Báo Đồng Nai điện tử
En

Để giảm tai nạn giao thông do vi phạm tốc độ

10:08, 20/08/2017

So với các lỗi vi phạm về nồng độ cồn, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, biển báo…, hành vi điều khiển phương tiện quá tốc độ quy định là vi phạm phổ biến, dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

So với các lỗi vi phạm về nồng độ cồn, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, biển báo…, hành vi điều khiển phương tiện quá tốc độ quy định là vi phạm phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nặng nề.

Xe ô tô phóng nhanh vượt ẩu trên quốc lộ 1 gây mất an toàn cho việc lưu thông của những phương tiện khác. Ảnh: T.HẢI
Xe ô tô phóng nhanh vượt ẩu trên quốc lộ 1 gây mất an toàn cho việc lưu thông của những phương tiện khác. Ảnh: T.HẢI

Kể từ khi Bộ Giao thông - vận tải quy định về việc thay đổi tốc độ tối đa cho phép của các phương tiện giao thông lưu thông trên đường, tốc độ của xe cơ giới trên quốc lộ và trong khu vực dân cư đều tăng thêm 10km đối với loại đường đôi (có dải phân cách giữa), đường 1 chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên.

* Nỗi ám ảnh trên đường

Một số tuyến đường trong khu vực nội ô TP.Biên Hòa, như: Huỳnh Văn Nghệ, Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc… có tình trạng xe cơ giới phóng nhanh diễn ra phổ biến. Riêng đường Huỳnh Văn Nghệ thời gian qua có nhiều vụ lái xe không làm chủ được tốc độ, đã tự đâm vào dải phân cách dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tại cuộc họp về việc báo cáo công trình cấp thiết đảm bảo an toàn giao thông mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông phải tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các “điểm đen”, khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Trong đó, cần tiến hành đặt máy bắn tốc độ đối với những phương tiện phóng nhanh, vượt quá tốc độ quy định cho phép.

Tại đây, tình trạng xe tải ben chở vật liệu xây dựng thường xuyên chạy với vận tốc cao khiến người dân sống 2 bên đường bức xúc.

Tuy nhiên, một cán bộ cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa lại cho biết với quy định hiện tại, tốc độ lưu thông của xe cơ giới trên tuyến đường này cho phép đến 60km/giờ nên khó xử lý lỗi chạy quá tốc độ với các phương tiện này.

Trên đường Võ Thị Sáu, vào rạng sáng 8-8 anh Lê Đình Cường (23 tuổi, quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển xe máy biển số 60Y7-7919 với tốc độ cao chở theo Trương Đình Luận (19 tuổi, quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chạy hướng về ngã tư Lạc Cường.

Khi ôm cua đoạn trước nhà hàng Đồng Quê (gần cầu Đồng Tràm, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), xe anh Cường mất lái, lao lên vỉa hè rồi tông vào cột điện. Vụ tai nạn làm anh Cường chết tại chỗ, anh Luận bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, chiếc xe máy hư hỏng nặng.

Theo người dân phản ánh, khúc cua trước nhà hàng Đồng Quê là một “điểm đen” về tai nạn giao thông. Đã có rất nhiều người chạy xe vượt quá vận tốc cho phép ở đoạn này, trong khi đường quanh co dẫn đến mất lái và gây tai nạn.

Không chỉ đường trong khu vực dân cư, các tuyến quốc lộ qua địa bàn Đồng Nai hiện tốc độ di chuyển của các phương tiện đã được nâng lên đáng kể. Ngoại trừ quốc lộ 20 chưa lắp dải phân cách cứng, quốc lộ 1 và 51 hầu hết đã “phủ kín” dải phân cách. Điều này đồng nghĩa tốc độ tối đa xe của cơ giới sẽ tăng lên, nhiều đoạn ngoài khu dân cư ô tô có thể chạy đến 90km/giờ.

