm cua là các phương tiện phía sau không thể vượt lên được. Cả hướng từ đường Điểu Xiển ra quốc lộ 1 và ngược lại đều kẹt xe, ách tắc trên một đoạn đường dài.

Điều đáng lo ngại là chuyện kẹt xe không chỉ xảy ra vào giờ cao điểm mà lúc bình thường cũng ùn ứ. Những chiếc xe container dài ngoằng chiếm gần hết khúc cua, nằm chắn ngang giữa đường sắt lúc ùn ứ vô cùng nguy hiểm. Mỗi lần đi qua đây nhiều người không khỏi lo lắng, bởi nếu tàu hỏa chạy qua thì với điều kiện mặt đường hẹp, gấp khúc chữ Z và gặp ùn tắc, liệu tài xế có cho xe thoát ra được hay không?

Các nhân viên của trạm gác chắn tại đây buộc phải làm việc hết sức vất vả để không xảy ra sự cố về giao thông. Mỗi khi nhận tín hiệu tàu đến, các nhân viên ngành đường sắt chạy ra 2 đầu điểm giao cắt để ngăn xe, hạ barie không cho xe di chuyển vào khu vực này. “Ở đây, nhiều công ty hoạt động nên xe chở hàng ra vào thường xuyên. Hầu như ngày nào cũng có ùn tắc, khiến xe cộ đi lại khó khăn” - một nhân viên gác chắn nói giọng lo lắng.

Tại km1684+780 giao với đường Yên Thế (thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), lâu nay vẫn thường xảy ra tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm. Theo đó, các khung giờ từ 7-8 giờ và 17-18 giờ, công nhân tập trung về đông đúc cộng với lượng xe tải, xe container nhiều nên kẹt xe là điều khó tránh khỏi.

Chưa kể, ở đây người dân thường lấn chiếm đường họp chợ, bày bán hàng hóa cạnh đường sắt, cột đèn cảnh báo đã phần nào khiến tình hình giao thông vốn phức tạp càng trở nên lộn xộn, khó kiểm soát hơn. Trong khi đó, mặt đường nút giao này hiện đã xuống cấp, nhiều đoạn lồi lõm không đảm bảo cho phương tiện lưu thông. Mỗi khi có mưa lớn còn gây ngập cục bộ.

Ông Bùi Văn Huy, tài xế xe tải thường xuyên chở hàng đi qua đường Yên Thế, cho hay khu vực này kẹt xe xảy ra như cơm bữa. Nguy hiểm nhất là thỉnh thoảng những xe tải lớn nằm chắn ngang giữa đường ray; nếu tàu hỏa chạy đến mà xe không kịp thoát ra thì hậu quả sẽ khôn lường.

Tương tự, mặt đường đoạn giao cắt giữa đường tỉnh 769 với đường sắt ở km1661+074 (thuộc huyện Thống Nhất) bị cày xới bởi những chiếc xe tải hạng nặng chở bauxite và vật liệu xây dựng qua lại thường xuyên. Nhiều tấm đan bong tróc xi măng, trơ khung sắt nham nhở; còn xe cộ di chuyển khó khăn và mất an toàn, dù đoạn đường này hư hỏng từ lâu.

* Khắc phục những tồn tại

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết, vị trí đường sắt giao cắt tại đường Phạm Văn Thuận (thuộc phường Thống Nhất) là tuyến đường trung tâm thành phố, lưu lượng xe qua lại rất lớn, nhưng lâu nay chỉ có cây chắn kéo lên, hạ xuống, không cắt ngang hết vỉa hè nên người dân vẫn chạy xe qua. Đường ray ở đây lại cắt xéo khiến nhiều xe máy bị lọt bánh, rất nguy hiểm nếu cùng lúc có tàu đi qua.

“TP.Biên Hòa đã đề xuất làm rào chắn, lắp đặt hệ thống chống lọt bánh xe máy và chúng tôi sẽ chịu toàn bộ kinh phí thay thế, lắp đặt; chỉ đề nghị ngành đường sắt hỗ trợ về kỹ thuật thi công. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì nên người và phương tiện qua đây gặp nhiều khó khăn” - ông Phạm Anh Dũng cho biết.

Trước tình trạng nhiều vị trí giao cắt giữa đường bộ với đường sắt hư hỏng, xuống cấp và thường xuyên xảy ra kẹt xe gây mất an toàn giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh đã có kiến nghị nhằm phối hợp với ngành đường sắt sớm sửa chữa, cải tạo các nút giao này. Bởi qua ghi nhận, thời gian qua những vị trí này có lượng phương tiện lưu thông tăng cao và đông đúc.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn, cho hay ngành đường sắt đã thường xuyên tổ chức rà soát các đường ngang có mặt đường hư hỏng để có biện pháp khắc phục, sửa chữa. Nguyên nhân một phần do xe quá tải di chuyển nhiều, trong khi đây chỉ là đường ngang cấp thấp (theo quy định của Bộ Giao thông - vận tải) nên không đủ khả năng chịu tải, dẫn đến hư hỏng.

Bên cạnh đó, một số tuyến đường giao với đường sắt dù đã được địa phương nâng cấp, mở rộng, nhưng lại không đồng bộ với việc mở rộng đường ngang nên xảy ra tình trạng “thắt nút cổ chai”, dẫn đến ách tắc và mất an toàn. Để giải quyết vấn đề này, cần phải nâng cấp cả 2 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện lưu thông.

“Để tránh tình trạng kẹt xe cũng cần phải hạn chế các loại xe container, xe tải tại những vị trí giao cắt quan trọng, vào ra khu vực đông dân cư, khu công nghiệp vào giờ cao điểm. Điều này hết sức cần thiết, bởi nếu xảy ra sự cố ùn tắc rất khó để “giải phóng” kịp thời những phương tiện án ngữ trên đường” - ông Phạm Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thanh Hải

Tin xem nhiều