Báo Đồng Nai điện tử
En

Xài tiền đương sự, cán bộ thi hành án chờ lãnh án

10:05, 28/05/2017

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Long Thành vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 2 bị can Nguyễn Văn Thức (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Long Thành) và Trương Thị Ngọc Diễm (nguyên Kế toán trưởng của Chi cục THADS huyện Long Thành) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Long Thành vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 2 bị can Nguyễn Văn Thức (51 tuổi, nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Long Thành) và Trương Thị Ngọc Diễm (35 tuổi, nguyên Kế toán trưởng của Chi cục THADS huyện Long Thành) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Liên quan đến vụ án, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao còn khởi tố bị can Võ Nhật Tân (nguyên Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Long Thành), nhưng trong thời gian điều tra ông Tân đã chết do bệnh lý nên được đình chỉ điều tra.

* Mở tài khoản để nhận tiền thi hành án

Đối với ông Võ Nhật Tân, quá trình thực thi nhiệm vụ đã vi phạm nguyên tắc tài chính khi mở nhiều tài khoản riêng để lấy tiền lãi, đồng thời trực tiếp chỉ đạo 2 bị can Thức và Diễm mở tài khoản riêng và rút tiền từ các tài khoản này để sử dụng cá nhân.

Theo cáo trạng, từ năm 2007-2012, các bị can: Tân, Thức và Diễm đã bàn nhau mở nhiều tài khoản ở các ngân hàng để tiếp nhận và lấy tiền lãi từ số tiền mà người dân nộp cho Chi cục THADS huyện Long Thành để thi hành án (theo quy định thì tài khoản chính của Chi cục THADS mở ở Ngân hàng Nhà nước). Cụ thể, trong các năm 2007, 2008, 2009 và 2010, các bị can Tân, Thức và Diễm đã mở 4 tài khoản ở 4 ngân hàng, trong đó ông Tân đứng tên chủ tài khoản ở 3 tài khoản, còn bị can Thức đứng tên 1 tài khoản.

Năm 2007, bị can Thức được phân công giải quyết 14 quyết định thi hành án đối với vụ án của Công ty chế biến gỗ Tân Sài Gòn. Tháng 11-2007, 6,6 tỷ đồng tiền bán đấu giá tài sản của Công ty chế biến gỗ Tân Sài Gòn đã được chuyển vào tài khoản của Chi cục THADS huyện Long Thành để thực hiện việc thi hành án cho các đương sự. Sau đó, bị can Thức lập phiếu chi cho 14 đương sự liên quan với số tiền hơn 4,3 tỷ đồng (65%). Khoảng 2,3 tỷ đồng còn lại, do biết chưa phải chi cho đương sự, 2 bị can Thức và Diễm không đưa vào sổ sách thu chi.

Tháng 12-2007, được sự đồng ý của ông Tân, bị can Thức đã “mượn” số tiền này để dùng vào việc cá nhân. Tháng 10-2008, đương sự liên quan đến vụ án yêu cầu được nhận tiền thi hành án, nhưng do đã lấy tiền tiêu xài và không có khả năng trả nên bị can Thức đã tìm cách kéo dài thời gian bằng việc “hứa”.

Cùng thời gian này, bị đơn trong vụ án khác là bà L.T.A. đã tự nguyện nộp tiền thi hành án gần 3,2 tỷ đồng cho Chi cục THADS huyện Long Thành. Bị can Thức yêu cầu ông Tân cho sử dụng số tiền này để trả “nợ” tiền thi hành án cho đương sự trong vụ án trước đó (bị can Thức đang mượn tiêu xài) thì Tân đồng ý.

* Lập báo cáo khống để đối phó

Liên quan đến vụ án của bà L.T.A, vào tháng 10-2012, Tòa án nhân dân tỉnh có công văn yêu cầu Chi cục THADS huyện Long Thành báo cáo việc quản lý số tiền bà A. đã nộp để thi hành án. Do bị can Thức đã rút tiền để lấp vào khoản “mượn” trong vụ thi hành án khác nên ông Tân nhờ người lập báo cáo tiền lãi khống để đối phó. Qua bảng tính “ảo” do ông Tân chỉ đạo lập ra để báo cáo cho Tòa án nhân dân tỉnh, số tiền trong vụ thi hành án này tính cả gốc và lãi hơn 3,5 tỷ đồng. Trên cơ sở báo cáo của Chi cục THADS huyện Long Thành, Tòa án nhân dân tỉnh đã ra quyết định nguyên đơn trong vụ án của bà A. được nhận hơn 3,5 tỷ đồng tại Chi cục THADS huyện Long Thành.

Biết rõ tiền không còn trong tài khoản, bị can Thức chỉ đạo bị can Diễm gom tiền từ nhiều vụ thi hành án khác để trả cho người được thi hành trong vụ này.

Trong thời gian này, bị can Thức được giao thụ lý vụ thi hành án của Công ty HCH với số tiền bán đấu giá tài sản hơn 6,9 tỷ đồng, trong khi số tiền phải thi hành án chỉ hơn 1,6 tỷ đồng. Thấy khoản tiền hơn 5,2 tỷ đồng còn lại chưa phải hoàn trả cho chủ tài sản, bị can Thức đã bàn với Diễm và ông Tân rút tiền mặt để tiêu xài. Đến khi chủ tài sản yêu cầu nhận lại số tiền này, các bị can chỉ trả được hơn 4,7 tỷ đồng.

Với chiêu tương tự, các bị can đã “mượn” tiền thi hành án của nhiều vụ việc để tiêu xài, nhưng không có khả năng chi trả. Ngoài ra, ông Tân và bị can Thức còn ký nhiều hợp đồng gửi tiền với các ngân hàng để lấy lãi hàng trăm triệu đồng.

Năm 2016, nhận được đơn tố cáo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào cuộc điều tra thì phát hiện số tiền các bị can chiếm đoạt trong các vụ thi hành án gần 4 tỷ đồng, trong đó bị can Thức đã chiếm đoạt hơn 3,7 tỷ đồng. Thức khai đã sử dụng số tiền này mua bán đất, nhưng do làm ăn thua lỗ nên không còn khả năng chi trả.

Riêng bị can Diễm, là Kế toán trưởng nhưng không tuân thủ nguyên tắc tài chính mà mở tài khoản riêng để thu tiền lãi. Trong vụ án này, Diễm có vai trò đồng phạm, giúp sức cho Thức và Tân chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Trần Danh

Tin xem nhiều