Như quốc lộ 1 là tuyến đường huyết mạch, cũng là tuyến có số vụ tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao nhất so với các quốc lộ còn lại. Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017 tai nạn giao thông trên quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn tỉnh tăng cao cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương.

Có mặt trên tuyến đường này, phóng viên ghi nhận tại các vị trí có chốt cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát tốc độ, để qua mặt lực lượng chức năng, các tài xế ô tô thường nhá đèn báo cho nhau biết trước. Vậy nên, có tình trạng xe ô tô nối đuôi nhau chạy thành hàng dài, bảo đảm chạy đúng tốc độ quy định ở khu vực gần có chốt cảnh sát giao thông.

“Chỉ những vị trí mới đóng chốt là chưa bị các tài xế phát hiện, còn lại chỗ nào cảnh sát giao thông thường xuyên bắn tốc độ cánh lái xe đều biết. Hiện nay, lỗi vi phạm về tốc độ bị phạt nặng nên nhiều lái xe rất sợ” - một tài xế chạy xe khách cho biết.

* Điều chỉnh lại tốc độ lưu thông

Thời gian qua, trong số các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên cả nước nói chung, ở địa bàn tỉnh nói riêng, nguyên nhân chính là do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, trong đó vi phạm tốc độ thường gây hậu quả nặng nề hơn.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), nguyên nhân vi phạm tốc độ hiện chiếm trên 10% số vụ tai nạn và tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng rất cao. Trong thời gian thực hiện Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ lần thứ 4 vừa qua, lực lượng công an đã tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các lỗi trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, trong đó trọng tâm là vi phạm tốc độ của xe cơ giới.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa kiểm tra tốc độ của các phương tiện tham gia giao thông trên đường Võ Thị Sáu. Ảnh: T.HẢI
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa kiểm tra tốc độ của các phương tiện tham gia giao thông trên đường Võ Thị Sáu. Ảnh: T.HẢI

Trung tá Trần Trọng Thủy, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, cho hay trong hơn 7,7 ngàn trường hợp bị phát hiện vi phạm tốc độ, lực lượng cảnh sát giao thông đã ra quyết định xử phạt hơn 6 ngàn trường hợp với số tiền trên 4 tỷ đồng. Trong số đó, số vụ vi phạm ở các tuyến quốc lộ, đường nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất.

Trung tá Thủy cho biết thêm, lực lượng chức năng đang gặp khó khăn trong việc xử lý lỗi tốc độ. Bởi theo Quy chuẩn 41/2016, các biển báo hạn chế tốc độ, biển báo khu dân cư theo quy định phải được lắp đặt nhắc lại ở các giao lộ tiếp theo, nhưng hiện nay nhiều nơi chưa trển khai đồng bộ. Công an tỉnh đã có kiến nghị các cơ quan quản lý đường bộ cần phải rà soát, lắp đặt biển báo hiệu đường bộ trên quốc lộ và cả đường địa phương theo quy chuẩn mới.

Ngoài việc đồng bộ biển báo về tốc độ nhằm tạo thuận lợi cho cả người điều khiển phương tiện và lực lượng kiểm soát giao thông, để hạn chế tai nạn xảy ra, Bộ Giao thông - vận tải cũng cần quy định tốc độ riêng cho từng loại phương tiện.

Theo đó, hạn chế tăng tốc độ trong khu vực đông dân cư với ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi, ô tô tải có trọng tải 3,5 tấn trở lên, ô tô sơ mi rơ-moóc, ô tô kéo rơ moóc, ô tô kéo xe khác, ô tô chuyên dùng.

Trong một số trường hợp vốn là nơi phức tạp, “điểm đen” về tai nạn giao thông thì căn cứ vào kết quả khảo sát và thống nhất của các ngành chức năng có thể đặt biển hạn chế tốc độ thấp hơn 50km/giờ. Việc quy định tốc độ tối đa cũng cần phải căn cứ vào tiêu chuẩn thiết kế đường, tình trạng mặt đường, độ dốc, bán kính đường cong để quy định cho phù hợp.

Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều