Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự ý vào nhà người khác ở: Hành vi dân sự hay hình sự?

11:02, 13/02/2017

Dù căn nhà đã bị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Phú ra quyết định cưỡng chế, bàn giao cho bà Nguyễn Thị Vĩnh theo bản án có hiệu lực của tòa án, nhưng ông Nguyễn Văn Út Em (ngụ tổ 2, ấp 2, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) lại tự ý mở niêm phong nhà và chiếm dụng đến nay.

Dù căn nhà đã bị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Phú ra quyết định cưỡng chế, bàn giao cho bà Nguyễn Thị Vĩnh theo bản án có hiệu lực của tòa án, nhưng ông Nguyễn Văn Út Em (ngụ tổ 2, ấp 2, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) lại tự ý mở niêm phong nhà và chiếm dụng đến nay.

Về hành vi của ông Út Em, có ý kiến cho rằng đã cấu thành tội danh “xâm nhập gia cư bất hợp pháp và chiếm giữ trái phép tài sản của người khác” theo Khoản 1, Điều 141 Bộ luật Hình sự; trong khi ý kiến còn lại cho rằng đó chỉ là tranh chấp dân sự.

Chuyển nhượng bất thành

Luật sư Lưu Hồng Khanh nhận định, ông Nguyễn Văn Út Em lợi dụng thời điểm nhà đang niêm phong, không có ai trông coi rồi phá khóa cửa, mở niêm phong để vào ở lại là dấu hiệu hình sự chứ không phải tranh chấp dân sự. Bởi, việc tranh chấp giữa ông và bà Vĩnh đã chấm dứt bằng quyết định của tòa về việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; quyết định cưỡng chế thi hành án và cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất cho bà Vĩnh của Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Tân Phú.

Năm 2011, ông Út Em đồng ý chuyển nhượng cho bà Vĩnh phần diện tích đất 237,5m2 (bao gồm: căn nhà, mái vòm, giếng khoan, hồ nước…) với giá 469 triệu đồng. Sau khi bà Vĩnh trả đủ tiền, ông đã làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở cho bà Vĩnh và được bà Vĩnh cho tiếp tục trú ngụ tại căn nhà này.

Đến năm 2012, bà Vĩnh đề nghị ông Út Em trả lại nhà, nhưng ông không chịu mà yêu cầu bà phải trả thêm một số tiền thì ông mới trả lại nhà, đất. Bà Vĩnh không đồng ý yêu cầu của ông Út Em nên cả hai đã đưa nhau ra tòa.

Theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của Tòa án nhân dân huyện Tân Phú, ông Út Em đồng ý thanh toán cho bà Vĩnh 469 triệu đồng. Quyền sử dụng đất 237,5m2 và tài sản gắn liền với đất do bà Vĩnh đứng tên, 2 bên thống nhất sẽ giao cho Cơ quan Thi hành án dân sự bán đấu giá để thanh toán số tiền 469 triệu đồng bà Vĩnh bỏ ra mua nhà, đất của ông Út Em. Số tiền bán đấu giá hơn 469 triệu đồng thì phần dư thuộc về ông Út Em; nếu ít hơn 469 triệu đồng thì ông Út Em phải bù thêm để trả đủ 469 triệu đồng cho bà Vĩnh.

Dựa vào quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự và yêu cầu của bà Vĩnh, Cơ quan Thi hành án dân sự huyện đã tiến hành bán đấu giá công khai tài sản tranh chấp nhiều lần, nhưng không có người mua; ông Út Em cũng chống đối thi hành quyết định của tòa nên Cơ quan Thi hành án dân sự huyện ra quyết định cưỡng chế thi hành án đối với ông và chuyển giao quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho bà Vĩnh quản lý, sử dụng.

Quan điểm trái chiều

Quyết định cưỡng chế, chuyển giao quyền sử dụng đất của Cơ quan Thi hành án dân sự huyện chỉ được ông Út Em thực thi trong thời gian ngắn, sau đó ông tự ý phá niêm phong, dọn đồ đạc vào nhà ở lại.

Trước hành vi của ông Út Em, bà Vĩnh phản đối quyết liệt và có đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo ông phạm tội “xâm nhập gia cư bất hợp pháp và chiếm giữ trái phép tài sản của người khác”.

Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Phú có văn bản trả lời bà Vĩnh rằng, căn cứ vào quyết định của Tòa án nhân dân huyện Tân Phú về việc công nhận thỏa thuận giữa bà Vĩnh và ông Út Em; quyết định cưỡng chế của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Phú, cơ quan điều tra nhận thấy đơn tố cáo của bà Vĩnh thuộc lĩnh vực dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện; đồng thời đề nghị bà tiếp tục liên hệ tòa án và Chi cục Thi hành án dân sự huyện để giải quyết.

Thế nhưng, khi bà Vĩnh liên hệ với Tòa án nhân dân huyện Tân Phú nhờ giải quyết sự việc thì được tòa hướng dẫn ngược lại Công an huyện.

Bà Vĩnh bức xúc cho hay, cơ quan điều tra cho rằng việc tiếp tục chiếm giữ, không giao tài sản của ông Út Em là hành vi dân sự là thiếu cơ sở. Bởi, Cơ quan Thi hành án dân sự đã cưỡng chế tài sản giao cho bà và khi đó ông Út Em đã dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Việc ông tự ý phá khóa cửa mở niêm phong rồi dọn đồ đạc về nhà ở sau đó là hành vi cấu thành tội “xâm nhập gia cư bất hợp pháp và chiếm giữ trái phép tài sản của người khác”.

Qua nghiên cứu vụ việc, luật sư Lưu Hồng Khanh (Hội Luật gia tỉnh) phân tích, việc cơ quan điều tra nhận định và trả lời cho bà Vĩnh như vậy là chưa hợp lý, vì căn nhà ông Út Em bán cho bà Vĩnh hiện do bà đứng tên và đã được Cơ quan Thi hành án dân sự cưỡng chế giao cho bà (do bán đấu giá không có người mua) để thi hành quyết định của tòa. Cho nên, tài sản này không còn thuộc về ông Út Em để tranh chấp. “Nếu cơ quan điều tra xét thấy hành vi của ông Út Em chưa đủ mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự thì ra quyết định xử lý hành chính để răn đe; nếu ông cố tình chống đối thì xử nghiêm theo quy định của pháp luật” - luật sư Khanh nhấn mạnh.

Diễm Quỳnh

Tin xem nhiều