Báo Đồng Nai điện tử
En

Bi hài mẹ giành cháu với con

10:05, 05/05/2017

Sau mỗi chiều tan ca, chị Hồ Thị Thanh Thủy (ngụ ấp Phước Hội, xã Long Hưng, TP.Biên Hòa) thẫn thờ ngồi nhớ con trai đang bị mẹ ruột là bà O. chiếm giữ. Chị Thủy thút thít tỏ bày, lý do bà O. ngăn cản tình mẹ con của chị rất vô lý khi bà cho rằng chị không xứng đáng làm mẹ cháu K.

Sau mỗi chiều tan ca, chị Hồ Thị Thanh Thủy (ngụ ấp Phước Hội, xã Long Hưng, TP.Biên Hòa) thẫn thờ ngồi nhớ con trai đang bị mẹ ruột là bà O. chiếm giữ. Chị Thủy thút thít tỏ bày, lý do bà O. ngăn cản tình mẹ con của chị rất vô lý khi bà cho rằng chị không xứng đáng làm mẹ cháu K.

Chị Hồ Thị Thanh Thủy khổ tâm vì phải nhờ pháp luật can thiệp việc tranh quyền nuôi con với mẹ của chị.
Chị Hồ Thị Thanh Thủy khổ tâm vì phải nhờ pháp luật can thiệp việc tranh quyền nuôi con với mẹ của chị.

Chị Thủy là con gái duy nhất của bà O. nên chị được mẹ thương yêu hết mực. Khi chị Thủy phải lòng anh Lợi, người mà bà O. không hài lòng, bà đã ra sức phản đối. Đến khi 2 người lỡ “gạo nấu thành cơm”, bà đành chấp nhận và tổ chức đám cưới cho 2 người (nhưng cả 2 không đăng ký kết hôn).

* Thương quá nên ích kỷ

Theo luật sư Lê Tấn Tý, việc bà O. chiếm giữ cháu K. là hành vi vi phạm pháp luật, mà đã là hành vi vi phạm pháp luật thì phải có chế tài. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hành vi của bà O. có thể bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013 của Chính phủ. Còn nếu cơ quan chức năng chứng minh được hành vi của bà có đủ các yếu tố cấu thành “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự thì bà sẽ phải chịu hình phạt theo quy định của điều luật này (mức phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm).

Cháu K. ra đời, bà O. vui mừng đón con rể và cháu ngoại về nhà ở chung. Anh Lợi ở rể được một thời gian thì mâu thuẫn với mẹ vợ nên bảo chị Thủy đưa con về quê anh (tỉnh Hậu Giang) sống. Vì thương mẹ, chị Thủy không đồng ý nên anh Lợi giận dỗi bỏ về quê một mình. Trong thời gian này, bà O. một tay chăm sóc cháu ngoại để cho con gái đi làm công nhân.

Về quê sống được 1 năm thì anh Lợi quay lại TP.Biên Hòa hàn gắn tình cảm với chị Thủy và cả hai đã thuê phòng trọ để chung sống, đi làm công ty. Cháu K. lúc này vẫn ở nhà ngoại và được bà O. chăm sóc chu đáo. Vì mến cháu nên khi chị Thủy cho con về quê nội chơi vài tháng, bà O. tỏ thái độ khó chịu và hối thúc chị phải kêu bà nội K. đem cháu về trả cho bà.

Mẹ chồng chị Thủy đưa cháu K. từ dưới quê đến phòng trọ của vợ chồng chị Thủy được 4 ngày thì bị bà O. chiếm giữ. Đến nay đã hơn 2 tháng, bà O. không cho vợ chồng chị Thủy gặp con, chăm sóc con như trước nữa.

Bức xúc vì bị mẹ giành con vô lý, chị Thủy nhờ Ban điều hành ấp Phước Hội can thiệp. Ban điều hành ấp mời mẹ con chị và những người có liên quan ra hòa giải 2 lần nhưng không thành, đành phải chuyển vụ việc lên xã giải quyết. Trong thời gian chờ đợi, chị Thủy vẫn không được bà O. cho gặp con.

Qua làm việc với đại diện UBND xã Long Hưng và Trưởng ấp Phước Hội Võ Văn Tấn, chúng tôi được biết sau khi ấp chuyển đơn của chị Thủy lên xã để giải quyết việc tranh quyền nuôi dưỡng cháu K. thì chị xin rút đơn nhằm khởi kiện bà O. ra tòa. “Sự việc chị Thủy trình bày trong lá đơn gửi các cấp nhờ can thiệp để giành quyền nuôi con là đúng sự thật. Tổ hòa giải ấp rất mong các cơ quan chức năng sớm can thiệp để sự việc tranh chấp cháu K. giữa mẹ con chị Thủy được giải quyết dứt điểm và có tình, có lý” - Trưởng ấp Tấn nói.

* Tình và lý

Vì thương nhớ con và bị mẹ ruột giành mất quyền làm mẹ một cách vô lý, chị Thủy gửi đơn đến chính quyền địa phương nhờ can thiệp và nhờ luật sư Lê Tấn Tý (Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh) hỗ trợ pháp lý nhằm giành lại quyền nuôi con hợp pháp của mình.

Chị Thủy trình bày, khi Tổ hòa giải ấp Phước Hội mời 2 bên ra hòa giải 2 lần không thành thì bà O. đem cháu K. đi “giấu” trong khi chị là mẹ của cháu K., không bị cơ quan có thẩm quyền hạn chế hoặc tước quyền làm mẹ, không bị bệnh tâm thần hay không có khả năng chăm sóc con…

Luật sư Lê Tấn Tý cho rằng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bởi trẻ em là tương lai của đất nước. Vì vậy, Nhà nước có cả một luật riêng (Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004) để bảo vệ đối tượng này.

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định trẻ em có quyền được cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc; không ai được quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ của mình. Ngoài ra, Luật Hôn nhân - gia đình quy định quyền của con chưa thành niên là được chung sống với cha mẹ của mình.

Luật sư Tý phân tích, việc chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên là quyền và cũng là nghĩa vụ của cha mẹ. Do đó, nếu những gì mà chị Thủy trình bày là đúng sự thật thì việc bà O. chiếm giữ bé K. hơn 2 tháng nay mà không cho mẹ đẻ của bé thăm gặp, trực tiếp chăm sóc là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền của trẻ em đã được pháp luật quy định, cũng như xâm phạm đến quyền được làm mẹ của chị Thủy. Điều này tất yếu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, thể chất và sự phát triển bình thường của bé K.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều