Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ đốn hạ 10 hécta rừng tràm ở xã An Phước: Xã đối thoại với dân

11:05, 17/05/2017

Liên quan đến vụ 10 hécta rừng tràm ở xã An Phước (huyện Long Thành) bị đốn hạ trong khi người trồng đang khiếu nại chuyện bồi thường, UBND xã An Phước đã tổ chức đối thoại giữa chính quyền địa phương, chủ đầu tư dự án và gia đình bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh, người đứng đơn trình báo việc bị đốn hạ rừng tràm.

Liên quan đến vụ 10 hécta rừng tràm ở xã An Phước (huyện Long Thành) bị đốn hạ trong khi người trồng đang khiếu nại chuyện bồi thường (Báo Đồng Nai phản ánh), UBND xã An Phước đã tổ chức đối thoại giữa chính quyền địa phương, chủ đầu tư dự án và gia đình bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh, người đứng đơn trình báo việc bị đốn hạ rừng tràm.

Chính quyền địa phương cho rằng các văn bản đại diện gia đình bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh đưa ra chứng minh quyền sử dụng đất trồng rừng đã bị huyện Long Thành thu hồi. Trong ảnh: Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã An Phước, chủ trì buổi đối thoại.
Chính quyền địa phương cho rằng các văn bản đại diện gia đình bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh đưa ra chứng minh quyền sử dụng đất trồng rừng đã bị huyện Long Thành thu hồi. Trong ảnh: Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã An Phước, chủ trì buổi đối thoại.

* Yêu cầu xử lý việc hủy hoại tài sản

Tại buổi đối thoại ngày 16-5, ông Nguyễn Ngọc Trang (người được vợ chồng bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh ủy quyền) cho rằng việc Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa (chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp An Phước) thuê người đốn hạ cây tràm trên khu đất rộng hơn 10 hécta ở ấp 8, xã An Phước có dấu hiệu hủy hoại tài sản.

Theo ông Trang, khu đất tại thửa số 210, tờ bản đồ số 4, bản đồ địa chính xã An Phước đã được UBND huyện Long Thành cấp cho gia đình bà Oanh trồng rừng từ năm 1986. Khi tỉnh có chủ trương thu hồi khu đất để quy hoạch khu công nghiệp và giao cho Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa thực hiện dự án, do việc xác minh nguồn gốc đất và thực hiện bồi thường chưa thỏa thuận mà chủ đầu tư tiến hành đốn hạ cây là xâm phạm đến tài sản công dân. Cơ quan công an phải làm rõ việc này để trả lại tài sản thiệt hại của gia đình bà Oanh. 

Gia đình bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh cho rằng việc đốn hạ cây tràm là hành vi hủy hoại tài sản.
Gia đình bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh cho rằng việc đốn hạ cây tràm là hành vi hủy hoại tài sản.

Đại diện Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa, ông Vũ Văn Luyến xác định sau khi có chủ trương của tỉnh, chính quyền địa phương đã thực hiện các thủ tục bàn giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Tín Nghĩa đã làm các thủ tục bồi thường đất và tài sản trên đất cho các hộ dân ở khu vực này, đồng thời chuyển tiền cho địa phương thực hiện việc bồi thường theo quy định (hộ bà Oanh được hỗ trợ 274 triệu đồng nhưng không đến nhận nên tiền đã được chuyển vào Kho bạc Nhà nước).

Sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Biết còn một số hộ dân chưa di dời cây tràm trên đất (có hộ bà Oanh), doanh nghiệp đã nhiều lần thông báo yêu cầu các hộ di dời cây trồng trên đất để triển khai dự án.

* Việc trồng rừng đã bị đình chỉ từ năm 1991

Về thửa đất trồng tràm, ông Nguyễn Ngọc Trang cho rằng việc bà Oanh được quyền sử dụng thửa đất đã được UBND huyện Long Thành khẳng định trong 2 văn bản số 4360/UBND-NC và 4359/UBND-NC ngày 22-12-2009 về việc quy chủ sử dụng đất thuộc dự án Khu công nghiệp An Phước.

Theo đó, UBND huyện xác định việc quy chủ sử dụng đất cho gia đình bà Oanh là có cơ sở và yêu cầu UBND xã An Phước phối hợp với Hội đồng Bồi thường huyện và chủ đầu tư dự án thực hiện việc bồi thường đất cho gia đình bà Oanh theo quy định.

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND xã An Phước Lê Văn Tiếp cho biết 2 văn bản 4360/UBND-NC và 4359/UBND-NC đã được UBND huyện Long Thành thu hồi vào năm 2011. Cụ thể, vào ngày 17-11-2011, UBND huyện có văn bản số 3899/UBND-NC về việc thu hồi 2 văn bản 4360/UBND-NC, 4359/UBND-NC và báo cáo số 136/BC-UBND của UBND huyện.

Trong văn bản 3899/UBND-NC, UBND huyện Long Thành xác định: “Ngày 28-10-2011, Thanh tra huyện có báo cáo số 286BC-TTr về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của bà Trần Thị Khiêm (mẹ bà Oanh) ngụ xã Tam Phước. Quá trình sử dụng đất từ năm 1986 đến nay, do qua nhiều chủ sử dụng, với thời gian dài nên cần có thời gian xác minh thêm chứng cứ, tài liệu liên quan để xử lý phù hợp”.

Với lý do đó, UBND huyện đã quyết định thu hồi các văn bản trên để UBND xã An Phước và Trung tâm phát triển quỹ đất chi nhánh huyện Long Thành lập thủ tục bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng sử dụng đất (những trường hợp đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ) theo quy định của pháp luật. Như vậy, các văn bản phía bà Oanh đưa ra làm căn cứ để xác định quyền sử dụng đất không có giá trị pháp lý.

Về quyết định cấp đất cho gia đình bà Oanh trồng rừng từ năm 1986, ông Tiếp cho biết, đến năm 1991 thấy việc trồng rừng không có hiệu quả nên ngày 12-9-1991, UBND xã đã ra quyết định số 12/QĐ-UBX về việc đình chỉ việc tự ý cày đất để sản xuất đối với một số hộ, trong đó có hộ Huỳnh Văn Hột (cha bà Oanh).

Xã đã quyết định đình chỉ việc cày đất, trồng cây lâu năm, cây hoa màu trên khu đất khoảng 20 hécta của các hộ dân ở đây, đồng thời giao cho Ban Nông nghiệp xã, Ban Tự quản ấp theo dõi việc thực hiện quyết định này. Vào năm 2010, phát hiện gia đình bà Oanh tiếp tục trồng cây trên khu đất, UBND xã và Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa đã lập biên bản yêu cầu ngưng trồng cây.

Kết thúc buổi làm việc, ông Tiếp cho rằng cuộc đối thoại nhằm để 2 bên hòa giải; nếu gia đình bà Oanh không đồng ý với những quyết định đó có quyền kiến nghị lên cấp trên giải quyết. Về phía xã, sẽ báo cáo toàn bộ sự việc lên cấp trên để có hướng giải quyết.

Trần Danh

Tin xem nhiều