Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát hiện chuỗi kho chứa hàng nghi làm giả

12:07, 17/07/2017

Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an tỉnh đang điều tra làm rõ vụ nhiều kho hàng của một doanh nghiệp ở xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) chứa hàng trăm thùng hàng nghi có dấu hiệu làm giả, nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.

Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an tỉnh đang điều tra làm rõ vụ nhiều kho hàng của một doanh nghiệp ở xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) chứa hàng trăm thùng hàng nghi có dấu hiệu làm giả, nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.

Lực lượng công an kiểm tra kho hàng của Nguyễn Văn Sứ và chiếc xe tải Nguyễn Văn Sứ dùng vận chuyển hàng nghi làm giả đi tiêu thụ.
Lực lượng công an kiểm tra kho hàng của Nguyễn Văn Sứ và chiếc xe tải Nguyễn Văn Sứ dùng vận chuyển hàng nghi làm giả đi tiêu thụ.

Hàng trăm mặt hàng, như: đá mài, đá cắt, giấy chà bóng, thước dây, bơm xe đạp… được chủ doanh nghiệp nhập khẩu mà không có hóa đơn, chứng từ và doanh nghiệp bán với giá rẻ hơn giá trên thị trường rất nhiều.

* Giá bán sản phẩm bất thường

Một cán bộ lãnh đạo PC46 cho biết thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh về việc mở cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm (từ ngày 16-6 đến 15-8), đơn vị đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với các nhóm tội phạm, đặc biệt là vi phạm về các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Các đội nghiệp vụ rà soát địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định được ngành hàng, mặt hàng trọng điểm có nguy cơ làm giả, nhập lậu.

Trung tá Phạm Hồng Quang, Đội trưởng Đội 5 (PC46), cho biết qua rà soát các trinh sát phát hiện tại TP.Biên Hòa và khu vực lân cận xuất hiện mặt hàng đá mài, đá cắt… mang nhãn hiệu của một số công ty ở tỉnh Hải Dương và TP.Hồ Chí Minh, nhưng được bán với giá bằng một nửa so với giá sản phẩm cùng loại bán trên thị trường. Cụ thể, mỗi viên đá mài của các công ty trên giá thực tế khoảng 7 ngàn đồng, nhưng được bán chỉ 3-4 ngàn đồng.

Nhận định sản phẩm này có thể đã bị làm giả hoặc nhập lậu, tiến hành xác minh trong nhiều ngày, các trinh sát đã xác định sản phẩm được một cơ sở kinh doanh tại ấp Hương Phước, xã Phước Tân (do Nguyễn Văn Sứ, 37 tuổi, ngụ ấp Hương Phước làm chủ) cung cấp. Sứ lập cơ sở kinh doanh nhiều mặt hàng (trong đó có mặt hàng đá cắt, đá mài…) và có xin giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, thông tin trinh sát thu thập được cho thấy các mặt hàng do cơ sở của Sứ cung cấp có thể làm giả sản phẩm của Công ty đá mài Hải Dương và Công ty TNHH D.D (ở TP.Hồ Chí Minh).

* Lộ diện đường dây kinh doanh hàng giả, hàng lậu

Trung tá Phạm Hồng Quang cho biết quá trình theo dõi trinh sát phát hiện sau mỗi lần nhập hàng từ các đầu mối ở phía Bắc, Sứ lại cho xe vận chuyển đến tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh bỏ mối lại. Từ đây, hàng của Sứ tiếp tục được bán ra các địa phương lân cận. Sau nhiều ngày theo dõi để thu thập chứng cứ, cơ quan công an quyết định kiểm tra hoạt động kinh doanh của Sứ.

Khoảng 7 giờ ngày 6-7, phát hiện Sứ điều khiển xe tải đi trên quốc lộ 51, hướng từ huyện Long Thành đi TP.Hồ Chí Minh, các trinh sát đeo bám đến gần ngã tư Vũng Tàu thì yêu cầu dừng xe kiểm tra. Lúc này, trinh sát phát hiện trên xe có 26 thùng hàng đá mài, đá cắt mang nhãn hiệu TAILIN do Đài Loan, Trung Quốc sản xuất và 6 thùng hàng mang nhãn hiệu đá mài Hải Dương. Toàn bộ số hàng không có hóa đơn, chứng từ nên công an đã tạm giữ số hàng để điều tra.

Ngay sau khi bắt giữ xe hàng của Sứ, lực lượng công an đã đồng loạt ập vào 5 kho hàng Sứ đã đặt ở các địa điểm khác nhau trên địa bàn xã Phước Tân để kiểm tra. Tại các kho hàng này, công an phát hiện hàng trăm thùng chứa các mặt hàng: đá mài, đá cắt, thước dây, giấy chà bóng, bơm xe đạp, tua vít... mang nhãn hiệu TAILIN, đá mài Hải Dương... Tổng cộng, công an thu giữ trong 5 kho của Sứ 1.151 thùng hàng các loại, gồm: đá mài, đá cắt 860 thùng với hàng ngàn sản phẩm và khoảng 300 thùng hàng hóa các loại.

Làm việc với công an, chủ lô hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Bước đầu cơ quan công an xác định số hàng này được làm giả hoặc nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ.

Theo Sứ khai nhận, mỗi lần muốn lấy hàng Sứ gọi điện cho 2 đầu mối cung cấp tại TP.Hà Nội để đặt hàng và các đối tượng này sẽ cho xe tải chở hàng vào giao cho Sứ tại các kho ở xã Phước Tân. Để hợp thức hóa lô hàng này, các mối cung cấp hàng cho Sứ mua hóa đơn giá trị gia tăng trôi nổi trên thị trường rồi điền thông tin hàng hóa vào để vận chuyển vào Nam. Sau khi có hàng, Sứ sẽ liên hệ với các đại lý tại Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh để bỏ mối với giá rẻ.

Một cán bộ điều tra cho biết xác minh bước đầu cho thấy số hàng của Sứ được làm giả từ nước ngoài rồi nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ. Để kết luận chính xác, cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ.

Trần Danh

Tin xem nhiều