Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Miền thắng kiện

11:04, 28/04/2017

Qua 2 lần khởi kiện Công ty TNHH công nghiệp Ho Hsiang (Công ty Ho Hsiang, Khu công nghiệp Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) để đòi quyền lợi, ông Vũ Văn Miền (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đều thắng kiện.

Qua 2 lần khởi kiện Công ty TNHH công nghiệp Ho Hsiang (Công ty Ho Hsiang, Khu công nghiệp Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) để đòi quyền lợi, ông Vũ Văn Miền (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đều thắng kiện. Ông Miền cho hay, giá trị vật chất qua 2 lần thắng kiện không lớn, nhưng động viên rất lớn về mặt tinh thần và niềm tin vào công lý.

Ông Vũ Văn Miền (phải) được luật sư Lê Tấn Tý đồng hành trong suốt quá trình đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp cho mình.
Ông Vũ Văn Miền (phải) được luật sư Lê Tấn Tý đồng hành trong suốt quá trình đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp cho mình.

Sau lần tai nạn lao động thứ nhất, để có tiền chữa bệnh, vợ chồng ông Miền phải bán mảnh đất nhỏ gia đình đang sinh sống để chạy chữa. Khi thương tật ổn định, ông xin vào làm việc tại Công ty Ho Hsiang.

* Thắng lợi ban đầu

Làm việc được hơn năm, vào ngày 10-2-2012 trong lúc đang lao động, ông lại bị tai nạn với tỷ lệ thương tật 30%. Theo kết quả giám định của Trung tâm giám định y khoa tỉnh, tỷ lệ thương tật của ông Miền qua 2 lần bị tai nạn là 52%. Khi trở lại công ty làm việc được vài tháng, ông Miền bị công ty lấy cớ không hoàn thành nhiệm vụ nên quyết định sa thải.

Từ ngày bị tai nạn rồi mất việc, cuộc sống của các thành viên trong gia đình ông Miền (gồm: người mẹ già 72 tuổi, 2 con nhỏ và vợ chồng ông) đều trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của vợ ông.

Ông Miền trình bày, sau khi thuyên chuyển ông qua vài bộ phận, công ty viện cớ ông bê trễ công việc để sa thải. Bức xúc, ông đã đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) nhờ giúp đỡ.

Gần 2 năm đấu tranh đòi quyền lợi, vào ngày 13-3-2015, ông được Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom tuyên buộc công ty bồi thường hơn 55 triệu đồng (về các khoản: trợ cấp tai nạn một lần thay cho bảo hiểm xã hội, tai nạn lao động, chi phí giám định y khoa…) vì sa thải người lao động trái luật.

* Thắng lợi lần 2

Sau khi thua kiện ở cả 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Công ty Ho Hsiang đã gây khó dễ với ông Miền trong việc làm văn bản gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Trảng Bom để ông được hưởng trợ cấp thương tật tỷ lệ 52% do tai nạn lao động.

Công ty cho rằng, kết quả giám định thương tật mà Hội đồng giám định y khoa tỉnh thông báo không chính xác, nên công ty không đồng ý với kết quả này và yêu cầu ông Miền phải giám định lại. Khi có kết quả giám định lại, công ty sẽ căn cứ vào đó để làm văn bản gửi cơ quan bảo hiểm xã hội làm thủ tục chi trả trợ cấp tai nạn lao động cho ông. Vì vậy, vào tháng 8-2016, ông Miền một lần nữa khởi kiện công ty ra Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom để đòi quyền lợi.

Luật sư Lê Tấn Tý (thuộc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, người bảo vệ quyền lợi cho ông Miền) cho biết mức hưởng chênh lệch giữa tỷ lệ thương tật 52% và 30% là 392.717 đồng/tháng. Từ tháng 11-2012 đến tháng 4-2017 gồm 52 tháng, tính thành tiền hơn 20 triệu đồng; ông Miền khởi kiện công ty yêu cầu phải có trách nhiệm thay cơ quan bảo hiểm xã hội trả số tiền này cho ông.

Luật sư Lê Tấn Tý khẳng định, thời điểm có kết quả giám định là ngày 28-11-2012; thời điểm này chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Điểm d, Khoản 1, Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm, nghĩa vụ: “Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ, đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội” khi họ bị tai nạn lao động. Rõ ràng, pháp luật đã quy định công ty phải có nghĩa vụ làm thủ tục cho người lao động hưởng chế độ tai nạn lao động.

Tại phiên tòa ngày 18-4, Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom nhận định việc ông Miền khởi kiện đề nghị tòa buộc công ty phải bồi thường hơn 20 triệu đồng là có căn cứ pháp luật. Theo Hội đồng xét xử, biên bản giám định số 08 ngày 28-11-2012 của Hội đồng giám định y khoa tỉnh cho đến thời điểm phiên tòa diễn ra vẫn có giá trị pháp lý và chưa có cơ quan có thẩm quyền nào ra quyết định thu hồi, hủy bỏ hoặc thay đổi giá trị pháp lý của biên bản này.

Biên bản giám định đã được Tòa án nhân dân cấp huyện và tỉnh sử dụng để giải quyết vụ kiện của ông Miền trước đây và đã công nhận giá trị pháp lý của nó, buộc công ty phải bồi thường chế độ trợ cấp tai nạn lao động (lần đầu) cho ông Miền và công ty cũng đã thi hành án. Nếu không đồng ý kết quả này, công ty có quyền khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại. Công ty đã không thực hiện quyền này, đó là lỗi của công ty chứ không phải lỗi của ông Miền.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều