Báo Đồng Nai điện tử
En

Cầu treo Tà Lài bị sập: Đảm bảo cho dân đi lại bằng phà an toàn

11:11, 16/11/2016

 Vào lúc 14 giờ ngày 15-11, cầu treo Tà Lài (ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) bị sập khiến toàn bộ dây văng, mặt sàn cầu gần như đổ ập xuống sông.

 Vào lúc 14 giờ ngày 15-11, cầu treo Tà Lài (ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) bị sập khiến toàn bộ dây văng, mặt sàn cầu gần như đổ ập xuống sông. Ngay sau đó, những người dân sống 2 bên đầu cầu và lực lượng chức năng đã cứu vớt được 4 người lên bờ, trong đó có 1 người bị gãy chân, 1 người bị trầy xước ở cánh tay.

Phà lớn vận chuyển người dân qua lại thay thế cho chiếc cầu treo bị sập xuống sông.
Phà lớn vận chuyển người dân qua lại thay thế cho chiếc cầu treo bị sập xuống sông.

Sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, cầu treo Tà Lài góp phần tạo điều kiện thuận lợi để xã vùng sâu Tà Lài phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cây cầu bị sập đã ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Điều đáng nói, cây cầu vừa hoàn thành việc sửa chữa vào đầu năm 2016.

Cầu vừa sửa đã bị sập

Được xây dựng từ năm 2005, cầu treo Tà Lài bắc qua sông Đồng Nai nối ấp 4, xã Tà Lài với trung tâm xã, nơi sinh sống của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số Mạ và S’Tiêng. Cầu có chiều dài 164m, rộng 4m. Sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, cầu bắt đầu xuống cấp khi những thanh sắt làm mặt cầu bị gãy, nhiều đoạn bật lên tạo thành những kẽ hở rộng khoảng 10cm rất nguy hiểm. Việc di chuyển không mấy dễ dàng đối với người dân vận chuyển nông sản và học sinh đến trường hàng ngày.

Vào đầu năm 2016, cầu được duy tu, sửa chữa xong, người dân sử dụng chưa được bao lâu thì xảy ra sự cố sập cầu.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy trong ngày 16-11 tình hình giao thông đường thủy ở đây đã được thông tuyến trở lại, nhưng việc đi lại của người dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhằm tạo điều kiện đi lại cho bà con, chính quyền địa phương đã bổ sung thêm phà chở khách hoạt động tại bến phà cũ trước đây, cách vị trí cây cầu sập gần 100m.

Cầu Tà Lài bị sập khiến dây văng và mặt cầu gần như đổ sập xuống sông. Ảnh: T. hải
Cầu Tà Lài bị sập khiến dây văng và mặt cầu gần như đổ sập xuống sông. Ảnh: T. hải

Do bến phà bỏ hoang lâu năm nên đoạn đường xuống bến bị hư hỏng nặng, cộng với độ dốc lớn khiến việc lên xuống phà của người dân khá vất vả. Nhiều đoạn bê tông sát mép nước bị xói mòn, chỉ còn lại các tảng đá lớn trơn trượt, phương tiện qua đây chưa quen thường ngã xuống mặt đường, rất nguy hiểm. Vào ban đêm, dù đã có đèn điện được mắc “dã chiến”, nhưng việc đi lại của người dân cũng không mấy dễ dàng.

“Còn khoảng 2 tháng rưỡi nữa là đến Tết Nguyên đán, nên thời điểm này người dân đã bắt tay vào sản xuất nông nghiệp, công việc vì vậy cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu cầu mới vẫn chưa được xây dựng, việc vận chuyển nông sản không biết làm thế nào. Hơn chục năm đi cầu treo nên bây giờ quay lại đi phà thấy bất tiện và vất vả” - ông Nguyễn Văn Ngà (ngụ ấp 4, xã Tà Lài) nói.

Hiện khu vực này có 2 chiếc phà hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Lực lượng dân quân tự vệ của xã được tăng cường, trực tiếp có mặt tại phà để hỗ trợ người dân vận chuyển nông sản, hàng hóa, cũng như phương tiện lên xuống bến được an toàn.

Sẽ xây cầu mới thay cầu treo

Ông K’Nghĩa (ngụ ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) chia sẻ: “Nếu cầu mới được xây sớm và làm bằng bê tông vững chắc thì bà con sẽ vui mừng và phấn khởi hơn; việc đi lại sẽ dễ dàng, nhất là vào mùa mưa bão, không bị ngã khi gặp gió to”.

Chủ tịch UBND xã Tà Lài Phan Phú Khánh cho biết vào ngày 16-11, công tác tìm kiếm cứu hộ vẫn được triển khai. Ngoài 4 người đã được cứu hộ kịp thời, lực lượng chức năng đã vớt thêm được 2 chiếc xe máy của người dân bị rơi xuống sông trước đó. Địa phương đã huy động thêm 2 phà lớn của Vườn quốc gia Cát Tiên và ca nô để giúp người dân có thể qua lại, giao thương bình thường, cũng như kịp thời ứng cứu nếu xảy ra sự cố.

“Bước đầu xác định cầu treo bị sập là do một dây cáp trong hệ thống cáp treo bị tuột, phần lớn mặt cầu và thân cầu đã bị sập xuống sông. Tuy nhiên, nguyên nhân xảy ra vụ sập cầu vẫn đang được Công an huyện Tân Phú điều tra làm rõ. Hai bên đầu cầu, chúng tôi đã cử người canh gác, bảo vệ hiện trường; kiên quyết không để xảy ra tình trạng người dân muốn sang phà mà phải chờ lâu dù bất kể thời gian nào” - ông Khánh cho hay.

Ngay sau sự việc sập cầu treo Tà Lài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã có buổi làm việc với huyện Tân Phú và các sở, ngành để bàn phương án khắc phục. Theo đó, ông Trần Văn Vĩnh đề nghị huyện Tân Phú tiếp tục sử dụng phà của Vườn quốc gia Cát Tiên đưa người dân qua lại 2 bên bờ. Trong vòng 15 ngày, phải có phà thay thế bằng việc đóng một cái mới để phục vụ người dân và không được thu tiền người dân khi qua phà, kể cả vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Ông Trần Văn Vĩnh cũng yêu cầu lực lượng công an túc trực nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự và khẩn trương khảo sát, đánh giá nguyên nhân gây sập cầu; sau đó tiến hành ngay việc trục vớt phần thân cầu hiện đang nằm dưới sông và xử lý hiện trường để làm lại cầu mới. UBND tỉnh sẽ báo cáo nhanh vụ việc với Bộ Giao thông - vận tải nhằm xin cơ chế làm nhanh cho huyện Tân Phú cây cầu mới. Dự kiến cầu mới sẽ được đầu tư xây dựng bằng bê tông kiên cố thay cho cầu treo bị sập.

“Trước mắt, đề nghị chính quyền địa phương cần sớm tiến hành đổ bê tông tại phần lên xuống bến thật vững chắc để mũi phà có thể vào sâu bờ đưa người dân qua lại thuận tiện; đồng thời phải đảm bảo việc phục vụ người dân đi lại bằng phà an toàn, không được chở quá tải và phải trang bị áo phao đầy đủ” - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Thanh Hải

 

 

 

Tin xem nhiều